Vụ án kinh hoàng từ cơn ghen: Đỗ Trạng nguyên được gả Công chúa, người đàn ông bất ngờ "sập bẫy"
Lên cơn ghen khi chồng cưới được Công chúa, vợ Phò mã đã quá mức giận dữ và làm nên một chuyện tàn nhẫn tột cùng!
Vị Phò mã được vua Lê Thánh Tông gả con gái
Một khi cơn ghen lên đến đỉnh điểm, đôi khi người ta chẳng biết nên cư xử như thế nào cho phù hợp nhất. Trong lịch sử, từng có những màn ghen tuông để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Như câu chuyện của Trạng Hổ thời vua Lê Thánh Tông cũng thế.
Trạng Hổ tên thật là Nghiêm Viên, tên thường gọi là Nghiêm Hoãn, quê ở phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Trạng nguyên năm Bính Thìn (1496). Được biết, năm đó đáng ra người đỗ Trạng nguyên là Triệu Nghị Phù.
Tuy vậy, sau đó họ Triệu phạm lỗi nên bị truất xuống Đệ nhị giáp. Nghiêm Viên đang từ Bảng nhãn được nâng lên thành Trạng nguyên - đỗ đầu khoa thi năm Hồng Đức (Lê Thánh Tông) thứ 27.
Tương truyền, trước ngày diễn ra khoa thi Đình, vua Lê Thánh Tông nằm mộng thấy một con hổ ăn đầu người. Sau khi có kết quả thi, ông cho gọi những người đỗ vào thì thấy một tân khoa vạm vỡ, tướng mạo dữ tợn. Người đó xưng là Nghiêm Viên.
Khi biết Nghiêm Viên sinh năm Dần, vua nghĩ lại giấc mơ đêm trước. Cũng vì thế, vua quyết định đổi tên cho ông là Nghiêm Hoãn để tránh điềm gở. Sau đó, ngài quyết định gả Công chúa cho tân Trạng nguyên. Nghiêm Viên cầm tinh con Hổ nên dân gian gọi ông là Trạng Hổ.
Đỗ đạt làm quan lại được nhà vua se duyên với Công chúa, đây rõ ràng là một sự vinh hiển lớn lao mà chẳng mấy ai đạt được. Tuy nhiên, cuối cùng cuộc đời của Nghiêm Viên lại đi theo phương hướng chẳng ai ngờ. Cũng chính vì chuyện cưới Công chúa mà vị Phò mã này rơi vào một vụ án thảm khốc.
Cái kết của vị Phò mã vừa đỗ đạt
Số là trước khi đi thi đỗ đạt, Nghiêm Viên có một người vợ ở quê nhà. Vợ ông có tính ghen tuông ghê gớm, biết tin chồng có vợ hai thì “sôi máu” và nổi cơn ghen kinh khủng.
Quá mức tức giận, vợ Nghiêm Viên lập tức nghĩ cách để trả thù. Bản thân mình là thường dân nên không dám đụng đến Công chúa, tuy nhiên người phụ nữ này quyết không để cho chồng mình yên.
Vì quá giận mà mất khôn, người vợ này đã bỏ thuốc độc vào thức ăn trong bữa tiệc mừng đỗ đạt của chồng khi Nghiêm Viên vinh quy bái tổ.
Nghiêm Viên ăn xong rồi trúng độc chết. Lúc đó ông thậm chí còn chưa kịp đứng ra làm quan, tận hiến tài năng của mình cho nước nhà. Nàng Công chúa cũng khổ sở khi trở thành góa bụa dù còn trẻ trung. Bản thân người vợ của Nghiêm Viên sau khi mọi chuyện xảy đến có hối hận thì cũng đã muộn.
Khi đó sử sách không ghi rõ ràng nàng Công chúa được gả cho Nghiêm Viên là ai trong số các con của Lê Thánh Tông. Hồng Đức Hoàng đế có nhiều con gái gồm: Ý Đức công chúa (Lê Oánh Ngọc), Thụy Hoa công chúa (Lê Minh Kính), Chiêu Huy công chúa (Lê Triệt San), Thiều Dương công chúa (Lê Bính Hiểu), Lan Minh công chúa (Lê Lan Khuê), Cảnh Bình công chúa (Lê Bảo Huyền), Quỳnh Phương công chúa (Lê Lệ Khanh), Xuân Minh công chúa (Lê Lan Đường), Thọ Mai công chúa (Lê Cẩm Thương) và Cẩm Vinh công chúa (Lê Mỹ Thuần).
Tuy nhiên, dù là ai đi chăng nữa thì nàng cũng đã phải đón nhận một bi kịch cuộc đời, Phò mã chưa cưới được bao lâu đã phải âm dương cách biệt.
Sách Khâm định Việt sử thông giám Cương mục viết về khoa thi năm Bính Thìn (1496) ghi lại rằng: “Nghiêm Viên, người làng Bồng Lai, huyện Quế Dương, sau khi đỗ, lấy Công chúa. Đến lúc về nhà bị vợ đánh thuốc độc chết”.
Nghiêm Viên dù có tài năng nhưng chưa kịp thể hiện. Đất nước mất đi một nhân tài từ cơn cuồng ghen của người vợ cả.
Theo Bộ luật Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông ban hành, áp dụng cho thời đại ấy thì án giết chồng của vợ Nghiêm Viên đã phạm vào một quy định trong Thập ác (10 tội ác nhất).
Phạm tội ác giết chồng không thể dung tha, không được ân xá mà phải chịu một trong 3 mức tử hình là giảo (thắt cổ), xử trảm (chém đầu) và lăng trì (cắt xẻo thịt cho đến chết).
Điều 421 Bộ luật Hồng Đức cũng ghi: “Kẻ dùng thuốc độc hại người hay ban thuốc độc đều phải giảo”.
Trong Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, một văn bản pháp luật khác cũng có quy định: "Vợ giết chồng bị xử tội chết".
Theo cuốn sách Truyện hay trong lịch sử Việt Nam, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục