Dịch Covid-19: Không khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực, làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng, bị xử lý ra sao?
Theo luật sư, người biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự, mức phạt có thể lên tới 10-12 năm tù.
Từ một trường hợp khai báo không trung thực khi nhập cảnh vào Việt Nam nên đã gây trở ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước. Vậy, pháp luật điều chỉnh hành vi này thế nào?
Nói về vấn đề này, luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội khẳng định: "Người biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị xử lý hình sự".
Theo Điều 47, Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh có trách nhiệm:
- Chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe bất thường với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới nơi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;
- Thực hiện khai báo đầy đủ, chịu trách nhiệm về nội dung khai báo y tế quy định tại Nghị định này; không được làm, sử dụng tờ khai y tế giả mạo;
- Chấp hành việc kiểm tra y tế, xử lý y tế của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.
Theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
- Điều 12 quy định: Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định có thể bị phạt 1-2 triệu VND;
- Điều 10 quy định: Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị phạt 5-10 triệu VND.
Theo điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015:
- Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị phạt 50-200 triệu VND hoặc 1-5 năm tù giam;
- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, làm chết người có thể bị phạt 5-10 năm tù;
- Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết từ 2 người trở lên có thể bị phạt 10-12 năm tù.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, luật sư Cường cũng cho biết, nếu người bị bệnh truyền nhiễm đang điều trị, cơ quan chức năng sẽ tích cực chữa trị cho bệnh nhân và sau khi bệnh nhân này khỏi bệnh thì sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và làm rõ hậu quả của việc trốn tránh kiểm dịch ý tế biên giới, để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với người này theo quy định của pháp luật nêu trên.
Còn trường hợp, những ca bị người này lây bệnh bị tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và có căn cứ rõ ràng cho thấy người này đã có lỗi dẫn đến những thiệt hại đó thì những người bị nhiễm bệnh, lây bệnh từ người này hoàn toàn có quyền yêu cầu người này phải bồi thường thiệt hại, theo quy định của pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Như vậy, hành vi lây lan dịch bệnh cho người khác là một trong những hành vi rất nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.