Đi qua “Mùa mưa ở Singapore”
Tôi đọc “Mùa mưa ở Singapore” vào một buổi chiều Sài Thành mưa tầm tã. Mưa giăng kín lối - những cơn mưa không hẹn trước bao giờ.
Bên tách trà nóng, nhâm nhi từng trang tiểu thuyết, tôi bỗng cảm thấy lòng bình yên và ấm áp lạ kỳ. Linh Lê ví tác phẩm của mình như “một người tình đi qua cuộc đời”. Còn với tôi, cuốn sách hay tựa như một cố nhân mà bất cứ khi nào cần, chúng ta đều có thể tao ngộ.
“Mùa mưa ở Singapore” - với tôi - cũng là một cố nhân như thế!
Hình ảnh của Tuyên - nữ họa sĩ vẽ chân dung trên đường phố - được nhà văn “bao bọc” bằng một thứ ngôn từ đẹp đẽ nhưng cũng phảng phất chút buồn thương man mác. “Người ta bắt đầu treo đèn lên rồi. Cả khu Chinatown ửng hồng lên như một thiếu nữ Trung Hoa vừa vận xiêm y đỏ, tô son điểm phấn, uyển chuyển khoe khuôn mặt tươi như hoa, lấp lánh dưới những ánh đèn vàng”.
Trên cái nền không gian ấy xuất hiện hình ảnh một cô gái “bày đồ nghề ra, ngồi chơ vơ trên chiếc ghế, thấp bé như một viên gạch xây nhà”. Khu phố nhộn nhịp kẻ mua người bán, khách đến khách đi, những đồng tiền trong chiếc hộp sắt vẫn không thể khiến tâm trạng Tuyên vui hơn. Bởi chất chứa bên trong người con gái ấy là một quá khứ đau thương đeo bám suốt cuộc đời.
Mẹ là gái điếm tha hương, được cha cô cứu vớt khỏi bùn lầy, nhưng sau đó chính bà lại mắc sai lầm để rồi phải tự tay kết liễu cuộc đời. Mẹ chết, mối quan hệ cha con không còn tốt đẹp, người yêu cũng lặng lẽ bỏ đi. Rồi từ đó, Tuyên dần trở nên “hài lòng với sự cô đơn của mình hơn là chia sẻ với ai khác”.
Sài Gòn vẫn mưa, ngón tay lật dở từng trang sách, nhưng con chữ lướt nhanh, tôi bất ngờ nhận ra mình đang nức nở cùng người con gái ấy. Có lẽ vì tôi tìm được sự đồng cảm ở Tuyên chăng? “Bản thân cũng lãng mạn, mong manh, dồn ứ lại bên trong là cả một sự bất lực và bế tắc nhưng lúc nào cũng tỏ ra quá ư cao ngạo”. Phải rồi, cao ngạo - biết đâu cũng là biểu hiện của một loại tổn thương sâu sắc?
Cây bút trẻ Linh Lê đã thổi hồn vào tác phẩm của mình bằng mạch văn nhẹ nhàng, chậm rãi, xen kẽ những tình tiết và lời tự sự của hai nhân vật Minh Tuyên và Kỳ Phong. Sự xuất hiện của Kỳ Phong - chàng du học sinh người Việt - như một chiếc cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa. Anh đến bên Tuyên, xua tan đi quá khứ khổ đau nhưng lại gây nên những đau đớn khác. Vết thương cũ chưa kịp lành, vết thương mới lại toạc nứt hơn. Cơn mưa không dừng lại, những cơn mưa đi qua lại nối tiếp cơn mưa… “Singapore bé nhỏ nhưng sao chẳng thể nào đi hết những mệt mỏi ở nơi này”!
Cuộc sống như đoàn tàu, chạy chậm, đều mãi, “nhiều lúc chỉ là một quá trình dài của sự bế tắc, người ta cứ đi kiếm tìm hoài sự giải thoát mà tìm không ra...”. Có lẽ vì thế mà Tuyên đến bên Cabel - chàng trai người Hoa - như một cách cứu rỗi chính mình. Trong mắt anh, cô nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành chạy dọc phía bắc thành phố, nghe dòng chảy êm ái của con sông Yongding, cảm nhận một Bắc Kinh trầm mặc hay chút hoài cổ từ Di Hoà Viên... mà cảm thấy ấm lòng.
Linh Lê đã rất sâu sắc khi gửi gắm thông điệp về tình yêu thông qua ngày Kỳ Phong trở lại Singapore. Góc phố xưa vẫn còn đây nhưng người tình bé nhỏ không còn nữa, “hạnh phúc là được tìm về lại nơi yêu dấu cũ, để nhớ về người xưa cũ của những ngày tháng đã qua. Hạnh phúc ấy chỉ có được, khi ta nhận ra rằng mình chẳng thể nào ngừng lại những hồi tưởng ấy!”
Đời người, ai chẳng trải qua những cơn mưa dài, ai chẳng có những giấc mơ chưa bao giờ thành hiện thực? Dù không còn đủ sức để chờ đợi, để níu kéo hay hy vọng thì vẫn cứ mỉm cười, đứng lên và bước tiếp. Bởi đôi khi, trong cơn mưa, trong mất mát, bạn vẫn có thể tìm ra hình hài hạnh phúc.