Đi phỏng vấn nhưng phải đợi dài cổ vì nhà tuyển dụng... quên, nàng công sở khiến dân mạng tranh cãi dữ dội

Louis,
Chia sẻ

“Hẹn mình 10 giờ phỏng vấn và mình đến lúc 9h30. Có báo lễ tân và lễ tân báo chị ấy rồi. Mình chờ đến hơn 10 giờ 30 và được báo chị ấy đang bận tý và hôm nay chị ấy quên mất, cố gắng chờ tới cùng lắm là 11 giờ thì chị ấy sẽ tới”.

Buổi phỏng vấn là khoảnh khắc vô cùng đắt giá bởi đó là lần đầu tiên nhà tuyển dụng và ứng viên có dịp gặp mặt nhau một cách trực tiếp. Thành công của một buổi phỏng vấn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; tuy nhiên, cả hai bên đều cố gắng tìm mọi cách để thu hút đối phương.

Nhà tuyển dụng luôn muốn tạo cho ứng viên một cảm giác thoải mái cũng như cảm thấy công việc họ sắp làm thật sự hấp dẫn và có nhiều điều kiện để phát triển. Về phần mình, ứng viên cũng luôn hướng đến việc thể hiện bản thân để chứng minh sự phù hợp của bản thân đối với công việc.

Lần đầu đi phỏng vấn mà phải chờ đợi vì nhà tuyển dụng “quên”, nàng công sở dấy lên tranh cãi - Ảnh 1.

Và để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, một trong những yếu tố cần thiết và tiên quyết là không được đến trễ. Ứng viên đến trễ coi như bị trừ điểm kỷ luật, vậy nếu người trễ nải và không đúng giờ là nhà tuyển dụng thì sao? Vừa mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo thành viên là dân văn phòng, một cô gái đã có dịp chia sẻ về buổi phỏng vấn đầu tiên khó quên của bản thân. Cụ thể, cô bộc bạch:

“Hôm nay mình đi phỏng vấn tại 1 công ty có danh tiếng, trực tiếp trao đổi với mình là 1 Giám đốc. Được biết chị ấy sinh năm 84, lịch phỏng vấn được chị ý đặt ngày hôm qua. Hẹn mình 10 giờ phỏng vấn và mình đến lúc 9h30.

Có báo lễ tân và lễ tân báo chị ấy rồi. Mình chờ đến hơn 10 giờ 30 và được báo chị ấy đang bận tý và hôm nay chị ấy quên mất, cố gắng chờ tới cùng lắm là 11 giờ thì chị ấy sẽ tới. Trời ơi, lần đầu đi phỏng vấn và phải chờ nhà tuyển dụng chỉ vì chị ấy quên”.

Lần đầu đi phỏng vấn mà phải chờ đợi vì nhà tuyển dụng “quên”, nàng công sở dấy lên tranh cãi - Ảnh 2.

Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện đã nhanh chóng thu được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều bình luận trái chiều nhau của cư dân mạng đã được đưa ra, nhưng tổng thể, thể hiện hai luồng quan điểm. Một bên cho rằng, đó có thể chỉ là một trong những thử thách đầu tiên mà nhà tuyển dụng muốn đưa ra để thử độ kiên nhẫn của ứng viên:

“Hồi đó mình cũng bị như vậy và tính về rồi nhưng suy đi nghĩ lại thấy đang rảnh nên ngồi tiếp. Đợi được gần 2 tiếng thì sếp ra phỏng vấn và nói đó là thử thách. Ban đầu, mình cũng chả tin đâu, không ngờ đến lúc đi làm rồi mới biết là ổng nói thật. Vì ổng ngồi ở phòng khác và quan sát camera xem thái độ của mình như thế nào. Vậy mà mình cũng không gắn bó lâu được với công ty vì áp lực công việc quá cao”.

“Mình là ứng viên, phải đợi nhà tuyển dụng một chút thì đã có sao. Cả ngày họ phải tiếp đón biết bao nhiêu người, dù có quên cũng dễ dàng thông cảm. Muốn chẳng phải đợi nữa thì mở công ty rồi tuyển nhân viên vào làm việc đi rồi thích làm gì làm”.

Lần đầu đi phỏng vấn mà phải chờ đợi vì nhà tuyển dụng “quên”, nàng công sở dấy lên tranh cãi - Ảnh 3.

Trái lại, cũng có ý kiến cho rằng, đại diện công ty không chuyên nghiệp khi để ứng viên phải đợi lâu như vậy trong một buổi phỏng vấn. Mỗi người đều có 24 giờ nên thời gian của ai cũng quan trọng, không nên nghĩ mình là nhà tuyển dụng, bản thân mình có quyền để người khác đợi chờ:

“Nếu sếp nói là thử thách thì mình không thích tí nào. Lịch phỏng vấn đã được thông qua và hẹn trước, dù là sếp hay ai cũng cần tôn trọng người phỏng vấn. Nếu sếp có việc đột xuất quan trọng hơn việc phỏng vấn thì mình thông cảm được, còn bảo thử thách thì mình nói thẳng luôn là không thích”.

"Đứng dậy đi về, khỏi phải nói nhiều chi nữa em ơi. Thời gian là vàng bạc, mình thấy hợp thì làm không thì thôi, chẳng cần phải cầu cạnh ai chi mệt”.

Đúng là có một số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ dùng những tình huống bất ngờ để tạo thêm thử thách cho ứng viên; từ đó, có cái nhìn rõ nét hơn về tính cách cũng như thái độ của người ứng tuyển. Cho nên, trong mọi việc, chị em công sở chớ vội vàng mà hành động hấp tấp. Thay vào đó, nên cân nhắc kỹ càng hơn. Nếu vẫn còn một buổi phỏng vấn quan trọng hơn đang đợi, đừng ngần ngại rời bước quay đi. Nói chung, thứ chúng ta nhận được đều do chính bản thân mình lựa chọn.

Chia sẻ