Cầu Long Biên: Kiệt tác nghệ thuật kiến trúc - chứng nhân lịch sử của dân tộc đã đến lúc cần được nghỉ ngơi
Chỉ trong 1 tháng, cầu Long Biên đã 2 lần liên tiếp xảy ra tình trạng sập tấm đan ở phần bộ hành và mặt đường bộ. “Nhân chứng lịch sử” của Hà Nội chưa bao giờ khiến người ta lo lắng nhiều đến vậy.
Những lỗ thủng sau đó nhanh chóng được vá lại, người và xe lại tiếp tục qua lại bình thường. Nhưng ai cũng biết, đây chỉ là giải pháp tình thế cho cây cầu trăm tuổi. Những lỗ thủng ấy tựa như những vết đồi mồi trên da của các cụ ở “gần đất xa trời”, là minh chứng hiện hữu cho những gì cây cầu “già cỗi” ấy đã và đang phải đối diện.
Những giá trị văn hóa, lịch sử mà cầu Long Biên ôm ấp bấy lâu đang cần được bảo tồn một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này chưa phải chưa từng được đặt ra. Năm 2009, khi ngành giao thông công bố các phương án trùng tu cầu Long Biên, những người yêu Hà Nội vừa hy vọng, vừa lo lắng. Hy vọng cây cầu được gia cố cho chắc chắn hơn, và lo lắng vì sợ việc trùng tu sẽ làm mất đi vẻ cổ kính đã trở thành thương hiệu của cầu. Chính những thanh sắt cũ kỹ, nhuốm màu thời gian mới là thứ in hằn lên tiềm thức của họ, chứ không phải thứ gì đó cáu cạnh.
Và may mắn, đó chỉ là những phương án nằm trên giấy. Bởi xét về mọi mặt, đó là điều không thể.
Thế nhưng với những gì đang xảy ra với cây cầu trăm tuổi hiện tại, hãy thử tưởng tượng rằng, nếu một ngày điều đó trở thành sự thật...
Có lẽ, cuộc sống vẫn sẽ diễn ra, nhiều cây cầu to đẹp hơn như cầu Chương Dương chẳng hạn sẽ thay thế. Nhưng sâu thẳm trong lòng người dân Hà Nội, trong lòng những ai đã từng một lần đến đây, sẽ chỉ nhớ về một cây cầu với những thanh thép hoen rỉ theo thời gian, một thứ gì đó có tâm hồn và sức sống chứ không phải vật vô tri.
Trải qua nhiều năm như thế, chứng kiến biết bao dấu mốc lịch sử, cây cầu ấy vẫn sừng sững. Nhưng giống như người cha tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức để cõng các con trên lưng được nữa.
“Hà Nội” có nghĩa là “thành phố ở trong sông”. Vì thế, hẳn nhiên rồi, chúng ta cần những cây cầu để ra vào thành phố. Hà Nội có thể là thành phố của ồn ào, của tắc đường, của bụi bặm... Nhưng nước sông Hồng và gió trên cầu Long Biên thì lại mềm mại, ngọt ngào như một lời chào trìu mến.
Với rất nhiều người, cầu Long Biên như một người bạn để trút bỏ những tâm tình, muộn phiền trong cuộc sống. Buổi sáng, khi bình minh lên, mặt nước dát vàng, gió sông Hồng thổi vi vút mang đến cho họ một ngày mới tràn đầy hứng khởi. Buổi chiều, đi ra khỏi phố phường đông đúc, trước không gian rộng lớn của sông nước, bao mệt mỏi buồn phiền của họ cũng tan biến sạch theo dòng nước sông Hồng mềm mại. Chỉ cần dạo bước trên những nhịp cầu cũ kĩ ấy, dù có "bão" trong lòng tất cả đều được xoa dịu.
Nếu có dịp ngắm những bức ảnh về cây cầu huyền thoại trước năm 1965, cầu Long Biên hẳn khiến bạn phải trầm trồ. Cầu là những nhịp uốn như sóng tựa, như con rồng cách điệu, vươn qua con đê, nối liền hai bờ sông Hồng.
Nó chính là địa chỉ văn hóa, là món quà của nhân dân Pháp tặng cho người Việt từ những ngày đầu tiên xây nên thành phố này. Cho nên "xin hãy đừng nhìn nó như một phương tiện chiến tranh, hay đô hộ của người Pháp thực dân". Hơn thế kỷ nay, cầu gắn bó, thân thiết với tất cả chúng ta.
