Điểm chuẩn xét học bạ tăng chóng mặt, phụ huynh "khóc ròng" vì con 30 điểm vẫn rớt, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân mấu chốt
Điểm xét tuyển đại học bằng học bạ tăng dần đều qua các năm. Năm học 2021-2022 ghi nhận nhiều ngành học lấy điểm chuẩn theo phương thức này lên tới trên... 30.
Có con từng học chuyên Anh, trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội và được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại thương, chị Nguyễn Thị Thanh Hải (tác giả sách Cùng con bước qua kì thi) cho biết: Nếu quay trở lại cách đây 3 năm và chọn xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, chưa chắc con chị đã đậu đại học như mong muốn.
Lứa 2k2 con chị Hải mới bắt đầu tiếp cận phương thức xét tuyển này vào năm cuối cấp. Theo chị, vì là hình thức khá mới mẻ nên không ai có tinh thần để chuẩn bị hay "can thiệp" gì cả, mọi thứ diễn ra rất "hồn nhiên". 9,0 điểm tổng kết năm của con chị Thanh Hải thời điểm đó khá "có giá", tuy nhiên nếu đặt trong thời điểm hiện nay, chị cho rằng việc con có thể trượt ĐH là điều chị hoàn toàn không bất ngờ.
Tác giả Cùng con bước qua kì thi cũng cho biết, nhiều học sinh của chị học các trường top đầu của Hà Nội "khóc ròng" vì điểm tổng kết 8,5; IELTS 7.5 nhưng vẫn không đỗ được vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Trong khi một số bạn khác học trường thường chỉ cần IELTS 5.5 cùng điểm học bạ 9,0 - 9,5 mỗi môn là đỗ NV1.
"Với phương thức xét học bạ, mình thấy rất thiệt thòi cho các em học sinh học giỏi thực sự, những trường chất lượng thực sự và thi thật, điểm thật. Nhiều trường ra đề thi khó hoặc cho điểm khá nghiêm túc. Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít trường có thể cho điểm hoặc ra đề kiểm tra, đánh giá dễ nên điểm học sinh rất cao. Hiện nay, khi mỗi giáo viên, mỗi trường có cách đánh giá khác nhau thì việc xét học bạ dẫn đến tình trạng không công bằng", chị Hải chia sẻ.
Chị Thanh Hải nêu quan điểm: "Các trường đại học Việt Nam xét tuyển dựa vào học bạ cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, với những trường lớn, tính cạnh tranh cao cần có thêm các tiêu chí bổ sung để sàng lọc, chọn được thí sinh phù hợp trong bối cảnh điểm học bạ của thí sinh có nhiều biểu hiện chưa phản ánh đúng thực lực học sinh".
Điểm chuẩn xét học bạ cao ngất ngưởng, có ngành vượt... 30 điểm
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Phương thức này có nhiều ưu điểm như: Tạo điều kiện cho thí sinh giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử; Tăng cơ hội trúng tuyển ĐH. Khi trúng tuyển sinh viên dù là xét học bạ hay điểm thi THPT quốc gia, hay tuyển thẳng… đều được thụ hưởng chương trình học và quyền lợi học tập giống nhau.
Tuy nhiên, ghi nhận trong vài năm qua, điểm xét tuyển học bạ tăng dần đều. Thậm chí mùa tuyển sinh 2021-2022 ghi nhận có những ngành, thí sinh đạt kết quả học tập học bạ 10 điểm/môn vẫn không có cơ hội trúng tuyển.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa công bố mức điểm đủ điều kiện theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT với quy định của trường. Theo thông báo của trường, có 3 ngành là Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật có điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức kết hợp này là 30,50/30 điểm ở tổ hợp C00 và 29,50/30 điểm đối với hai tổ hợp còn lại.
Những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... sẽ được cộng từ 3 - 10 điểm vào điểm xét tuyển. Như vậy, với mức điểm chuẩn như trên, những thí sinh thuộc khu vực 3, không có thêm nhiều điểm cộng từ các yếu tố kết hợp sẽ không có cơ hội trúng tuyển.
Điểm chuẩn xét tuyển học bạ tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM năm nay cũng ở mức cao ngất ngưởng. Trong đó có 4 ngành có điểm chuẩn 29,75. Nhiều trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Thủy Lợi... cũng có điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 tăng chóng mặt so với năm trước.
