Đồ uống chứa đường không làm tăng cân?
Kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà nghiên cứu Mỹ cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa việc tăng cân ở giới trẻ với việc sử dụng đồ uống có đường.
Tiến sĩ Mark A. Pereira thuộc Trường đại học Minnesota (Minneapolis, Mỹ), tác giả của bản báo cáo cho biết: “Mối liên hệ phổ biến giữa các loại thức uống không cồn và có đường với nguy cơ béo phì là không rõ ràng, đặc biệt với giới trẻ”.
Theo như bản báo cáo của Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, nhóm nghiên cứu của Pereira đã đánh giá chế độ ăn, lối sống và cân nặng của 2.294 học sinh tại hệ thống trường St.Paul, thuộc bang Minneapolis.
Không có sự liên quan nào giữa việc sử dụng các loại đồ uống ngọt với sự tăng cân của các thiếu niên.Ảnh minh họa: gettyimages |
Ban đầu, với các thiếu niên khoảng 15 tuổi, đã có 1.289 báo cáo cho biết họ uống 7 hoặc nhiều hơn khẩu phần sữa trắng mỗi tuần; trong khi đó 1.456 trường hợp khác uống rượu pân ngọt và 1.325 người khác lại uống đồ uống ngọt không cồn 6 lần trong một tuần. Ngoài ra, 1.300 trường hợp khác cho biết hàng tuần họ uống 6 lần nước cam hoặc táo ép.
Các nhà điều tra thấy rằng không có sự liên quan tổng thể nào giữa việc sử dụng các loại đồ uống ngọt với sự tăng cân của các thiếu niên trong hơn 5 năm, sau khi theo dõi chặt chẽ thói quen uống có đường và chỉ số cân nặng của họ.
Tuy nhiên, Giáo sư Pereira và các đồng nghiệp cũng nhận thấy việc uống sữa trắng ở mức độ ít hoặc không uống có liên quan chặt tới việc làm tăng chỉ số BMI - chỉ số khối cơ thể được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người (được tính bằng cân nặng theo đơn vị kilogram chia cho bình phương chiều cao tính theo mét).
Trong khi đó, việc uống sữa trắng gần như hàng ngày hoặc thường xuyên hơn có vẻ như lại khiến chỉ số BMI tăng ít hơn.
Khám phá của họ cũng chỉ ra mối liên hệ giữa đồ uống ăn kiêng không cồn với việc tăng cân. Tuy nhiên, phát hiện này theo Pereira lưu ý thì "xem ra đã được giải thích bằng việc ăn kiêng nói chung", chứ không hẳn là đồ uống soda ăn kiêng (không đường).
Giáo sư Pereira cho biết: Mối liên hệ giữa đồ uống có đường với nguy cơ béo phì ở giới trẻ có thể “không lớn như chúng đã từng thông tin qua các cuộc nghiên cứu mang tính riêng lẻ trước đây”. Để làm rõ hơn vấn đề này, nhóm của ông khuyến nghị nên có thêm các cuộc điều tra nghiên cứu trên diện rộng.