Những ai, một hai lần đã đi qua cây cầu này, nếu tinh tế quan sát sẽ thấy nhịp sống con người hai bờ sông từ tinh mơ tới nửa đêm... ngày nối ngày, đêm và đêm… để từ ngày có nó - cây cầu Long Biên, nó là một cơ thể sống, thành nhịp thở của Hà Nội.
Gắn bó với Hà Nội hơn trăm năm qua – cầu Long Biên luôn xứng đáng được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Có ai đó đã ví Hà Nội như một Paris của Việt Nam bởi sự cổ kính. Hà Nội dù có thay đổi ra sao, có bao nhiêu tòa cao ốc được xây lên đi nữa, sự cổ kính ấy vẫn được cầu Long Biên ôm ấp vẹn nguyên.
Nếu như Hoàng thành Thăng Long là di tích chứng minh cho hơn một ngàn năm văn hiến của các triều đại phong kiến Việt Nam thì cầu Long Biên là chứng tích lịch sử quan trọng chứng kiến những nốt thăng trầm của mảnh đất "hậu duệ" Thăng Long ấy.
Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1898, khánh thành vào ngày 28/02/1902 và được đặt tên là cầu Paul Doumer. Đến nay cây cầu đã tồn tại hơn 100 năm. Trong cả thế kỷ tồn tại ấy, đi rất xa mục đích xây dựng ban đầu, cây cầu cuối cùng trở thành niềm tự hào của mỗi chúng ta, là chứng nhân cho những thời khắc đáng nhớ nhất của lịch sử dân tộc.
Cây cầu được xây lên bằng rất nhiều xương máu của người dân An Nam xưa. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Pháp, cây cầu đã từng bị đánh phá nhiều lần nhưng vẫn hiên ngang đứng vững và giữ được vẻ đẹp kiến trúc đầy lãng mạn.
Đặc biệt, cầu Long Biên đã chứng kiến cuộc rút lui “thần kỳ” để bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947. Những ngày tháng sau đó, chiến tranh diễn ra liên miên, cầu Long Biên trở thành huyết mạch giao thông và phải oằn mình chịu đựng mưa bom bão đạn.
Nhiều năm sau đó, vào những ngày thu năm 1954, cầu Long Biên lại tiếp tục trở thành hậu phương vững chãi khi những khẩu pháo ngạo nghễ cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại, cùng đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.
Và cũng mùa thu năm ấy, cây cầu huyền thoại lại tiếp tục chứng kiến một thời khắc huy hoàng khác của lịch sử dân tộc khi những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội theo Hiệp định Giơ-ne-vơ...
Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội - bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi tên cầu thành cầu Long Biên. Từ đây, cái tên cầu Paul Doumer đã lùi dần vào dĩ vãng nhưng cây cầu vẫn đứng đó, hiên ngang và chứng kiến niềm hân hoan vô bờ của dân tộc.
Ngày 02/09/1945, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cầu Long Biên đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, với tất cả niềm vui sướng, tự hào và hạnh phúc.
Thế nhưng chưa đầy 10 năm sau ngày đất nước được độc lập, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh để bảo vệ nền độc lập ấy - cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Và một lần nữa, cầu Long Biên vừa là hậu phương, nhưng cũng là tiền tuyến đầy máu lửa.
Khi đó, cây cầu huyền thoại đã gần 70 tuổi. Và một lần nữa, cầu Long Biên trải qua những thử thách khốc liệt nhất của chiến tranh. Từ 1965 đến 1972, cầu Long Biên 14 lần bị ném bom, 9 nhịp cầu bị đánh gục và 3 trụ hư hỏng nặng. Nhưng nó vẫn đứng vững.
Những nhịp cầu gãy được nối lại, hỏng đâu được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch giao thông được lưu thông. Hơn 1,8 cây số đường cầu dường như chưa bao giờ bị gián đoạn, cầu chưa bao giờ ngừng hoạt động để chuyên chở vũ khí, đạn dược cùng tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Thủ đô gửi tới chiến trường miền Nam.
Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Đối với các chiến sĩ, bảo vệ cầu Long Biên là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều trận đánh dữ dội diễn ra, máu của bao người đổ xuống.
Và rồi sau 21 năm, cũng chính cây cầu ấy lại một lần nữa chứng kiến niềm vui độc lập thống nhất dân tộc. Hơn cả một sự vật vô tri, cầu Long Biên trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng của Thủ đô, của dân tộc Việt Nam.
