Đoạn tin nhắn được hàng ngàn phụ huynh Hà Nội bàn luận "rần rần" lúc này: Lo sợ vì nhìn thấy chính mình trong đó

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Đây là câu chuyện không chỉ của riêng 1 gia đình nào.

Kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội đang cận kề, chỉ còn gần 2 tháng nữa, học sinh lớp 9 toàn thành phố sẽ bước vào kỳ thi cam go, căng thẳng không kém thi đại học. 

Hiện nay số trường THPT công lập trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10. Trong khi đó, lượng thí sinh đăng ký dự thi có năm lên đến gần 100.000 em, nhưng chỉ có khoảng 55-60% trong số đó có cơ hội trúng tuyển trường công. Chỉ tiêu có hạn, nhưng hầu hết phụ huynh nào cũng mong muốn con em mình có 1 suất vào trường công.

Với những em có học lực khá giỏi, kỳ vọng của cha mẹ không chỉ dừng lại ở trường công mà còn phải là "trường công chất lượng cao". Những cái tên như trường THPT Chu Văn An; Kim Liên; Việt Đức; Phan Đình Phùng; Yên Hòa; Nguyễn Gia Thiều... luôn nằm trong "tầm ngắm" của nhiều gia đình. Tất nhiên, để chen được một suất vào những ngôi trường top đầu này, các em cũng phải ôn luyện, cạnh tranh "trầy da tróc vảy". Kỳ vọng lớn, áp lực cũng lớn tương đương.

Mới đây, một giáo viên tiếng Anh chia sẻ 1 đoạn trao đổi tin nhắn với học sinh cô đang dạy kèm thu hút sự chú ý. Cô cho biết, nửa đêm đọc được tin nhắn học sinh gửi mà thấy thương. Bạn đang bị áp lực chọn trường từ phụ huynh và có nhờ cô gián tiếp nói với mẹ. Phụ huynh rất tốt, rất lắng nghe.

Theo cô giáo, em học sinh thi thử mấy lần thì đều ở quanh mức 43 - 43,5 (tức là gần mức điểm chuẩn 43,25 của Kim Liên năm ngoái). Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn vì lúc thi thật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (tâm lý, đề thi, may rủi). Cô giáo này thắc mắc, trong trường hợp này nên mở lời với phụ huynh như thế nào? Cô muốn chia sẻ với phụ huynh về việc chọn trường, khả năng đỗ Kim Liên của bạn học sinh này, để chị ấy đỡ áp lực lên đứa con.

Đoạn tin nhắn được hàng ngàn phụ huynh Hà Nội bàn luận "rần rần" lúc này: Lo sợ vì nhìn thấy chính mình trong đó - Ảnh 1.

Trong đoạn tin nhắn, em học sinh này khẩn thiết nhờ cô giáo nhắn gửi với mẹ hãy cho em "thi trường nào cũng được".

Trong đoạn tin nhắn, em học sinh này khẩn thiết nhờ cô giáo nhắn gửi với mẹ hãy cho em "thi trường nào cũng được". Bây giờ em đang "mấp mé" Kim Liên, nhưng nếu không thì học Yên Hòa, Thăng Long cũng được. "Đưa em đi học cũng nói Kim Liên, ăn cơm cũng Kim Liên. Nhưng mà đề thi em không chắc chắn được", em này nói.

Động viên con cố gắng hết sức không có nghĩa là tạo sức ép

Năm học 2023 - 2024, căn cứ số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập không chuyên cho thấy, trường THPT Kim Liên là trường có tỷ lệ chọi lớp 10 cao nhất. Nhà trường tuyển 675 chỉ tiêu thì có đến 1.768 học sinh đăng ký nguyện vọng, tương ứng tỷ lệ chọi 1/2,61.

Với nhiều trường cấp 3 top đầu khác, tỷ lệ chọi cũng cao ngất ngương. Học sinh quay cuồng với ôn tập thi cử. Phụ huynh căng thẳng lo âu.

Mong con vào môi trường tốt là nguyện vọng chính đáng của các bậc cha mẹ. Xét cho cùng, hạt giống tốt được gieo trên nền đất màu mỡ càng có khả năng phát triển vượt bậc. Thế nhưng, động viên con cố gắng hết sức không có nghĩa là tạo sức ép. Trong trường hợp này, nhiều người cho rằng bà mẹ đã khiến con bị ám ảnh tâm lý, không chỉ khó đạt mục tiêu mà còn ảnh hưởng tinh thần nặng nề. Một khi thất bại, trẻ không khỏi thấy tuyệt vọng, tự trách, có thể dẫn đến những kết quả tiêu cực.

