Điểm bất hợp lý của Harry
Hoàng tử Harry cáo buộc trước tòa giữa Hoàng gia và báo chí Anh có “thỏa thuận bí mật” dẫn đến anh bị chậm trễ trong việc kiện đòi bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, thẩm phán đã chỉ ra loạt điểm bất hợp lý.
Ngày 27/7, Thẩm phán Timothy Fancourt (Mr Justice Fancourt) của Tòa án Tối cao Anh ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Hoàng tử Harry rằng có “thỏa thuận bí mật” giữa Cung điện Buckingham và giới truyền thông ngăn cản anh có hành động pháp lý bảo vệ quyền riêng tư.
Trước đó, Harry kiện News Group Newspaper, nhà xuất bản của The Sun, với cáo buộc hack điện thoại của anh và bạn bè anh để đánh cắp thông tin cá nhân từ năm 1996 đến 2011.
Hãng tin phản đối vì cho rằng Harry nói biết bị hack điện thoại từ sớm nhưng đến năm 2019 mới đệ đơn kiện, quá thời hiệu khởi kiện (theo luật định là 6 năm).
Harry giải thích lý do chậm trễ là vì bị ngăn cản bởi “thỏa thuận bí mật” giữa Cung điện Buckingham và giới truyền thông.
Tuy nhiên, thẩm phán nhận định việc tồn tại thỏa thuận như vậy không hợp lý, dẫn đến bác bỏ cáo buộc từ phía Công tước xứ Sussex.
Trong phiên điều trần mới nhất, ông Fancourt chỉ ra loạt vấn đề trong lời làm chứng của hoàng tử sinh năm 1984.
Mâu thuẫn khi cho lời khai
Thẩm phán cho rằng Harry không nhất quán khi cung cấp thông tin. Trước đó, anh khai lý do khởi kiện muộn do trước năm 2018 không có đầy đủ hiểu biết về vụ hack, nhưng sau đó lại tuyên bố do bị “thỏa thuận bí mật” ngăn cản vào năm 2012.
Luật sư của The Sun, Anthony Hudson KC, trước đó chế giễu Harry đang cố gắng cưỡi hai con ngựa phi nước đại nhưng ngược chiều nhau.
Ông cũng mô tả “thỏa thuận bí mật” là thứ chỉ có trong Alice ở xứ sở thần tiên và do luật sư đại diện cho Harry nghĩ ra.
Trí nhớ tồi tệ đến bất ngờ
Thẩm phán cho biết bị “ngạc nhiên” khi Harry nói không nhớ về “thỏa thuận bí mật” trong quá trình chuẩn bị hồ sơ kiện tụng ban đầu.
Ông Fancourt cũng thắc mắc vì Harry từng hai lần ký vào “bản tuyên bố sự thật” trước khi cho lời khai trước tòa vào tháng 3 và 11/2021 nhưng cả hai lần đều không đề cập đến thỏa thuận trên. Anh thậm chí không viết về nó trong cuốn hồi ký Spare .
“Theo đánh giá của tôi, thật khó tin khi công tước không nhớ gì nếu trước đó đã có thỏa thuận bí mật được thực hiện”, thẩm phán nói.
Luật sư của Harry giải thích hoàng tử tóc đỏ chỉ nhớ lại sau khi xem email.
Bằng chứng không mạnh
Thẩm phán cho biết bằng chứng duy nhất cho “thỏa thuận bí mật” đến từ chính Harry và đó là “bằng chứng không mạnh”.
“Công tước không thể xác định được thỏa thuận bí mật đã được thực hiện giữa ai, hoặc thậm chí ai là người đã nói với anh ta về điều đó”, ông nhấn mạnh.
Ông Fancourt mong đợi Harry cung cấp thêm bằng chứng nhưng không hề có.