Hơn 70 năm chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, cầu Long Biên vẫn sừng sững, hiên ngang oai hùng đứng giữa lòng sông Hồng như một người chiến sĩ mặc áo giáp sắt kiên cường, bất khuất chống lại kẻ thù để giữ gìn non sông.
Hòa bình lập lại, chiếc cầu già nua mang trên mình đầy thương tích. Nó tiếp tục oằn mình chịu đựng sức nặng ngày càng tăng với sự phát triển của Thủ đô cho đến khi hai chiếc cầu mới là Thăng Long và Chương Dương hoàn thành.
Cứ như thế, trải qua hơn 100 năm lịch sử thâm trầm, cầu Long Biên không còn là một hiện vật vô tri vô giác, mà nó như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân và đất nước ta bước qua bao nhiêu gian khổ.
Xưa vẫn thế và nay vẫn thế, dù bị bom đạn chiến tranh tàn phá nhưng cây cầu vẫn mang trong mình một hình ảnh ấm áp, thân thuộc bởi đây là “con đường về nhà” của bao người dân Hà Nội.
Sau quần thể Tháp Bút – đền Ngọc Sơn cùng chùa Một Cột, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng đặc trưng và độc đáo nhất về lịch sử, văn hóa Hà Nội do con người tạo ra.
Cây cầu thép ra đời trong kỷ nguyên đường sắt lan tỏa khắp thế giới, kết nối những miền đất xa xôi trở nên gần gũi – vươn tới các vùng đất đã từng im lặng trong sự huyền bí cả ngàn năm. Những cây cầu thép vượt qua dòng sông chảy xiết, vách núi cheo leo… đánh dấu những bước tiến dài trong công cuộc hiện đại hóa – cầu Long Biên là một tượng đài của kỷ nguyên ấy ở châu Á.
Thế nhưng ít ai biết rằng, để có thể xây dựng được cầu Long Biên, Paul Doumer (1857-1932) - Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã vấp phải rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không thể thực hiện được. Nhiều người còn đả kích, châm biếm ý tưởng đó: "Đặt một cây cầu ngang sông Hồng à? Thật là điên rồ! Thật y như muốn chồng lên núi để lên trời".
Bỏ ngoài tai những lời đả kích, phê phán, chế diễu của dư luận, Paul Doumer vẫn quyết định xây cầu.
Năm 1903, với 19 nhịp, dài 1.682m, cao 13,5m là một trong bốn cây cầu thép dài nhất châu Á, nhưng cầu Long Biên còn nổi bật hơn thế bởi dáng vẻ tao nhã, ngôn ngữ tạo hình hào hoa – thời bấy giờ, với dáng vẻ ban đầu – cầu Long Biên vẫn là cây cầu thép đẹp nhất trong khu vực.
Trên tuyến đường sắt Hà Nội – Vân Nam lúc bấy giờ, có hai kết cấu thép khổng lồ phải đối mặt với những điều kiện tự nhiên phức tạp đó là cầu Long Biên và cầu Faux Nam-Ti (Vân Nam –Trung Quốc) nối hai hầm đường sắt vượt qua vách núi dựng đứng cao 270m.
Nếu như cầu Faux Nam-Ti tự hào với công nghệ lắp dựng dàn thép nặng hàng trăm tấn thì cầu Long Biên đồng thời đặt nhiều kỷ lục trong việc xử lý nền móng, chuẩn xác trong công nghệ chế tạo, lắp ráp và tối ưu hóa trong thiết kế / tạo hình, băng qua sông Hồng rộng 1.682m.
So sánh cầu Tolbiac và tháp Eiffel tại Paris – hai công trình có mặt tại chính quốc với cùng phong cách tối ưu / tối giản kết cấu chính là đạt tới giá trị thẩm mỹ cao nhất thì cầu Long Biên cũng có nhiều sáng tạo.
Cầu Tolbiac được coi là cùng họ kết cấu với cầu Long Biên nhưng mới chỉ là cây cầu thực dụng, với hai nhịp vòm cong thấp đơn điệu hơn nhiều so với cầu Long Biên. Xây dựng 20 năm sau, cầu Long Biên đã có những bước tiến quan trọng, 19 nhịp bám sát biểu đồ mô men dầm liên tục tạo nên hiệu ứng thị giác sinh động với nhịp điệu uyển chuyển.
