Điều dưỡng tiêm nhầm thuốc... phun sương cho trẻ

Theo Infonet,
Chia sẻ

Tưởng ống kim tiêm chứa thuốc Ventolin là nước cất, điều dưỡng đưa vào máy truyền để đẩy hết thuốc Tienam và Vancomycin vào cơ thể bệnh nhi. Chỉ đến khi cháu quấy khóc và da nổi bông tím, gia đình mới phát hiện sự việc và đưa cháu sang BV Nhi đồng cấp cứu.

Chiều 31/7, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ cho biết vừa mới tiếp nhận một bệnh nhi chuyển tuyến cấp cứu vì bị tiêm nhầm thuốc và đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu chống độc. Bệnh nhi là cháu Nguyễn Huỳnh Phúc An (7 tháng tuổi, ngụ Q.Ôn Môn, TP.Cần Thơ).

Điều dưỡng tiêm nhầm thuốc... phun sương cho trẻ 1
Bác sĩ Trần Thị Thúy Hồng xác nhận việc tiêm nhầm thuốc là có thật.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Hồng, Trưởng Khoa Nhi BV Phụ sản quốc tế Phương Châu, ngày 25/7, cháu Nguyễn Huỳnh Phúc An nhập viện tại BV để điều trị viêm phổi và nhiễm trùng đường tiêu hóa theo phác đồ là tiêm kháng sinh. Trong quá trình điều trị, cháu An có biểu hiện sốt, ho nhiều, tiêu chảy và kết quả cấy phân phát hiện tụ cầu vàng.

Ngày 30/7, sau khi hội chuẩn các bác sĩ đã đổi thuốc dùng Tienam và Vancomycin chảy chậm truyền qua máy vào cơ thể cháu An từ 30 phút đến 1 giờ. Cùng với việc điều trị viêm phổi, cháu An được dùng thuốc Ventolin dưới dạng phun sương. Đến 10h30 ngày 31/7, người nhà cháu A hết thuốc để phun sương nên báo với bệnh viện.

Điều dưỡng tiêm nhầm thuốc... phun sương cho trẻ 2
Điều dưỡng đẩy thuốc điều trị qua máy truyền vào cơ thể cháu bé.

Trong lúc gia đình đưa cháu An đi vệ sinh thì một điều dưỡng có đem theo ống kiêm tiêm chứa thuốc Ventolin đến phòng bệnh. Vì vậy, điều dưỡng Đường đã để ống kim tiêm trên máy phun và sang phòng bệnh khác. Khi cha mẹ cháu An vào, máy truyền báo hết thuốc nên ra ngoài gọi bác sĩ. Lúc này, nữ điều dưỡng Trần Thị Kim Anh vào thấy ống kiêm tiêm chứa thuốc Ventolin để trên mâm tiêm, nhưng lầm tưởng là nước cất đã đưa vào máy truyền đẩy hết thuốc Tienam và Vancomycin vào cơ thể bé An.

Chỉ đến khi cháu A quấy khóc và da nổi bông tím, gia đình mới phát hiện sự việc và đưa cháu sang BV Nhi đồng cấp cứu, hiện đã qua cơn nguy kịch. “Thông thường, sau khi truyền thuốc xong thì bơm nước cất vào máy truyền để đẩy hết lượng thuốc vào cơ thể”, bác sĩ Hồng cho hay.

Ông Trần Viết Hào, Phó Giám đốc BV phụ sản quốc tế Phương Châu, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc BV đã tạm ngưng mọi hoạt động của điều dưỡng tiêm nhầm thuốc cho cháu bé. Sau khi họp hội đồng khoa học chuyên môn, chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật người này”.

Chia sẻ