Diên Hi Công Lược phiên bản ếch: 1 ông 2 bà, thê thiếp cung đấu tranh sủng tàn độc đến lúc chết
Ái chà chà.
Theo chuyên trang khoa học Science Alert, các nhà nghiên cứu sinh vật mới tìm ra loài lưỡng cư đầu tiên sở hữu "hậu cung", đại loại là đa thê 1 ông 2 bà, sống với nhau đến lúc chết.
Trên thực tế, tập tính đa thê không phải chuyện hiếm gặp, nó diễn ra ở nhiều loài như cá có xương, bò sát, động vật có vú, chim và thậm chí vài loài động vật không xương sống - AFP dẫn lời nhà nghiên cứu động vật Fabio de Sa đến từ Đại học Estadual de Campinas.
Một "Diên Hi Công Lược" phiên bản ếch
Chính Fabio de Sa và các đồng sự đã nghiên cứu và khẳng định Thoropa taophora - loài ếch Brazil sống trong rừng mưa nhiệt đới Đại Tây Dương có tập tính đa thê. Như nào xin mời đọc tiếp.
Về cơ bản thì tụi ếch Brazil khá nhỏ bé, thích bám trên đá và màu da của chúng cũng giống mấy mỏm đá ở sông suối nốt - đó là cách ngụy trang phù hợp để không bị con khác xơi tái.
Ếch Brazil đực có gai dài ở ngón chân cái dùng làm vũ khí đánh nhau. Được cái vị "hoàng đế" này luôn ở gần trứng và bảo vệ nòng nọc. Đứa nào lại gần sẽ hét toáng lên để xua đuổi.
Nhưng đó không phải phát hiện thú vị nhất về ếch Brazil.
Trong dàn "hậu cung" gồm 2 con cái, sẽ có 1 con nổi trội được sủng ái hơn (Hoàng hậu), con còn lại chỉ xếp thứ 2 (phi tần).
Ếch Hoàng hậu thường tạo điều kiện hết sức cho ếch Hoàng đế làm chuyện ấy, thậm chí còn sẵn sàng tạo dáng để được công tác nhanh nhất có thể.
Và trong khi ếch Hoàng đế sủng ái ếch Hoàng hậu, ếch thứ phi chỉ đứng bên cạnh và theo dõi tất cả...
Cung đấu tranh sủng bằng thủ đoạn hiểm độc
Tuy nhiên, nó vẫn có những mưu mô quỷ quyệt riêng không khác gì phim cung đấu. Như thế nào?
Đôi khi, ếch thứ phi sẽ lén ăn mất một số trứng mà ếch Hoàng đế trông coi để kích thích nó tiếp tục giao phối. Tóm lại, cả bà cả lẫn bà hai đều tìm đủ mọi cách để được mang trong mình nòi giống của ông vua lưỡng cư nói trên.
Trong trường hợp ếch Hoàng đế phát hiện ra thứ phi toan tính xơi tái trứng, nó sẽ lao tới ôm chặt kẻ thủ ác, bao giờ từ bỏ ý định mới nhả ra (chỉ ôm chứ không có sủng ái gì hết).
Tuy nhiên dù có thủ đoạn tới đâu, ếch Hoàng hậu vẫn đóng góp 56 - 97% số nòng nọc được sinh sản trong gia đình đa thê. Mọi việc cứ thế tiếp diễn cho đến khi 1 trong 3 chết vì già hoặc bị con khác ăn thịt.
Thế giới động vật thật đáo để phải không chị em?
Tổng hợp từ Science Alert/AFP