Đồ ăn được gói bằng thứ này thì tuyệt đối đừng mua kẻo nhiễm độc, hại không kém gì bao nilon
Ngoài bao nilon, có 1 thứ chúng ta tuyệt đối không nên dùng để gói thực phẩm vì rất độc, dễ phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm.
Từ lâu, việc dùng giấy báo gói thực phẩm là điều rất hay bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Từ những ổ bánh mì hay bánh bao, xôi vò… được gói vội trong giấy báo đã trở thành bữa sáng quen thuộc của nhiều người. Thói quen tưởng chừng như tiết kiệm, tiện lợi này đang âm thầm gây nên nhiều loại bệnh tiềm ẩn, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe.
Dùng giấy báo gói thực phẩm, hại ngang ngửa bao nilon
Tuy rất độc hại thế nhưng, dạo qua những nơi tập trung đông dân cư như các khu phố, chợ, bến tàu, bến xe… lại dễ dàng bắt gặp cảnh người bán xôi, bánh mỳ, bán các món chiên rán (như bánh khoai, bánh rán…) sử dụng giấy báo, giấy in để bọc thức ăn cho thực khách.
Việc sử dụng những loại giấy đã qua sử dụng này giúp tiết kiệm chi phí so với việc mua các loại hộp đựng. Do đó giấy báo, giấy in cũ thường được sử dụng để bọc thực phẩm, thậm chí cả thực phẩm vừa chế biến còn nóng, dính nhiều dầu mỡ… Không mấy ai quan tâm đến sự ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe.
Mới đây, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã đưa ra cảnh báo không sử dụng báo để phục vụ, đóng gói và bảo quản thực phẩm. Theo đó, mực dùng trong báo giấy có thể chứa màu và các chất phụ gia có hại. Nếu sử dụng sẽ khiến thực phẩm bị nhiễm tạp chất kim loại và hóa chất độc hại.
"Hành vi gói thực phẩm trong các tờ báo không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt độc hại nếu thực phẩm đó đã được nấu chín" - FSSAI phát lời cảnh báo.
Cụ thể hơn, mực dùng để in giấy báo, sách… dù in màu hay in đen trắng đều chứa hợp chất của chì, có nguy cơ gây hại cao cho sức khỏe con người. Khi dùng giấy báo để gói thức ăn, mực in này sẽ thấm vào thức ăn. Khi hấp thụ vào cơ thể, chúng sẽ gây độc tới hệ thần kinh trung ương, gan, máu, xương và hệ sinh sản ở cả nam lẫn nữ.
Trong mực in có chứa hợp chất của chì (Pb) là một chất độc, rất dễ gây biến đổi gen của tế bào và tác động đến quá trình di truyền của cơ thể. Chì còn gây độc đối với hệ thần kinh, hệ sinh sản lẫn các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, máu...
Nguy hiểm hơn cả, chất độc của chì không bị phân giải trong nước, không bị oxy hóa, nên một khi đã vào cơ thể sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan... hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải ra ngoài. Nếu cơ thể người chứa khoảng 0,5 - 2mg chất độc này sẽ có biểu hiện nhiễm độc như phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn...
FSSAI cảnh báo rằng người già, thanh thiếu niên, trẻ em và những người bị mắc các bệnh liên quan đến nội tạng hoặc hệ miễn dịch sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ mắc ung thư cao nếu thường xuyên ăn các thực phẩm được đóng gói trong báo giấy.
Hơn nữa, báo hay giấy in được sử dụng để bọc, lót đồ ăn thường là báo cũ. Loại báo này trải qua rất nhiều khâu in ấn, vận chuyển, qua tay nhiều người sẽ dính nhiều vi khuẩn. Đặc tính thấm hút của báo rất tốt nên vi khuẩn dễ dàng ẩn nấp trên bề mặt tờ báo, khiến chúng bám vào đồ ăn và gây bệnh cho người ăn phải.
Có gì để thay thế việc dùng báo gói thực phẩm không?
Câu trả lời là có. Để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, bạn nên ưu tiên sử dụng một số loại lá cây trồng có sẵn để bao gói thực phẩm. Chúng rất an toàn mà lại thân thiện với môi trường như lá chuối, lá dong, lá dừa, lá sen... có chứa nhóm nhân phenol gây ức chế vi khuẩn và rất dễ bị phân hủy trong đất.
Các loại lá này sạch cực kỳ, sở hữu mùi thơm đặc trưng, kết cấu mềm, mịn, bề mặt trơn nên ít bám bụi và không giữ nước. Do đó bạn chỉ cần rửa sơ, lau sạch là có thể dùng để gói thực phẩm rất an toàn.
Ngoài ra, khi mua hàng mà gặp người bán sử dụng giấy báo, tuyệt đối nói không hoặc bảo họ đổi sang hình thức gói khác. Nếu được thì nên mang theo những hộp nhựa chất lượng cao, hoặc hộp thủy tinh, túi xách nhỏ… từ nhà đi để đựng thực phẩm mua mang về.
Theo Indiatimes, NDTV