“Điều gì khó khăn hơn việc học?” - Câu trả lời của bé gái khiến phụ huynh phải suy nghĩ
Là một người mẹ, đoạn hội thoại vỏn vẹn vài câu đó làm cho chị đột nhiên cảm thấy rất xót xa.
Có câu: "Nhiệt độ" của bàn ăn quyết định mức độ hạnh phúc của đứa trẻ. Nếu cha mẹ đang tìm kiếm một cách nào đó để duy trì sự kết nối giữa cha mẹ và con cái thì không cần tìm kiếm ở đâu xa, đó là bữa cơm tối với gia đình. Gia đình sum vầy cùng nhau, ăn uống hạnh phúc, nói chuyện vui vẻ, đây là tình yêu và sự đồng hành tốt nhất cho một đứa trẻ.
Một phụ huynh từng kể câu chuyện: Mấy ngày trước trong lúc chờ thang máy, chị tình cờ gặp một đôi cha con. Người bố đột nhiên hỏi: "Con có biết điều gì khó khăn hơn việc học không?". Cô gái nói: "Con cảm thấy ăn một bữa cơm với bố mẹ còn khó hơn thi đạt điểm tuyệt đối".
Là một người mẹ, đoạn hội thoại vỏn vẹn vài câu đó làm chị đột nhiên cảm thấy rất xót xa.
Có một bộ phim ngắn như thế này:
Trên bàn ăn đầy món ngon vật lạ nhưng cô con gái lại ăn uống vô cùng uể oải, không có chút hứng thú. Bởi vì đối diện bàn ăn, người mẹ mải miết cầm điện thoại di động. Phía bên cạnh, chỗ ngồi của người bố trống không. Đứa trẻ hy vọng được cùng bố mẹ ăn một bữa cơm, nhưng cuộc điện thoại của người bố triền miên không dứt.
Thức ăn có phong phú đến đâu thì đã sao? Miệng nhai thức ăn, nhưng lưỡi lại nếm được sự cô đơn vô tận và cay đắng. Khoảng cách xa nhất trên thế giới chính là, khi chúng ta ngồi lại với nhau, nhưng trái tim mỗi người cách xa nhau như đỉnh cao và vực sâu vậy.
Chúng ta luôn nghĩ rằng miễn đảm bảo dinh dưỡng cho ba bữa ăn một ngày là đủ. Nhưng không biết rằng đối với một gia đình, đặc biệt là trẻ em, ăn không bao giờ là một vấn đề đơn giản. Nhiệt độ của bàn ăn là nhiệt độ của gia đình. Những gì trẻ em cần, ngoài dinh dưỡng của thực phẩm, còn có sự nuôi dưỡng của tình yêu của cha mẹ. Nhiều chất hơn cũng không bằng cùng đứa nhỏ ăn một bữa cơm ngon.
Bạn có nhớ video từng rất nổi tiếng này không?
Người đàn ông đi làm về muộn, mệt mỏi và bực bội. Đứa con trai 5 tuổi chờ ông ở cửa.
- Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
- Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, 20 đôla một giờ.
- Vậy hả bố, thằng bé cúi mặt đáp. Con có thể vay bố 10 đôla được không? - Nó hỏi.
Ông bố nổi giận: "Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy cái thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu". Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại.
Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con hỏi. Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ? Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, ông nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với cậu bé. Có thể nó thật sự thiếu 10 đôla để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình.
Người đàn ông tiến về phía cửa phòng con và mở cửa: - Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay bố phải làm thêm giờ và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, bố cho con 10 đôla.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: "Ô, cảm ơn bố!". Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Nhìn thấy tiền của con, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Cậu bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố nó.
- Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa? - Ông bố gầm lên.
- Bởi vì con còn thiếu, nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ. Bố, bây giờ con có 20 đôla, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố. - Thằng bé đáp.
Bố mẹ luôn nói con bất cứ thứ gì cũng không thiếu, nhưng chỉ duy nhất 1 bữa ăn đôi lúc thành điều quá xa xỉ. Là cha mẹ, chúng ta luôn cảm thấy mình bận rộn với công việc và xã giao, nhưng đứa trẻ không bao giờ đòi hỏi nhiều, chỉ là 20 phút đồng hành trên bàn ăn của cha mẹ.
