Điều trị dính buồng tử cung như thế nào mới hiệu quả?
Dính buồng tử cung là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nạo hút thai và có thể cản trở việc có con sau này.
Chào bác sĩ, em muốn được bác sĩ tư vấn một việc như sau. Em đã có gia đình và từng mang thai 1 lần. Nhưng ở tuần thứ 9 thì thai không phát triển và phải đến bệnh viện để hút. Em cũng đã tìm hiểu về những biến chứng có thể gặp sau khi hút thai và kiêng 5 tháng mới bắt đầu "thả" để có em bé. Nhưng tới nay đã 8 tháng mà em vẫn chưa có thai.
Em không có biểu hiện viêm nhiễm gì nên em đang lo lắng không biết liệu mình có bị dính buồng tử cung nên khó có thai không. Bác sĩ cho em hỏi, nếu bị dính tử cung thì sẽ điều trị như thế nào, có nhiều phương pháp không và cách nào là hiệu quả nhất? Em cảm ơn bác sĩ! (H. Hải)
Trả lời:
Bạn H. Hải thân mến!
Trước hết, xin được chia sẻ với tình trạng của bạn. Đúng là sau khi phải bỏ thai, dính buồng tử cung là một trong những nỗi lo lớn của chị em bởi bệnh này có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản sau này. Dính buồng tử cung là hiện tượng thành trước và sau của tử cung bị dính vào nhau do các lớp niêm mạc ở thành tử cung bị viêm nhiễm và không thể tái tạo kịp thời, làm cho tử cung bị mất đi lớp "chống dính". gây cản trở việc thụ thai. Bình thường, tử cung là nơi nuôi dưỡng phôi thai phát triển sau khi trứng được thụ tinh đồng thời cũng là nơi tạo ra chu kỳ kinh nguyệt để duy trì chức năng sinh sản của nữ, do vậy, nếu bị dính sẽ cản trở việc thụ thai à ảnh hưởng đến kinh nguyệt - nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, sẩy thai, sinh non, thai dị tật...
Dính buồng tử cung là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nạo hút thai và có thể gây vô sinh.
Dính buồng tử cung là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nạo hút thai. Đặc biệt với những người nạo hút thai nhiều thì nguy cơ này càng cao. Những chị em mắc chứng dính buồng tử cung thường có các triệu chứng như: Rối loạn kinh nguyệt, đau quặn ở vùng bụng dưới, đau khi giao hợp hoặc khi vận động các công việc nặng, khó mang thai, dễ sẩy thai và sinh non, cơ thể luôn mệt mỏi, căng thẳng, suy nhược cơ thể...
Để điều trị viêm dính tử cung, trước hết bạn phải đến khám phụ khoa ở cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu đúng bị dính tử cung mà không bị viêm nhiễm thì bác sĩ sẽ chỉ tiến hành nội soi buồng tử cung không kèm nội soi thành bụng và tiến hành cắt dính trong quá trình soi buồng tử cung.
Còn trong trường hợp bị dính tử cung do viêm nhiễm, bác sĩ sẽ dùng thuốc đặc trị để điều trị dứt điểm vùng viêm nhiễm, sau đó mới sử dụng thuốc hoặc các phương pháp tách dính các mặt trong tử cung đang bị dính ra. Nội soi tách dính buồng tử cung là sử dụng phương pháp nội soi qua ngả âm đạo hay còn gọi là Nội soi Buồng Tử Cung – Hysteroscopy để quan sát trực quan buồng tử cung và dùng dao điện để cắt dính.
Thông qua những hình ảnh chỉ dẫn trên màn hình, phẫu thuật viên sẽ tiến hành tách những điểm dính trong lòng tử cung. Cuối cùng, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kích thích tái tạo niêm mạc tử cung để ngăn dính trở lại.
Hiện tại bạn cũng đã hút thai được một thời gian dài, cơ thể đã khỏe mạnh trở lại và không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai thì nên đi khám phụ khoa để được bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nếu không may gặp rắc rối nào thì sớm được điều trị kịp thời.
Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!