Nhiều người khuyên cô giáo này, nhìn chung mấy trường top 1 ở các quận chất lượng đều tương đương nhau, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký. Nếu học sinh thích trường nào thì nên động viên em đăng ký nguyện vọng trường đó và cố gắng hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, điều quan trọng là khuyến khích, động viên chứ không phải ép buộc, tạo áp lực đỗ bằng mọi giá. Bởi chuyện thi cử, ngoài việc các con cố gắng hết sức, chăm chỉ, còn lại phụ thuộc 1 phần vào may mắn.

"Với học sinh: Sao con không thử tự nhủ mình cố gắng hơn nữa để thi đạt kết quả tốt hơn? Học thi vất vả nhưng sau này bươn chải còn vất vả hơn học, nếu bây giờ con cố gắng, sau này con sẽ càng có cuộc sống tốt hơn. Mệt mỏi nghỉ ngơi sẽ hết, nhưng nếu không cố gắng sau này con sẽ hối hận.

Với phụ huynh: Đã muốn ép con thì ép cho hẳn hoi, ép từ bé cho con quen với sức ép, ép liên tục, ép dần trong mọi việc chứ không chỉ mỗi việc học. Cuộc sống áp lực từ nhiều phía, học chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời mà thôi. Đừng vì mỗi việc học mà ép con nhất thời. 

Thay vì ép con hãy làm gì đó để tạo động lực cho con tự cố gắng hơn. Để con thấy được nếu con tự cố gắng thì con sẽ gặt hái được những thành công, những thành quả tốt và thực tế trong cuộc sống của chính con, đó không phải là thành tích nhất thời, đó phải là những thành công có tính căn bản lâu dài, là cơ sở vững chắc để con phát triển", một phụ huynh nêu ý kiến.

Trường tốt con có thể vào, vì năng lực của con không phải tồi, nhưng hãy để con có sự lựa chọn của riêng mình, môi trường bố mẹ đặt có thể tốt nhưng không phù hợp với con thì dù con có vào được cũng chỉ vào vì bố mẹ chứ không phải vì chính bản thân con. Con đã lớn, con đã có tư duy có suy nghĩ về bản thân, dù điều đó còn mơ hồ mông lung, điều bố mẹ cần làm là hướng tư duy suy nghĩ đó của con rõ ràng hơn cho con lựa chọn.

"Có tận 3 nguyện vọng, cô giáo hãy bảo bố mẹ là thời gian này thắng bại không chỉ ở học, mà còn cân bằng sức khoẻ, tâm lý. Con cần lúc ở bên bố mẹ nói chuyện khác, chuyện cuộc sống, tạm quên các kiến thức trên lớp để nó còn "ngấm". Cũng như con cần ít nhất 1 tiếng/ ngày vận động, làm việc nhà,... để kích hoạt trí thông minh vận động", một người gợi ý.

Nói về áp lực vào lớp 10, một thầy giáo cho rằng, vào lớp 10 công lập không phải con đường duy nhất, các em còn nhiều con đường lựa chọn khác: "Hiện nay chúng ta thấy nói đến thi vào 10 là nói đến thi lớp 10 công lập. Thực tế hiện nay, trong khối ngoài công lập có rất nhiều trường dân lập có kết quả học tập tốt, có những môi trường lý tưởng đáng mơ ước, tính cạnh tranh cũng rất cao, các bạn được đầu vào không hề đơn giản. 

Tại sao chúng ta không tổ chức 1 kỳ thi chung giữa khối dân lập và công lập để gạt bỏ sự phân biệt đó. Hiện nay tôi thấy vẫn có sự phân biệt, ngay trong suy nghĩ của người lớn thôi đối với việc học nghề, đối với việc học dân lập. Nếu như suy nghĩ đó được cởi bỏ đi, mọi người cởi mở hơn thì áp lực vào trường công sẽ giảm đi rất nhiều".

Thay vì tạo áp lực, gia đình nên lựa chọn một điểm đến phù hợp với năng lực để sự tự tin của các em được khai phá tốt nhất. Thí sinh cần lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực, mục tiêu của bản thân và gia đình. Thí sinh không nên đặt nguyện vọng quá thấp so với năng lực của bản thân, tránh tiếc nuối khi biết điểm. Song cũng không nên đặt nguyện vọng quá sát với khả năng của bản thân, khiến các em không còn "đường lui" nếu lỡ mắc phải một vài lỗi sai khi làm bài.

Bên cạnh đó, để rèn luyện kỹ năng làm bài, biết cách cân đối thời gian cũng như làm quen với tâm lý trong phòng thi, thí sinh nên tự làm các bài kiểm tra tính giờ trong giai đoạn ôn thi nước rút.

Chia sẻ