Bên trái: Cầu Faux Nam-Ti (Vân Nam) và biến thể nhỏ hơn ở tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur, Malaysia); Bên phải: Cầu Tobiac
Là một công trình giao thông, nhưng cầu Long Biên được các kĩ sư thời đó xây dựng như "tháp Eiffel nằm ngang" của Hà Nội với những hiệu ứng chuyển ảnh biến hình theo khi di chuyển tạo nên hấp dẫn cuốn hút bởi những dàn dọc, ngang và chéo. Bố cục dàn không gian phối hợp giữa khối lớn vững chãi, thanh giằng nhỏ hơn và những thanh liên kết theo chiều ngang và chéo góc tạo nên cảm xúc thị giác đặc biệt cho những ai đã từng nhìn cầu qua ô cửa sổ của tàu hỏa suốt một thế kỷ qua.
Cảm xúc không gian biến hình này có thể gặp lại khi ta ngồi trong thang máy chạy nghiêng theo chân choãi để lên tầng dưới của tháp Eiffel: cảm thụ đường nét và hình khối kiến trúc không chỉ 3 chiều không gian mà có cả chiều thứ tư: sự biến hình của hình khối trong động thái thời gian. Cầu Long Biên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có kích thước khổng lồ.
Dàn thép của tháp Eiffel được ví von đan dệt trên nền trời những diềm đăng ten mảnh mai tinh xảo, kết nối bộ khung vững chãi – đó chính là thủ pháp tạo hình với những khoảng đặc rỗng, nhịp điệu của nét khoan nhặt tạo ra sự cảm nhận về sự thăng bằng, chắc chắn nhưng vẫn bay bổng nhẹ nhõm… tuy vậy vẫn có nhiều chi tiết diêm dúa nặng về trang trí – điều đó lý giải cho việc bớt đi 1340 tấn thép dư thừa trong đợt sửa chữa lớn năm 1985. Xây dựng sau 10 năm, cầu Long Biên đã đạt tới sự hoàn thiện của cái đẹp kỹ thuật và mỹ thuật: thật khó có thể tháo bớt đi bất cứ một thanh dàn thép nào, thậm chí bớt đi một chiếc đinh tán nào trên cầu Long Biên.
Tại những vị trí khác quan sát cầu Long Biên, hay tương quan của cây cầu với khung cảnh đôi bờ sông Hồng (cho dù hiện trạng bờ bãi rất nhếch nhác), thụ cảm cảnh quan khi di chuyển trên cầu sẽ dành cho các nhà thiết kế đô thị có ý kiến, nhưng chỉ với những cảm nhận thông thường, cầu Long Biệt đạt điểm cao hơn rất nhiều tất cả những cây cầu xây dựng sau này. Cũng không cần quá lời khen cho rằng đây là thành công của những tác giả thiết kế, nhưng rõ ràng cách tiếp cận thiết kế đô thị luôn chú trọng đến hiệu quả phối cảnh của các trường phái quy hoạch Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng đáng kể nguyên tắc thiết kế các công trình đô thị quan tâm đến kích thước con người.
Cây cầu với đường sắt nối với Ga Hà Nội, trước mặt ga là quảng trường rộng và tiếp dẫn tới quảng trường Cung Văn hóa Hữu nghị, nối đuôi nhau là các biệt thự tao nhã, đồng bộ tạo thành một quần thể các công trình công sở như Bộ Ngoại giao, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Bảo tàng Lịch Sử, Đại học Tổng hợp và hàng trăm công trình dinh thự lịch lãm, sang trọng ẩn hiện sau những tán cây xanh rợp… làm nên một Hà Nội khác biệt – một thành phố còn tồn giữ khá đồng bộ mẫu hình thiết kế đô thị – thành phố vườn đầu thế kỷ XX, cái mà Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Manila… đã không còn nữa.
Những nhịp cầu sắt kia duyên dáng làm sao? Có sáng tạo kỹ thuật nào hòa nhập với nhịp điệu không gian nhuần nhuyễn hơn thế? Có biểu đồ chịu lực nào được biểu diễn bằng chất liệu sắt thép uyển chuyển hơn thế – Cầu Long Biên vượt lên chức năng giao thông trở thành kiệt tác điêu khắc – kiến trúc – kết cấu thép trong cùng một thứ gắn bó với Hà Nội trăm năm qua.
Ứng xử với cầu Long Biên hiện hữu như thế nào cũng là câu hỏi được nhiều người đặt ra bởi sau hơn 100 năm khai thác sử dụng, tình trạng của cầu đã không còn nguyên vẹn như kết cấu ban đầu.
Mỗi ngày "gánh" hàng chục nghìn lượt phương tiện
Ngày 8/6, tại cuộc tọa đàm "Ứng xử thế nào với cầu Long Biên?", ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên - cho biết: "Sau hơn 120 năm sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có cả tàu hỏa, xe máy, xe đạp, người đi bộ".
