Dịch chân tay miệng bùng phát ở Hà Nội: Hơn 300 ca mắc, 3 điểm trường học đang lây lan nhanh

Nguyễn Phượng,
Chia sẻ

Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 6.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Hà Nội, số ca mắc mới đã lên tới hơn 300 trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong hai tuần vừa qua, số trẻ mắc bệnh chân tay miệng đã gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, mỗi tuần có khoảng 60-70 ca mắc mới, nâng tổng số ca trong ba tháng đầu năm lên 300, tăng 75 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố xuất hiện 5 ổ dịch, trong đó chỉ riêng hai tuần qua ghi nhận 3 điểm trường học mầm non đang lây nhiễm bệnh.

Dịch chân tay miệng bùng phát ở Hà Nội: Hơn 300 ca mắc, 3 điểm trường học đang lây lan nhanh - Ảnh 1.

Bùng phát dịch tay chân miệng tại Hà Nội

Không chỉ tại Hà Nội, số ca tay chân miệng trên cả nước cũng đang tăng. Theo Bộ Y tế, trong quý I, cả nước có 6.700 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá nguyên nhân, CDC Hà Nội cho biết, do thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà... tăng lên. Dự báo thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch, đòi hỏi phải giám sát phát hiện sớm, đặc biệt tại các trạm y tế, trường mầm non, tiểu học... để xử lý, chặn lây nhiễm rộng hơn trong cộng đồng. 

Tây chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể do nhiều loại virus gây nên, lây lan từ người sang người và nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. 

Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.

Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Triệu chứng là sốt (nhẹ hoặc cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...). Một số trẻ chỉ loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện.

Đa phần trẻ mắc bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu tay chân miệng. Mỗi lần trẻ mắc bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó các em có thể bệnh nhiều lần.

Cách theo dõi và chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà

Với mong muốn giúp cha mẹ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc và nhận biết các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, ThS Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Nhi Trung Ương đã đưa ra hướng dẫn về cách chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà như sau:

Dịch chân tay miệng bùng phát ở Hà Nội: Hơn 300 ca mắc, 3 điểm trường học đang lây lan nhanh - Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng có thể lây lan rất nhanh

Cách ly và kiểm soát tình trạng sốt của trẻ

– Khi trẻ mắc tay chân miệng, gia đình nên cho trẻ cách ly ở nhà trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Đồng thời, gia đình cần báo ngay cho trường học, nhà trẻ hoặc cơ quan y tế gần nhất để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, cũng như theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

– Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời.

– Nếu trẻ sốt trên 38º5 độ, cha mẹ chườm ấm ở cổ, nách, bẹn kết hợp cho trẻ uống thuốc hạ sốt thành phần Paracetamol 10-15mg/kg cách 4-6 giờ/lần, 1 ngày không quá 4 lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục thì cha mẹ dùng Ibuprofen 5-10mg/kg/lần xen kẽ với Paracetamol (Ibuprofen cần uống theo chỉ định của bác sĩ).

*** Lưu ý: Để tránh trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi, cha mẹ cần chú ý không làm ướt quần áo của trẻ khi chườm ấm.

– Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải (Oresol cần được pha đúng liều lượng in trên bao bì).

Vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách

– Vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha nước ấm với muối (1 muỗng 5g muối pha với 240ml nước ấm).

– Bôi Glycerin borat, Zytee,…vào vết loét miệng 3 lần/ ngày, trước khi ăn 30p – 1h.

– Vệ sinh thân thể: tắm cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng sát khuẩn hoặc nước sạch, sau khi tắm bôi Betadin 3% đề phòng nhiễm trùng da.

*** Cha mẹ cần chú ý tắm cho trẻ nhẹ nhàng, không kỳ cọ mạnh, không chọc vỡ hay đắp lá lên nốt phỏng.

– Cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt phỏng nước, gây nhiễm trùng.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ

- Nếu trẻ còn bú: tiếp tục cho ăn sữa mẹ (vắt sữa đổ thìa khi trẻ đau miệng không bú được).

- Trẻ lớn: cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ.

- Không nên cho trẻ ăn đồ cay, nóng, cứng.

Theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ

Bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

Dịch chân tay miệng bùng phát ở Hà Nội: Hơn 300 ca mắc, 3 điểm trường học đang lây lan nhanh - Ảnh 3.

Nếu trẻ mắc tay chân miệng có những dấu hiệu bất thường cần đưa đến bệnh viện nhanh chóng

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Các bác sĩ khuyến cáo: Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Chia sẻ