Dịch sởi bùng phát ở Mỹ, số ca mắc lớn thứ hai trong gần 20 năm
Ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho biết, đã có 387 trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận ở Mỹ tính từ ngày 1/1 đến ngày 28/3, mức cao thứ hai kể từ khi quốc gia này tuyên bố xóa sổ được bệnh sởi vào năm 2000.
Năm 2014, số người mắc bệnh sởi cao nhất ở Mỹ là 667.
Tiêm phòng sởi-quai bị- rubela cho học sinh trước khi bước vào năm học mới tại Lynwood, California (Mỹ) tháng 8/2013. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các ca nhiễm sởi đươc ghi nhận tại 15 bang của Mỹ, bao gồm Arizona, California, Colorado, Connecticut, Georgia, Illinois, Kentucky, Michigan, Missouri, New Hampshire, New Jersey, New York, Oregon, Texas và Washington.
Nguyên nhân của dịch sở bùng phát là do nhiều người dân đi du lịch tại các nước đang phải đối mặt với dịch sởi như Israel, Ukraine và Philippines, bị lây nhiễm và mang virus trở về nước.
Tuần trước, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch sởi, hạt Rockland, ngoại ô thành phố New York đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh dịch sởi đang hoành hành, đồng thời cấm những người dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine phòng sởi không được đến các khu vực công cộng, trong đó có trường học và các trung tâm thương mại.
Theo CDC, năm 2018 Mỹ có 372 ca nhiễm sởi và dịch sởi bùng phát tại 17 địa phương, chủ yếu ở hành phố New York và New Jersey. Kể từ năm 1963, khi có vắc-xin phòng sởi, số ca mắc và tử vong do bệnh sởi ở Mỹ và các nước phát triển khác đã giảm mạnh. Trước khi có vắc-xin, mỗi năm có khoảng 450 đến 500 ca tử vong vì bệnh sởi tại Mỹ.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, nhất là trong trường hợp người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn những giọt nước bọt vào không khí, người lành hít vào qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh sởi điển hình, bao gồm sốt cao, phát ban khắp cơ thể, nghẹt mũi và mắt đỏ, thường biến mất mà không cần điều trị trong vòng hai hoặc ba tuần. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh sởi nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.