Điều có thể bạn chưa biết về tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam
Vào năm 1881, khi phương tiện di chuyển chủ yếu lúc bấy giờ là ngựa và ghe thuyền, tuyến xe lửa đầu tiên Sài Gòn - Mỹ Tho được đưa vào hoạt động với chiều dài 70km đã thực sự thay đổi hoàn toàn tư duy giao thông của người dân.
Trong cuốn Xứ Đông Dương của Paul Doumer, ông đã nhắc đến tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống đường sắt ở Đông Dương. Khi đã được duyệt kế hoạch tổng thể, người Pháp cho triển khai xây dựng đường sắt mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Trước đó, hệ thống đường sắt vẫn chưa hoàn thiện. Hai tuyến đường sắt ngắn đã tồn tại phải kể đến đường sắt khổ hẹp từ Phủ Lạng Thương đi Lạng Sơn, với khổ đường 60cm, chỉ phục vụ tiếp tế cho quân đội.
Trong khi đó, tuyến đường từ Sài Gòn đi Mỹ Tho chỉ được xây dựng sơ sài với hệ thống cầu cống không đầy đủ. Việc di chuyển, giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam
Các tỉnh phía miền Tây cũng là nơi trù phú và giàu có, người Pháp cũng muốn "khai hoá" vùng đất giàu tiềm năng này. Chính vì thế, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng vào đầu năm 1881 với chiều dài 70 cây số.
Tuyến đường này được xây với tổng kinh phí khoảng 12 triệu France (tiền Pháp thời đó) với công sức của 11.000 nhân công.
Trong đó, người Pháp huy động nhiều sĩ quan, kỹ sư từ Pháp sang.
Tuyến đường sắt xuất hiện lúc đó như làm bừng sáng giao diện phố xá. Bởi lúc bấy giờ, phương tiện di chuyển sang trọng nhất là xe song mã với hai ngựa kéo và dày đặc thuyền bè, ghe mủng của xứ sở sông ngòi như nêm.
Nếu dùng thiết kế đường thuỷ thay cho đường bộ thì đường phố Sài Gòn nom sạch sẽ nhưng làm vậy thì không thiết thực vì người Pháp đến đây để khai thác nguyên liệu, mua bán hàng hoá, mở mang xí nghiệp kiếm tiền chứ nào phải xây dựng trung tâm du lịch.
Tuyến đường sắt 70km bị ngăn cách bởi hai con sông
Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ phần lớn đều là sông nước, tuyến đường sắt bị ngăn cách bởi 2 con sông. Việc thi công vì thế gặp không ít khó khăn, tiêu tốn nhiều sức lực.
Trong quá trình gia cố nền đường và thi công tuyến đường sắt, người Pháp đặt hãng Eiffel chế tạo hai cây cầu gồm cầu sắt Bến Lức bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và cầu Tân An bắc qua sông Vàm Cỏ Tây để xe lửa tiện bề qua sông. Tuy vậy, 4 năm sau, khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động thì hai cây cầu vẫn chưa làm xong. Cho nên, các toa tàu đều phải tách rời nhờ... phà để vượt sông. Sau đó, các toa lại được nối lại rồi chạy tiếp.
Hơn 10 toa ở trên phà có lắp đường ray và thiết bị nối với mặt đất. Đến giữa năm 1885, khi cầu Bến Lức và Tân An hoàn thành thì xe lửa chạy một mạch từ Sài Gòn đến Mỹ Tho. Tuyến xe lửa này cũng đánh dấu nhiều mốc phát triển của khu vực miền Tây thời điểm đó.
Đến giữa năm 1886, toàn bộ tuyến đường sắt mới hoàn thiện giúp tàu chạy một mạch mà không phải nhờ phà vượt sông. Với kinh phí đầu tư khoảng 12 triệu France, đến năm 1896 lãi 3,22 triệu France, năm 1912 lãi hơn 4 triệu France.
Tồn tại 73 năm
Một số tài liệu như Sài Gòn xưa & nay của Nxb Trẻ cũng cho biết năm 1881 sự ra đời của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là một trong những xây dựng trọng yếu của cơ sở hạ tầng. Trong bút ký Sài Gòn, ấn tượng 300 năm và tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Sơn Nam cũng nói đến tuyến đường sắt này. Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho mở ra với tham vọng không bao giờ thành đạt là nối lên tận Nông Pênh. Đoạn đường 70km này được khánh thành năm 1883 gây sự ngạc nhiên cho nông dân hai bên đường.
Thêm vào đó, năm 1882 mở đường xe lửa từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, rồi Sài Gòn đi Bà Chiểu (Gia Định) đi tận Gò Vấp, Hóc Môn, Lái Thiêu, đầu máy chạy sức hơi nước, năm 1913, đổi ra chạy sức điện, nên gọi xe điện.
Đến thập niên 50 của thế kỷ XX, thời kỳ này xe hơi phát triển mạnh, hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho cũng được đầu tư mạnh mẽ nên người dân chuyển sang di chuyển đường bộ để thuận tiện hơn. Đến năm 1958, tuyến đường sắt ngừng hoạt động.
Như vậy, từ khi khởi dựng đến khi hoàn thành và đi vào hoạt động, sau 73 năm, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã đi vào dĩ vãng.