Địa ngục trong "nghĩa địa tàu thuyền": Góc khuất kinh hoàng ở thành phố Nam Á phát triển thần tốc nhất thế giới
Tại Bangladesh, khu vực tháo dỡ tàu thuyền bãi biển Sitakunda, Chittagong cung cấp hơn 2 triệu tấn thép/năm. Nhưng cũng chính tại đây, 25.000 lao động phải sống trong điều kiện làm việc dễ thương tích, mất mạng nhất Trái đất.
"Nghĩa địa tàu thuyền": Địa ngục trong thành phố thiên đường
Trong đất nước nền kinh tế đang lên Bangladesh, Chittagong thuộc top thành phố cảng phát triển nhanh nhất thế giới. Nó cũng nổi tiếng là đô thị sạch sẽ, giàu có hàng đầu. Song chính tại đây, tỉ lệ đói nghèo chiếm 11,3%.
Đặc biệt là tại khu vực phía Bắc, xuất hiện một "nghĩa địa tàu thuyền" khét tiếng. Mặt đất ở đây luôn lầy lội, còn người lao động phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vô cùng.
"Nghĩa địa tàu thuyền" ở Chittagong nằm trên bãi biển và bãi bồi thủy triều Sitakunda dài 20km. Nó được chia thành hàng chục các bãi phá tàu, nhà máy cán thép khác nhau. Trung bình mỗi năm, Chittagong nhận khoảng 200 tàu thuyền lớn, chiếm 1/5 tổng số tàu thuyền phế liệu thế giới. Tất cả đều bị phá dỡ, sau đó thu hồi toàn bộ các vật liệu bằng kim loại, đưa vào nhà máy cán thép tái chế.
Khi thủy triều lên, các tàu thuyền hỏng được kéo vào khu vực bãi bồi. Sitakunda không kén chọn nhân công, miễn chịu đựng được điều kiện làm việc cực khổ, lương thấp thì đều được nhận. Trung bình mỗi năm, khu vực phá tàu này tái chế hơn 2 triệu tấn thép, mang đến nguồn lợi lớn cho nền kinh tế Bangladesh.
Phá tàu: Công việc nguy hiểm nhất thế giới
Từ lâu, ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) đã xếp phá tàu vào danh sách công việc nguy hiểm nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới (World Bank) báo cáo: kể từ năm 1980-2010, có đến 1200 công nhân thiệt mạng vì tai nạn lao động trong các bãi phá tàu. Tại khu vực Nam Á, điều kiện làm việc tại các bãi phá dỡ tàu lại càng đặc biệt nguy hiểm.
Trái lại, ngành công nghiệp Bangladesh báo cáo điều kiện làm việc tại Sitakunda liên tục được cải thiện và cải thiện hơn. Nó không chỉ vì an toàn của người lao động, mà còn vì cân bằng sinh thái. Họ tự tin khẳng định, Sitakunda là nơi phá dỡ tàu và tái chế thép chất lượng nhất hành tinh. Từ khu vực phá tàu này, toàn bộ các phế liệu đều được tái chế, thậm chí cả chất độc hại như amiăng cũng không bị lãng phí.
Bên trong "nghĩa địa tàu thuyền" bãi biển Sitakunda, Chittagong
Song theo Tổ chức Quyền Lao động và Diễn dàn Phá tàu (Global Labour Rights and Shipbreaking Platform), Bangladesh chính là nơi tốn ít chi phí nhất để thuê phá dỡ tàu, đồng thời là nơi hay xảy ra các tai nạn lao động nghiêm trọng nhất. Theo số liệu thống kê từ các tổ chức phi chính phủ của Bangladesh, trung bình mỗi năm đều có khoảng 20 nhân công thiệt mạng. Ngoài ra còn hàng trăm người bị thương do ngã, say nắng, bị kim loại rơi trúng người, hỏa hoạn… Đa phần trong đó là những thanh niên thiếu đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm an toàn lao động.
Chưa hết, nhân công còn bị trả lương thấp, thiếu quyền lợi lao động cơ bản. Các chuyên gia lao động Bangladesh thừa nhận, nhiều bãi phá tàu không có cơ cấu lương chính thức, phúc lợi ngày nghỉ, chăm sóc y tế,… thậm chí không có cả thiết bị an toàn.
Nhân công phải lội bùn đất nhiễm hóa chất độc hại, kéo tàu từ biển lên bờ
Hầu hết các công nhân đều phải làm việc suốt 12h/ngày và 7 ngày/tuần. Họ cũng phải luân phiên giữa ca ngày và ca đêm. Những năm gần đây, số lượng các vụ tai nạn lao động không ngừng gia tăng, do nhiều cơ sở bất chấp luật lao động, cố ý ép công và làm ngơ vấn đề an toàn.
Tai nạn thường trực, thương tổn tất yếu
Đầu năm 2009, Halid Mollah, một lao động trẻ không biết chữ của Bangladesh tạm biệt người vợ đang mang thai, lên chuyến xe buýt đưa tới Sitakunda. Dù không trình độ học thức, chuyên môn nghề nghiệp, anh vẫn được bãi phá tàu nhận vào làm ngay lập tức. Công việc của Mollah là trèo lên những những con tàu hỏng cao chót vót, phá dỡ lấy nguyên liệu và chuyển xuống đất.
Ngoài nguy hiểm, Sitakunda còn cực kỳ ô nhiễm. Dầu nhớt, amiăng và các hóa chất độc hại từ các tàu thuyền bị phá dỡ giàn giụa đầy mặt đất. Không có bóng cây, nắng nóng mặc sức thiêu đốt. Hiếm có lao động nào có thể làm việc lâu năm ở đây mà không bị tổn thương thể chất.
Làm việc trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng
Mollah phải làm việc cật lực từ 12-16h/ngày và không được nghỉ ngày nào. Anh cũng chỉ được trả lương khoảng 250 bảng/tháng (tương đương 7,6 triệu VNĐ). Mới qua vài tháng, Mollah đã bị gãy tay và gãy chân, nhưng vẫn bám trụ tới gần 10 năm để rồi vào tháng 3/2018, anh qua đời vì ngã từ tầng 8 của một con tàu chở dầu 300.000 tấn. Nguyên nhân dẫn đến té ngã là sốc nhiệt dẫn đến xuất huyết, suy hô hấp - tim mạch cấp.
Vụ kiện chấn động
Theo luật định từ chính phủ và trợ giúp từ bãi phá tàu, vợ của Mollah được nhận khoản bồi thường 500.000 taka (tương đương 137,4 triệu VNĐ). Tuy nhiên sau đó, cô được biết Mollah không thiệt mạng tức khắc như giấy báo tử nói, mà qua đời trên đường đến bệnh viện. Thêm vào đó, con tàu phế liệu cuối cùng mà chồng cô làm việc cũng có vấn đề. Nó có tên Ekta, từng thuộc sở hữu của tập đoàn vận tải Hy Lạp Angelicoussis.
Ekta được đóng vào năm 1995 tại Daewoo, Hàn Quốc, là tàu chở dầu lớn nhất đương thời. Nó dài hơn 330m, cao 8 tầng, từng qua tay nhiều quốc gia khác nhau như Hy Lạp, Palau, Liberia, cuối cùng góp mặt trong danh sách 30 tàu chở dầu của Angelicoussis, dưới cái tên Maran Centaurus.
Sau nhiều năm vận chuyển và bị hải tặc tấn công, Maran Centaurus hỏng hóc nặng. Tháng 9/2017, nó được Angelicoussis bán phế liệu cho công ty hàng hải Maran (UK). Theo lập luận từ công ty luật Leigh Day, London (Anh), Maran (UK) Ltd cố tình thông qua trung gian, thuê bãi phá tàu Zuma Enterprise ở Chittagong, dù biết điều kiện làm việc ở đây cực kỳ thiếu an toàn. Sau đó, họ còn đổi tên Maran Centaurus thành Ekta, sơn lại tàu bằng màu xanh lam và trắng, rồi gấp rút đưa đến Bangladesh.
Nói cách khác, vụ tai nạn của Mollah là có thể thấy từ trước. Maran (UK) Ltd phủ nhận trách nhiệm, khẳng định luôn đặt mục tiêu an toàn phá dỡ tàu lên hàng đầu.
Dưới sự hỗ trợ của Leigh Day, vợ Mollah đâm đơn kiện Maran (UK) Ltd. Dự kiến công ty hàng hải quốc tế này sẽ phải ra hầu tòa án tối cao của Vương quốc Anh vào cuối năm nay. Vụ việc này đang gây áp lực lên ngành công nghiệp phá dỡ tàu của Bangladesh. Nhiều người hy vọng, nó sẽ là tiền đề dẫn tới sự thay đổi trong cải thiện an toàn lao động và đời sống của nhân công phá dỡ tàu thuyền.
Tham khảo Theguardian