"Lớp chạy", "lớp ảo" vì thiếu giáo viên và phòng học
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh phải học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên tình trạng thiếu phòng/lớp học, thiếu giáo viên khiến nhiều trường tại TPHCM không thể thực hiện được hết 100%, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Để linh động, một số trường phải thực hiện các lớp học động, lớp học ảo trong thời gian qua.
Lớp học động, lớp học ảo
Là khu vực đông dân cư, nhiều năm gần đây trở lại đây, quận Gò Vấp đã chỉ đạo các trường thực hiện “lớp học động” để tăng tỉ lệ học hai buổi/ngày. Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết, về hình thức, “lớp học động” là không cố định ở một phòng.
Lớp học sĩ số đông tạo nhiều áp lực cho cả cô và trò (ảnh Nguyễn Dũng) |
“Trong những giờ học mà có lớp học môn thể dục, tin học, âm nhạc… các em học ở phòng học chuyên môn thì phòng học đó trống. Lúc này, trường tận dụng những phòng học trống để dạy các lớp khác”, ông Thanh giải thích và cho biết, lớp học động ban đầu được triển khai tại các trường THCS, sau đó hiệu quả nên triển khai ở bậc tiểu học.
Bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) cho biết, trường có 52 lớp, hiện đã có 44 lớp học hai buổi/ngày, còn lại tám lớp học một buổi/ngày. “Nhờ thực hiện “lớp học động” chúng tôi mới bố trí được 100% học sinh lớp 1, 2 học hai buổi/ngày. Muốn thực hiện được phải biết cách sắp xếp thời khóa biểu phù hợp sao cho đảm bảo sức khỏe của học sinh”, bà Châu nói. Theo bà, điều quan trọng là phải tuyên truyền để phụ huynh hiểu và chịu đồng hành cùng trường.
Chị Lê Thị Mai, có con học lớp 3 Trường tiểu học Lương Thế Vinh cho hay, “Khi nghe giáo viên nói về “lớp học động”, tôi cũng băn khoăn vì lo con vất vả chạy lui chạy tới nhiều nhưng tìm hiểu kỹ, tôi thấy cũng không vấn đề gì, cháu chỉ di chuyển trong khuôn viên trường, đi nhiều cũng như tập thể dục. Cô trò vất vả một tí nhưng bù lại chương trình học được đảm bảo là tốt rồi”.
Là một trong những trường học ở địa bàn xa xôi nhất và thiếu giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) đã phải thực hiện dạy học trực tuyến thông qua lớp học số, giáo viên giảng dạy sẽ do Sở tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Ông Lê Hữu Bình- Hiệu trưởng nhà trường cho hay, lớp học ảo được lắp đặt đầy đủ trang thiết bị, các em sẽ học bốn tiết/tuần vào thứ Hai. “Trường sẽ phân công giáo viên trợ giảng giám sát và hỗ trợ các em trong quá trình học. Với lớp học này, ngay cả khi không có giáo viên, học sinh vẫn được tiếp cận với môn học”, ông Bình nói và cho biết, dù là biện pháp ứng phó nhưng các em học sinh tỏ ra khá thích thú.
Cũng vì thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học, Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) cũng được triển khai lớp học số. Theo đó, giờ học tiếng Anh sẽ có hai giáo viên, trong đó một giáo viên trợ giảng hướng dẫn trực tiếp, quán xuyến lớp học và một giáo viên dạy qua màn hình máy chiếu. Ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay lớp học số được tổ chức thí điểm vào cuối tháng 11 với môn tin học và tiếng Anh cho sáu lớp của khối 4 và 5 vào thứ Ba và thứ Năm.
“Việc ứng dụng lớp học số giúp giải quyết hiệu quả tạm thời tình trạng thiếu giáo viên. Hiện trường chỉ hợp đồng được một giáo viên tiếng Anh, một giáo viên tin học thỉnh giảng, trong khi theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ít nhất phải có một giáo viên tin học và hai giáo viên tiếng Anh. Nếu không có lớp học số, khó có thể thực hiện được việc dạy tiếng Anh và tin học cho đầy đủ học sinh”, ông Tới nói.
Trong khi đó, do thiếu phòng học, hơn chục lớp 5 Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) phải sang học nhờ tại Trường THCS Tô Ngọc Vân, cách đó khoảng 2km. Bà Lê Thị Xinh, Phó phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cũng cho biết, tăng dân số cơ học là áp lực lớn của địa phương. “Do đó để đáp ứng học hai buổi/ngày, nhiều trường ở các phường đông dân như Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước... phải triển khai học cả thứ Bảy, hay tận dụng một số phòng học trống, phòng chức năng… để học buổi hai”, bà Xinh thông tin.
Trường, lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM tại buổi sơ kết năm học 2022 - 2023 của giáo dục tiểu học, toàn thành phố có tổng cộng 663.426 học sinh. Căn cứ theo điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/lớp, tổng số lớp phải là 18.955 lớp, tương ứng 18.955 phòng học, số lượng giáo viên tiểu học căn cứ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp phải đạt 28.432 giáo viên.
So với quy chuẩn trên, năm học 2022-2023, thành phố thiếu 1.758 lớp học/phòng học và thiếu 3.643 giáo viên tiểu học. Số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu tại TPHCM tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ chỉ đảm nhận.
So với quy chuẩn, năm học 2022-2023, thành phố thiếu 1.758 lớp học/phòng học và thiếu 3.643 giáo viên tiểu học. |
Dù thiếu giáo viên nhưng số lượng giáo viên được tuyển dụng trong năm học 2022-2023 lại không đáp ứng đủ nhu cầu của các trường, dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên dạy bộ môn, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, tin học-công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật thiếu rất nhiều.
Chia sẻ tại buổi sơ kết năm học 2022 - 2023 của giáo dục tiểu học, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, giáo viên mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách hàng năm số lượng tuyển dụng được chỉ xấp xỉ bằng 10% so với nhu cầu cần tuyển, đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ là rất cao nhưng số lượng giáo viên tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu…
Ngoài ra, cũng theo Sở GD&ĐT TPHCM, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi bãi tập; nhiều trường còn có điểm trường... nên gặp khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục, công tác xây dựng trường tiên tiến hội nhập. Đối với công trình được đầu tư xây dựng mới thì chủ yếu xây dựng mới trên đất hiện hữu có diện tích nhỏ; do quy định xây dựng khoảng lùi, số tầng nên các dự án tại các quận trung tâm đều không mở rộng được nhiều phòng. Đặc biệt là việc tăng dân số cơ học nên dẫn đến tốc độ xây trường học kịp với số học sinh tăng hàng năm.
Điển hình như huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, dù là huyện ngoại thành nhưng có hơn 50.000 học sinh. “Trong thời gian qua, huyện có thêm 2 trường tiểu học mới nhưng vẫn không đủ cho học sinh vì dân số tăng nhanh. Sang năm, dự kiến huyện có thêm 2 trường tiểu học nhưng vẫn thiếu phòng học cục bộ”, bà Châu nói và cho biết, điều này khiến các trường không thể dạy học 100% 2 buổi/ngày ở lớp 1, 2, 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.