Cầu Long Biên hiện hữu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Cầu Long Biên là một trong 7 cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.
Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu như quận Hoàn Kiếm, khu vực Ái Mộ quận Long Biên, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.
Theo ông Vượng, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Các sự cố xảy ra là những cảnh báo quan trọng, đòi hỏi một phương án dài hơi cho cầu Long Biên, không thể kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay.
Tranh cãi phương án trùng tu
Những ngày qua, các bộ ngành liên quan đã liên tục có những cuộc họp để thảo luận về "số phận" của cầu Long Biên.
Ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội - cho biết, thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.
"Đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu nữa, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị" - ông Hải thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Hải, ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu.
Dưới góc nhìn lịch sử cũng là người chứng kiến những thăng trầm của cầu Long Biên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cầu Long Biên phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu. Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ người dân đi lại, đồng thời phát triển được du lịch, bao gồm cả du lịch bãi giữa - khi đó sẽ có đầu tư tương xứng.
Trong khi đó, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, số phận của cầu Long Biên cần phải được quyết định rõ ràng theo hai hướng.
Thứ nhất, nếu tiếp tục khai thác cầu làm giao thông, phải có một cuộc đại trùng tu lớn. Bởi hiện nay, cầu đã không đáp ứng được những nhu cầu giao thông hiện đại nữa. Tuy nhiên, việc đại tu cũng khó vì tàu hỏa ngày càng có tải trọng lớn, mật độ vận chuyển dày hơn nên chiếc cầu cũng rình rập nhiều nguy cơ.
Thứ hai, phải thay đổi chức năng, để cầu được công nhận như một di sản kỹ thuật đô thị. Bởi, đây là công trình kỹ thuật quý hiếm của công cuộc phát triển giao thông vận tải đường sắt đầu thế kỷ 20.
Nếu quyết định như thế, sẽ không đại tu cầu Long Biên như một phương tiện giao thông nữa mà nên tu bổ theo khái niệm bảo tồn, biến cầu thành một phần của di sản đô thị Hà Nội.
Trong khi đó, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc thổ lộ tâm nguyện của những người làm nghiên cứu là bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa. Do đó, ông rất mong có biện pháp để giữ lại hình ảnh của chiếc cầu - một biểu tượng của văn hóa đầu thế kỷ 20.
Và sau những cuộc họp bàn của các ban ngành đoàn thể, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Nhưng với một cây cầu không chỉ có ý nghĩa về mặt đi lại mà còn là một di sản, những phương án đó chỉ là tạm thời - điều mà công trình 120 tuổi không đáp ứng được.
Tuy nhiên, người dân Hà Nội và những ai yêu mến cây cầu này có thể vui mừng khi mới đây, Bộ GTVT đã có quyết định ngay trong năm 2022 sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ. Thế nhưng dù sửa chữa ra sao, tất cả đều mong muốn rằng "dáng hình của lịch sử" vẫn sẽ được giữ lại trên cây cầu huyền thoại này.
Từ ngày có cầu Chương Dương và cầu Thăng Long thì cầu Long Biên được chia sẻ và trở nên lặng lẽ hơn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, trở thành "cây cầu của những người nghèo", là bạn của những người dân lao động ngoại thành. Ở cầu Long Biên hình thành nên một không gian xã hội rất đặc thù, có thể đẹp một cách tự nhiên – giản dị, và nhiều khi cũng đầy ám ảnh.
Đó là hình ảnh những người lao động vội vã trên cầu trong nắng sớm, đó là một xóm chài lam lũ neo đậu dưới chân cầu, đó là mùa màng xanh ngắt ở bãi giữa, đó là bóng người đi về trong hoàng hôn… Cầu Long Biên như thể một xã hội, một Hà Nội thu nhỏ, chất chứa trong mình những vất vả nhọc nhằn qua năm tháng.
Hơn một trăm năm qua, Long Biên đã soi bóng xuống sông Hồng và gắn bó với bao thăng trầm của Hà Nội. Là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ và mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhưng cầu Long Biên vẫn sừng sững "thi gan" cùng thời gian, vẫn bền bỉ lặng lẽ nối đôi bờ sông mẹ. Cầu Long Biên đã trở thành biểu trưng của Hà Nội, là một phần linh hồn mang đậm những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội.
Dường như với mỗi người Hà Nội, cầu Long Biên trở thành một phần của ký ức; cũng là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai.