Dịch Covid-19 khiến nhiều người bị rối loạn tâm thần, tình trạng trầm cảm nặng nề hơn
Theo giới chuyên gia, nhiều người trong số họ né tránh sự trợ giúp về các vấn đề sức khỏe tâm thần vì sợ bị đánh giá.
Shweta Jaitley, một giáo viên ở New Delhi, được đưa đến bệnh viện vào đầu năm 2020 sau một cơn đau tim. Chẩn đoán của bác sĩ khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bị hoảng loạn cao độ.
Người phụ nữ 35 tuổi này chia sẻ: "Bác sĩ nói rằng cuộc sống của tôi có quá nhiều sự căng thẳng. Một công việc nhiều khó khăn, nuôi nấng 3 đứa trẻ, chăm sóc người già đều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nhưng cần thiết phải tìm đến trị liệu ư? Không đời nào. Mọi người sẽ nghĩ tôi bị điên mất thôi".
Đây là trường hợp rất phổ biến của người Ấn Độ. Nhiều người trong số họ né tránh sự trợ giúp của chuyên gia về các vấn đề sức khỏe tâm thần vì sợ bị đánh giá. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO có đến 7,5% người Ấn Độ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, với 56 triệu người bị trầm cảm và 38 triệu người khác bị rối loạn lo âu.
Vào tháng 6 năm 2020, cái chết của nam diễn viên Bollywood nổi tiếng Sushant Singh Rajput (33 tuổi) đã gây chấn động cả Ấn Độ. Nam diễn viên, người đã treo cổ tự tử tại dinh thự ở Mumbai, được cho là đã bị trầm cảm kéo dài trong 6 tháng trước đó. Tin tức đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi về bệnh tâm thần, thiếu nhận thức về nguyên nhân của nó và sự kỳ thị xung quanh căn bệnh này.
Nó cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao người Ấn Độ lại né tránh liệu pháp. Tiến sĩ Samriddhi Khatri, một nhà tâm lý học lâm sàng của tổ chức Giải pháp Hòa bình điều hành 4 phòng khám trên khắp bang Uttar Pradesh, cho biết: "Sự phản đối của xã hội là kẻ thù số 1. Chúng ta sống trong một xã hội kín tiếng, bảo thủ và việc chỉ đề cập đến 'trầm cảm' hoặc 'lo lắng' có xu hướng khiến bạn bị mọi người nhìn với con mắt khác. Chúng ta tin rằng những gì xảy ra sau cánh cửa đóng kín vẫn nên ở yên đó".
TS Khatri lưu ý, đàn ông đặc biệt thiệt thòi vì họ có điều kiện tin rằng mình nên "đàn ông". Đã là đàn ông thì không bao giờ được khóc. "Nếu họ làm vậy, họ sẽ phải tự hỏi bản thân rằng mình có phải là con gái không".
Trong hầu hết các hộ gia đình châu Á, trẻ em lớn lên thường kiểm soát hoặc che giấu cảm xúc của mình. Vaishnavi Verma, nhà tâm lý học và cố vấn tại New Delhi, cho biết: "Im lặng cũng như việc không chia sẻ một cách cởi mở cảm xúc của bản thân là một đức tính tốt. Tâm sự với người thân trong gia đình cũng không phải là một lựa chọn vì sự thiếu khách quan của họ thường cản trở việc tìm ra giải pháp. Điều này dẫn đến cảm xúc bị chai sạn trong một thời gian dài và sau đó bùng phát thành trầm cảm".
TS Galgotia, một nhà tâm lý học ở Mumbai, người cũng từng làm việc ở Mỹ và Singapore, nói rằng liệu pháp điều trị rất khác nhau ở châu Á nhưng có một yếu tố chung - sự kỳ thị. Giống như Ấn Độ, Nhật Bản là một nền văn hóa mà mọi người hiếm khi bày tỏ cảm xúc thật của mình. "Họ thích giữ bí mật về các vấn đề cá nhân của họ và chiến đấu với "con quỷ" tồn tại bên trong một cách thầm lặng".
Việc trị liệu không được thừa nhận ở Trung Quốc cho đến 15 năm trước, nhưng các vấn đề sức khỏe tâm thần được chấp nhận nhiều hơn ở Mỹ, Canada và Châu Âu, nơi có thể tiếp cận các phương pháp điều trị trầm cảm (có thể bao gồm thuốc), tư vấn, mạng lưới hỗ trợ, đơn thuốc và các tổ chức để giúp đỡ.
Việc thiếu nhận thức và hướng dẫn về hình thức giúp đỡ cũng hạn chế nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ. Jitesh Dholakia, một cựu sinh viên của một trường cao đẳng kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ, là nạn nhân của một tình huống khó xử như vậy. 2 năm trước, chàng trai 23 tuổi bị suy nhược thần kinh khiến anh phải bỏ dở việc học. Chỉ đến khi một người bạn thuyết phục anh đến gặp bác sĩ tâm lý, Dholakia mới tìm ra cách chữa trị cho mình. Chàng trai trẻ hiện đang trên con đường hồi phục.
"Đầu tiên tôi phủ nhận làm gì có chuyện gì có thể xảy ra với mình được. Sau đó, tôi cố giải thích vấn đề của mình. Sự thiếu hiểu biết ngăn cản tôi tìm trợ giúp từ những người khác. Trong khi có vô vàn tài liệu về bệnh tật, vấn đề về sức khỏe tinh thần vẫn chưa được ghi chép và thảo luận đầy đủ ở các nước đang phát triển", Dholakia chia sẻ.