Lý Thi Di, học sinh lớp 6 ở Côn Sơn (Trung Quốc) vì cha mẹ làm việc trong nhà máy, thường không thể về nhà nên từ năm lớp 3, cô bé đã học được cách tự nấu, ăn một mình.
Đôi khi để cho ngôi nhà bớt lạnh lẽo và yên tĩnh, cô bật TV để ăn. Nhưng nước mắt luôn không nhịn được rơi xuống vì nhớ ba mẹ. Xuất phát từ khát vọng của mình, cô đã viết những lời tâm sự thành tác phẩm "Tôi muốn ăn tối với cha mẹ", có đoạn:
"Rất nhiều chuyện ở quê tôi đều rất mơ hồ, nhưng tôi còn nhớ rõ, hồi nhỏ ở nhà, cha mẹ luôn cùng tôi ăn cơm. Cả gia đình ngồi ở bàn, rất hạnh phúc. Có cha mẹ, tôi không quan tâm đến việc đi ra khỏi nhà, cũng không muốn quần áo đẹp, bữa ăn thịnh soạn. Bởi vì tôi nghĩ rằng, nơi có cha mẹ, nơi đó là quê hương của tôi, cơm chiên trứng tôi cũng có thể ăn thật ngon lành. Một gia đình ba người chúng tôi ăn một bữa ăn ngon, như vậy tôi mới thực sự có một ngôi nhà".
Những gì trẻ em cần không chỉ là ba bữa ăn một ngày, mà còn là sự đồng hành tinh thần. Bởi vì, thực phẩm lấp đầy dạ dày và cha mẹ ở bên cạnh, lấp đầy trái tim của đứa trẻ. Bàn ăn, là nơi tốt nhất để giao tiếp cha mẹ và con cái.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nữ đặc khu trưởng đầu tiên của Hồng Kông, thường rất bận rộn với công việc, đặc biệt là khi hai đứa con còn nhỏ, sự nghiệp của cô đang trong giai đoạn thăng tiến. Mặc dù vậy, cô hiếm khi vắng mặt trong ba bữa ăn của hai đứa trẻ.
Cô nói: "Bình thường tôi phải bận rộn với công việc, mấy đứa nhỏ bận rộn học tập, chỉ có bàn ăn mới có thể cho cả nhà tụ tập, ngồi xuống, trò chuyện. Tại bàn ăn, tôi sẽ nói về công việc và cuộc sống gần đây của tôi, và con cái sẽ nói chuyện với tôi về cuộc sống ở trường. Chúng tôi biết tình hình gần đây của nhau thông qua bàn ăn và do đó hiểu nhau hơn".
Thời gian bàn ăn không chỉ để thưởng thức các món ăn ngon, quan trọng nhất là kéo gần hơn các mối quan hệ. Một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng khi mọi người ăn, não tiết ra một chất dễ chịu, vì vậy ăn là thời gian thư giãn nhất. Tại thời điểm này, mọi người dễ dàng nhất để mở trái tim, tiết lộ những suy nghĩ thực sự của họ.
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bữa tối có một tầm quan trọng rất lớn, như nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Nghiện và Lạm dụng chất gây nghiện (CASA) tại Đại học Columbia đã tiết lộ, bữa ăn gia đình tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của trẻ trong gia đình.
Nghiên cứu có tên Tầm quan trọng của bữa tối trong gia đình đã đào sâu để xem liệu có mối liên hệ giữa tần suất các bữa ăn gia đình và việc lạm dùng chất kích thích ở thanh thiếu niên hay không. Nó cũng khám phá suy nghĩ của thanh thiếu niên về khái niệm bữa tối gia đình.
Và kết quả, so với thanh thiếu niên ăn bữa tối với gia đình từ 5 đến 7 ngày mỗi tuần và những người chỉ ăn bữa tối gia đình ít hơn 3 ngày mỗi tuần, thì nhóm những người chỉ ăn bữa tối gia đình ít hơn 3 ngày mỗi tuần là: Gần gấp đôi khả năng sử dụng rượu; Khả năng sử dụng thuốc lá cao gấp đôi; Khả năng sử dụng cần sa cao gấp rưỡi.
Những thanh thiếu niên thường xuyên ăn tối gia đình thì gần như gấp ba lần khả năng rằng họ có mối quan hệ tuyệt vời với mẹ, và gấp ba lần khả năng họ có mối quan hệ tuyệt vời với cha.