Theo lời khai của Harry, anh biết điện thoại di động bị News of the World nghe trộm vào năm 2006. Khoảng 6 năm sau, anh có thêm bằng chứng cho thấy anh và William tiếp tục bị tấn công. Tuy nhiên, thời điểm đó, anh cũng phát hiện có tồn tại “thỏa thuận bí mật”; trong đó yêu cầu hai hoàng tử không được khởi kiện nhà xuất bản cho đến lúc kết thúc thời hiệu, sau đó tờ báo sẽ bồi thường và xin lỗi họ.
Thỏa thuận vốn dĩ khó xảy ra
Thẩm phán càng thêm nghi ngờ về sự tồn tại của thỏa thuận qua cách Harry mô tả về cơ chế hoạt động.
Theo người chủ trì phiên tòa, Hoàng gia Anh và ban giám đốc tờ báo có thể liên hệ với nhau để giải quyết các khiếu nại một cách thầm lặng, tránh gây chú ý. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra lại không phù hợp thực tế.
Nếu những gì Harry nói là đúng, nó sẽ liên quan đến việc anh và anh trai có thể đưa ra yêu sách chống lại The Sun vào một ngày sau đó. Điều này vẫn dẫn đến dư luận tiêu cực - vốn là điều thỏa thuận phải tránh.
Nếu tham gia thỏa thuận, cơ quan báo chí bị rơi vào trạng thái bị động, không rõ bị kiện vào lúc nào. “Điều này dường như vốn dĩ không thể xảy ra”, thẩm phán nhận định.
Vụ kiện của Nữ công tước xứ York
Trước tòa , luật sư của Harry cho biết việc Hoàng tử William bí mật dàn xếp vụ kiện chống lại News Group Newspapers bằng khoản tiền lớn vào năm 2020 ủng hộ lập luận có tồn tại “thỏa thuận bí mật”.
Tuy nhiên, thẩm phán không đồng ý. Ông cho rằng việc William không kiện chỉ chứng tỏ cơ quan báo chí sẵn sàng dàn xếp bên ngoài hơn là đưa nhau ra tòa, không cho thấy sự tồn tại của thỏa thuận ngầm nào đó.
Ông nói thêm Sarah Ferguson, Nữ công tước xứ York - vợ cũ của Hoàng tử Andrew (chú ruột Harry), từng kiện News Group Newspapers vào năm 2012 với cáo buộc tương tự. Trường hợp này dường như không phù hợp với “thỏa thuận bí mật”.
Bằng chứng mâu thuẫn với vụ kiện khác
Thẩm phán cho biết bằng chứng của Harry trong vụ án The Sun là “không phù hợp” với bằng chứng do chính anh đưa ra trong một vụ kiện khác đang diễn ra tại Tòa án Tối cao Anh, chống lại nhà xuất bản của tờ Daily Mail.
Theo ông Fancourt, trong vụ kiện Daily Mail, Hoàng tử Harry tuyên bố bị Hoàng gia che mắt trong một thời gian dài, chỉ nhận ra bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp vào năm 2018.
“Hoàng gia đã nói rõ rằng chúng tôi không cần biết bất cứ điều gì về vụ hack điện thoại. Tôi biết Hoàng gia không muốn đứng ở bục nhân chứng vì điều đó có thể khơi ra những bí mật sâu kín. Hoàng gia chắc chắn đã bí mật thông tin với tôi trong thời gian dài”, Harry nói.
Tuy nhiên, thẩm phán lập luận lời khai của Harry trong vụ kiện Daily Mail mâu thuẫn với bằng chứng trong vụ The Sun rằng đã biết về “thỏa thuận bí mật” vào năm 2012.
Mặc dù các cáo buộc hack điện thoại đã bị bác bỏ, Harry vẫn được giữ các cáo buộc khác về việc thu thập thông tin bất hợp pháp của News Group Newspapers. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 1/2024.
Hiện tại, News Group Newspapers đã chiến thắng một nửa, nửa còn lại phải tiếp tục chờ xem diễn biến.
Theo Daily Mail