Theo nhiều cán bộ tuyển sinh các trường, điểm chuẩn học bạ tăng là do các yếu tố sau: số hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có thêm nhiều điểm cộng từ các yếu tố kết hợp, trường không dám gọi vượt nhiều vì năm nay sử dụng phần mềm xét tuyển chung. Ngoài ra, một nguyên nhân đáng chú ý khác cũng được đề cập là điểm học bạ của thí sinh tăng.
Thầy Đinh Đức Hiền: Tại Việt Nam, xét tuyển học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hà Nội cho biết, điểm xét tuyển bằng học bạ ở các trường tăng cao là điều đã được báo trước, thậm chí 30 điểm cũng chưa đỗ và nếu còn chỉ xét tuyển bằng học bạ trong những năm tới chắc chắn sẽ dẫn đến "lạm phát" điểm chuẩn học bạ.
"Về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nhưng tại Việt Nam nó lại là phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất, phạm vi xét tuyển học bạ càng rộng thì độ tin cậy càng giảm. Vậy nguyên nhân do đâu và tại sao các trường vẫn xét tuyển bằng học bạ?
Hiện nay có 2 xu hướng xét tuyển bằng học bạ. Xu hướng thứ nhất, các trường sẽ dùng học bạ kết hợp với các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn… ở phương thức này có độ tin cậy cao hơn và các trường theo phương thức này chỉ duy trì tỉ lệ chỉ tiêu ở mức nhất định, và không phải phương thức chủ yếu.
Vấn đề xảy đến với xu hướng thứ hai khi nhiều trường chỉ tính điểm học bạ, hầu hết là các trường top dưới, dẫn tới điểm học bạ bị lạm phát. Các trường top dưới vốn khó tuyển được thí sinh cho nên họ phải tìm mọi cách, tuyển bằng học bạ là hình thức tuyển dễ nhất, sớm nhất, đồng thời chỉ tiêu các trường này dành cho xét tuyển học bạ cũng rất lớn.
Vậy tại sao điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ lại tăng cao đến vậy, vì đơn giản điểm học bạ là điểm số mà các trường đại học không thể kiểm soát, nó phụ thuộc hoàn toàn vào trường THPT, giáo viên, học sinh. Tình trạng nâng điểm để làm đẹp học bạ, tạo điều kiện cho học sinh diễn ra không ít tại nhiều nơi.
Hiện nay, một số trường ĐH ra quy định ưu tiên xét tuyển học bạ với các trường THPT uy tín, tuy nhiên nó chỉ tăng độ tin cậy phần nào. Bởi lẽ kể cả không có tình trạng tạo điều kiện thì cũng không hề có mức độ chuẩn chung về độ khó giữa các đề kiểm tra của các trường, các tỉnh, điều đó dẫn tới 9,0 của trường này rất khác với 9,0 của trường khác. Ngay cùng một trường thôi thì các giáo viên cùng bộ môn đã ra đề kiểm tra khác nhau".
Theo thầy Hiền, tuyển sinh chỉ bằng học bạ chỉ có thể đạt độ tin cậy cao khi chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch ở các kì thi. Còn hiện tại chỉ nên lấy nó là 1 điều kiện để xét kết hợp với phương thức khác.
Trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng chính việc tính kết quả học tập bậc phổ thông vào xét tốt nghiệp THPT và xét đại học bằng học bạ khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó.
"Học sinh đậu đại học nhiều, trường phổ thông được tiếng vang. Giáo viên cũng muốn học sinh mình vào được đại học. Chính vì chưa có hệ thống đánh giá chung bậc phổ thông nên kết quả mỗi trường, của mỗi giáo viên không đồng nhất dẫn đến sự gian dối trong đánh giá. Thậm chí, có giáo viên cố tình ra đề khó để học sinh phải đi học thêm, sau đó điểm lại cao chót vót điều này làm cho học sinh nhận thức không đúng về năng lực của mình", ông Vinh nói.
Trong khi đó, có trường tuyển sinh bằng học bạ được một năm thì bỏ do kết quả học tập bậc đại học trong hai học kỳ đầu của những sinh viên trúng tuyển bằng điểm học bạ lại rất thấp. Có trường không xét học bạ vì không tin kết quả này. Một số trường đưa thêm nhiều tiêu chí sàng lọc khi xét tuyển học bạ. Nhiều tiêu chí khác được đưa vào nhằm sàng lọc, lựa chọn được thí sinh có năng lực thực sự, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.