Bóc mẽ "công nghệ" làm hành phi siêu bẩn

Theo Giaoduc,
Chia sẻ

Trong vai 1 người mua buôn hành phi, PV đã thực mục sở thị tận mắt chứng kiến công nghệ làm hành phi siêu bẩn tại Tả Thanh Oai (Hà Nội).

Hàng tạ hành phi ra lò trên nền đất bẩn

Hành phi là món phụ gia không thể thiếu cho một số món ăn như bánh cuốn, xôi xéo, cơm rang… thậm chí một số nhà hàng còn mua hành phi như một nguyên liệu chế biến các món xào. Chính vì vậy, việc sản xuất hành phi trở thành nghề “hot” ở một số vùng, địa phương hiện nay và trở thành mối lo ngại về an toàn thực phẩm.

Trong vai một người chuyên mua buôn hành phi về bỏ mối tại Hà Nội, phóng viên đã thực mục sở thị tận mắt chứng kiến công nghệ làm hành phi siêu bẩn tại Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.
 
Trừ có chiếc máy lát hành, việc chế biến hành phi tại cơ sở nhà chị H. hoàn toàn làm bằng công nghệ thủ công. Tổng cộng diện tích khu nhà xưởng chỉ rộng chừng hơn 20 mét vuông nhưng mỗi ngày, cơ sở này cho ra đời hàng tạ hành phi thơm ngon.

Hành phi được rán trong một không gian bẩn thỉu.

Trình tự sản xuất bắt đầu từ việc hành được đưa vào máy cắt lát, sau đó trộn với bột và cho vào chảo dầu nóng đen ngòm để phi thơm. Nền nhà ẩm ướt, hành phi rơi vãi lại được chị H. - chủ cơ sở cũng là người làm trực tiếp thu nhặt, cho vào rổ hành đã phi xong chờ nguội để đóng gói.

Chảo dầu để phi hành được đặt ra hẳn lề đường, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ thấy nó mất vệ sinh như thế nào vì khói bụi xe cộ qua lại trên đường lúc nào cũng bủa vây. 

Khi hỏi về dầu để phi hành, chị H. không dấu diếm tiết lộ: đa phần dầu được lấy buôn từ mối. “Dầu phi hành không cần phải mua loại xịn, có thương hiệu vừa đắt, vừa hao. Người làm chỉ cần mua loại dầu giá rẻ có giá từ 27 đến 30 nghìn đồng/lít".

Mỗi ngày chị H. dùng hết cả can 20 lít nên không thể mua loại dầu xịn có giá từ 40 đến 45 nghìn đồng/lít.  Nhìn can dầu được giới thiệu là mới tinh vừa bóc nắp, chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy nhãn mác, tem phiếu ở chỗ nào. Chị H. chỉ giới thiệu là dầu mua theo mối được chở từ Bắc Ninh về đổ cho những người có nhu cầu nhiều như rán quẩy và phi hành.

Theo như chị H., cơ sở này đã tham gia vào thị trường làm hành phi hơn 10 năm, chủ yếu bán cho các hộ làm bánh cuốn ở Thanh Trì và một vài người bán lẻ xôi ở bên Hà Đông. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với cơ sở này dường như quá xa xỉ!

Hành phi = hành tây vắt nước + tẩm bột

Cả khu Tả Thanh Oai chỉ có gia đình nhà chị H. làm hành phi nên nguồn thị trường khá rộng lớn, cũng chính từ đó mà cơ sở có điều kiện làm hàng cho hành phi.

Khi hỏi mua hành phi giá buôn, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chị H. ra giá 70 nghìn đồng/kg. "Giá này là giá mềm nhất rồi đấy. Em xem mỗi kg hành tươi chỉ được 2 lạng hành phi thôi. Nếu mua hành phi xịn thật thì giá sẽ khác có thể lên đến 200 nghìn đồng/kg, nhà chị có làm loại này nhưng ít lắm vì khách chê. Đa phần khách đều lấy hành phi đã được tẩm bột" - chị H. thành thật chia sẻ.

Chị H. giải thích thêm: Nguyên liệu làm hành phi không phải hành khô mà chủ yếu làm từ hành tây đã vắt nước hoặc hành mua từ Trung Quốc giá rẻ. Sau khi đã mài hành qua máy, người làm hành sẽ trộn cùng với bột sắn mì. 

Dầu để phi hành không tem nhãn mác, hành tây được chất đống chờ biến thành hành củ phi thơm.

Ngoài ra, hành phi còn được biến hóa thêm, để tăng lợi nhuận, người sản xuất hành phi thường tận dụng thêm cả hành tây, khoai tây đã thối. Hành tây ủng, úa có mùi hăng hăng vẫn có thể dùng để phi lên. Khi đó người làm hành phi sẽ trộn thêm với một ít hành củ xịn để làm mùi hoặc có thể pha thêm với một số loại bột khác. 

Khi chiên giòn người ăn không thể phát hiện được hành phi có mùi lạ. Bà chủ vừa đảo chảo hành vừa bật mí với chúng tôi: “Ngày trước, khi có người làm thì cũng độn thêm ít khoai tây và hành tây bị hư nhưng bây giờ không có người làm, làm ngay đường đi lối lại nên bẩn quá, độn nhiều quá người ta cũng nói cho nhức tai lắm nên nhà chị không làm món đó nữa. Nhưng khi khách cần vẫn làm vì loại này giá rẻ nhưng vẫn lãi nhiều".

Có thể nói, những túi hành phi lớn nhỏ cứ hàng ngày tuồn ra thị trường len lỏi vào nhiều bữa ăn của người dân, đã không ít lần báo chí đã từng lên tiếng, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không ai quan tâm đến chất lượng của nó. Liệu tình trạng sản xuất bẩn này bao giờ mới kết thúc, phải chăng vì tâm lý khuất mắt trông coi nên những cơ sở hành phi này vẫn mặc sức "làm mưa, làm gió", mặc kệ sức khỏe người tiêu dùng?
Chia sẻ