Dịch cúm A: Tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia, bác sĩ thì đối mặt nguy cơ gì?

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Thuốc Tamiflu có tác dụng như thế nào? Khi nào nên uống thuốc này? Tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia thì dẫn tới hệ lụy nào?

Trong những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân lại đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A vì cho rằng rất cần thiết khi dịch bùng phát, nhiều người còn sợ các nhà thuốc tăng giá.

Dịch cúm A: Tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia, bác sĩ thì đối mặt nguy cơ gì? - Ảnh 1.

Người dân đi mua thuốc đề phòng dịch cúm đông bất thường

Trao đổi với PV, Dược sĩ Dương Thị Ngọc Huyền - thành viên Hội đồng chuyên môn một hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng đã có những lưu ý đối với người bệnh:

Thuốc Tamiflu có tác dụng như thế nào?

Theo chuyên gia, Tamiflu có tác dụng dự phòng cúm và điều trị cúm. Đối với dự phòng cúm: người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ, như là : chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vắc xin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng Tamiflu (Oseltamivir) trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm.

Đối với điều trị: sử dụng cho trường hợp cúm type A và cúm type B ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau:

Bệnh hô hấp mạn tính kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim - mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường).

Khi nào nên uống thuốc này?

Dự phòng: Trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm.

Điều trị: Khi đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ, trong thời gian có cúm virus lưu hành.

Tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia, bác sĩ thì dẫn tới hệ lụy nào?

- Tình trạng bệnh không được điều trị đúng cách khiến bệnh không được điều trị tận gốc, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Đôi khi người bệnh, có thể gặp tác dụng phụ, như là: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, viêm da, hoặc rối loạn tâm thần (hiếm).

- Kháng thuốc: Nếu sử dụng Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia có thể dẫn tới việc sử dụng không đúng cách. Từ đó, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu không đúng cách có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng. Vì vậy, chỉ nên sử dụng Tamiflu khi có sự chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nếu tự mua thuốc trôi nổi trên mạng để uống phòng, trị bệnh cúm mùa thì sẽ nguy cơ gì?

Chậm trễ điều trị đúng: Nếu bệnh nhân không mắc cúm mà mắc bệnh khác nhưng lại dùng Tamiflu, có thể làm trì hoãn việc chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, khiến bệnh tình diễn biến xấu hơn.

Đặc biệt ở trẻ em, thuốc Tamiflu thường dùng ở dạng bột pha hỗn dịch, tuy nhiên dạng bào chế này khá khan hiếm. Dẫn đến việc sử dụng thuốc viên (phổ biến trên thị trường) để thay thế, tuy nhiên điều này lại dẫn tới việc phân chia liều không chính xác theo cân nặng của trẻ. Mặc dù, thuốc viên dễ tìm hơn nhưng nếu mua cũng rất khó sử dụng cho trẻ em vì liên quan đến một số

bệnh nền (bệnh thận) và liều lượng tính theo cân nặng, cần phải được bác sĩ kê đơn, chỉnh liều và đồng thời hướng dẫn cách pha phân chia thuốc cho phù hợp. Sử dụng không có chỉ định của bác sĩ dễ gây quá liều hoặc thiếu liều, từ đó dễ gây kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.

Làm thế nào để nhận biết khi nào bệnh nhân thực sự cần Tamiflu và khi nào chỉ cần biện pháp điều trị hỗ trợ khác?

Trước tiên, người dân nên nghĩ là làm sao mình không phải dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) sẽ tốt hơn.

Ví dụ như cần tiêm chủng cúm hàng năm, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho mình và người khác theo khuyến cáo của Bộ Y tế như:

- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

- Mang khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

"Vậy để biết khi nào bệnh nhân thực sự cần dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Họ sẽ cho test, xét nghiệm máu… và cân nhắc sử dụng thuốc cho phù hợp. Thường chỉ dùng trong trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.

Đa phần bệnh Cúm thường tự khỏi sau 5-7 ngày có trường hợp lâu hơn tí 1-2 tuần tùy theo sức đề kháng của mỗi người. Các biện pháp hỗ trợ cũng như chúng ta dùng khi nhiễm Covid 19 dạng nhẹ, không cần dùng Tamiflu. Một số người bệnh có bệnh lý nền mắc phải (tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...) thì cần dùng thuốc đúng chỉ định", bà Dương Thị Ngọc Huyền, tư vấn.

Dịch cúm A: Tự uống Tamiflu mà không có chỉ định của chuyên gia, bác sĩ thì đối mặt nguy cơ gì? - Ảnh 3.

Chia sẻ