Theo các chuyên gia, tác động của những thay đổi xã hội đối với sức khỏe tâm thần sẽ giảm đi đáng kể nếu đất nước có một hệ thống y tế mạnh mẽ. Nhưng ngân sách y tế của Ấn Độ chỉ chiếm 1,6% tổng sản phẩm quốc nội, so với các nước châu Á khác. Ví dụ, Singapore đầu tư 4,4% GDP cho y tế, Malaysia 4,7%, Thái Lan 9,6%, Nhật Bản hơn 10% và Trung Quốc 12,6%, theo thống kê kinh tế quốc gia.
Đạo luật chăm sóc sức khỏe tâm thần năm 2017 của Ấn Độ bắt buộc phải tiếp cận điều trị và chăm sóc tốt, nhưng mức đầu tư thấp cho y tế đã dẫn đến tỷ lệ nhân viên y tế trên bệnh nhân thấp. Theo WHO, cứ 10 triệu người Ấn Độ thì chỉ có 30 bác sĩ tâm thần, 12 y tá, 7 nhà tâm lý học và 7 nhân viên xã hội, so với mức khuyến nghị tối thiểu là 300 cho mỗi nhóm.
Chi phí trị liệu quá cao đã làm xói mòn khả năng tiếp cận của mọi người với các chuyên gia. Ở hầu hết các thành phố, các bác sĩ tư nhân tính phí từ 30 - 40 USD cho một buổi tư vấn kéo dài 40 phút, có thể bao gồm các loại thuốc kê đơn đắt tiền. Điều này khiến hầu hết người dân ở Ấn Độ không thể tiếp cận việc điều trị, nơi thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1.876 USD một năm, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Vấn đề sức khỏe tâm thần đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19, dẫn đến số ca trầm cảm tăng lên đáng kể. Theo Covid-19 Blues, một cuộc khảo sát trực tuyến do Tổ chức Phòng chống Tự tử Ấn Độ có trụ sở tại Bengalore thực hiện, ý tưởng tự tử, tự làm hại bản thân và tái phát đều tăng mạnh trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Theo Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia Mỹ, các cuộc điều tra từ các đại dịch trong quá khứ cũng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và số vụ tự tử. Ví dụ, đợt bùng phát cúm vào năm 1918-1919 đã đẩy tỷ lệ tự tử ở Mỹ lên cao, và ở Hồng Kông, số vụ tự tử ở những người từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên trong đợt bùng phát Hội chứng Hô hấp cấp tính nghiêm trọng SARS vào năm 2003.
"Bối cảnh sau đại dịch Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm các trường hợp căng thẳng mãn tính, nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích. Nếu không được giải quyết, tác động của chúng khó có thể đảo ngược và chuyển đổi thế hệ, để lại hậu quả của cả một thế hệ thanh niên có xu hướng tự làm hại bản thân", Nelson Vinod Moses, người sáng lập SPIF nhận định.
Theo các bác sĩ được phỏng vấn bởi Nikkei Asia, nhiều nhà hành nghề tư nhân đã báo cáo sự gia tăng số lượng khách hàng trong những tháng gần đây, được thúc đẩy bởi các yếu tố như buộc phải cô lập, sợ hãi về virus, bất an tài chính, thất nghiệp, bạo lực gia đình và lo lắng gia tăng.
"Mọi người đã có thời gian quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ trong nhiều tháng khi ở nhà cách ly do đại dịch. Họ bắt đầu nhận thức được những vấn đề chưa để ý bấy lâu nay. Những xích mích mới nổi lên trong gia đình khi các thành viên đụng mặt nhau nhiều hơn. Các vụ bạo lực gia đình cũng tăng mạnh. Tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy nhu cầu trị liệu", Galgotia nói.
Các tổ chức tình nguyện đã vào cuộc để giúp đỡ những người quẫn trí. Một loạt các ứng dụng sức khỏe đã được các công ty khởi nghiệp tung ra, bao gồm YourDOST, Wysa và Mfine, tất cả đều cung cấp trợ giúp tâm lý và tâm thần trực tuyến. Một số nhà trị liệu tư nhân cũng đã sử dụng Facebook và Instagram (ví dụ: @ awgoat3; @ words.of.a.psychologist) để đăng nội dung hữu ích và hấp dẫn về sức khỏe tâm thần.
Tuy nhiên, điều mà Ấn Độ thiếu là một chiến dịch phối hợp cấp quốc gia hoặc các chương trình sức khỏe tâm thần và các sáng kiến nâng cao nhận thức về tự tử để thay đổi nhận thức của mọi người. Cải cách xã hội cũng có thể đi một chặng đường dài để giải quyết những vấn đề như vậy. Verma cho biết các mạng lưới hỗ trợ trong gia đình và giữa bạn bè có thể giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong khi chính phủ có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp các nguồn lực dễ tiếp cận hơn.
TS Khatri nói: "Đối với những người bị quấy rầy, tôi chỉ có một lời khuyên - hãy "để gió cuốn đi" những gánh nặng trong lòng và đi trị liêu. Nó giúp tạo ra mối liên kết giữa người chăm sóc và người tìm kiếm. Nó có thể trao quyền cho bạn và giúp bạn đạt được mục tiêu của mình, đồng thời có những mối quan hệ viên mãn hơn và sức khỏe tốt hơn. Nó là lá chắn duy nhất của bạn chống lại một vấn đề đáng sợ nhưng có thể phòng ngừa được".
(Nguồn: NikkeiAsia)