Đi khám vì có dấu hiệu lạ trong miệng, không ngờ nguyên nhân là ung thư

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Khi được thông báo mắc ung thư, cả bệnh nhân và gia đình đã rất ngỡ ngàng.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho biết mới đây, bác sĩ đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân 52 tuổi đi khám do ăn uống kém và đau vùng lưỡi. Người bệnh chia sẻ bị đau nhiều khi ăn uống và đánh răng.

Qua quan sát và thăm khám, bác sĩ Nam thấy bờ lưỡi trái của bệnh nhân nam có một vết loét 1cm, xơ chai, bờ khá cứng, dễ chảy máu. Bên cạnh đó, tại vị trí lưỡi tổn thương, người bệnh có 2 chiếc răng hàm số 5, 6 bị mòn vẹt.

Kết quả qua khám và siêu âm cho thấy bệnh nhân có hạch vùng cổ, kích thước từ 0,8-1,2cm, ranh giới không rõ, mất cấu trúc hạch, nghi ngờ hạch ác tính.

Với kết quả nghi ngờ có khối u ác tính, bệnh nhân đã được chỉ định chọc hút tế bào hạch. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi di căn hạch cổ.

Đi khám vì có dấu hiệu lạ trong miệng, không ngờ nguyên nhân là ung thư - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Nam, khi được thông báo mắc ung thư, cả bệnh nhân và gia đình đã rất ngỡ ngàng. Bệnh nhân không nghĩ một vết loét ở lưỡi lại nghiêm trọng tới vậy.

Ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng thường gặp nhất. Các triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng giai đoạn đầu khó được phát hiện vì nó tương tự như các triệu chứng viêm nhiễm bình thường ở khoang miệng.

Bác sĩ Nam cho biết đa phần các trường hợp mắc ung thư lưỡi có thể cảm nhận được các triệu chứng. Một số dấu hiệu gợi ý bao gồm: Vết loét trong miệng kéo dài quá 2 tuần không đỡ (loét môi, lợi, lưỡi…dễ nhầm với nhiệt miệng), đau vùng miệng, ăn nhai nuốt khó, chảy máu, vận động lưỡi kém, nổi hạch vùng cổ, bất thường răng lợi…

Đặc biệt, các triệu chứng trên nếu xảy ra ở những người hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tổn thương niêm mạc miệng mãn tính (hồng sản, bạch sản, xơ hoá), nhiễm HPV, chế độ ăn thiếu vitamin A... đều cần được kiểm tra kĩ để loại trừ các tổn thương ác tính.

Nguyên nhân hay gặp nhất của bệnh ung thư lưỡi là do bệnh lý vùng răng miệng. Những đối tượng sau có nguy cơ mắc ung thư lưỡi cao hơn những người khác:

- Người có răng bị mòn, mẻ, mọc lệch... khiến răng cọ vào bờ lưỡi dẫn tới tình trạng tổn thương, viêm bờ lưỡi mạn tính. Tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới việc sinh ra các tế bào lạ và chuyển thành ung thư.

- Người có răng sâu, có tổn thương vùng răng lợi mãn tính.

- Trước đây, ung thư lưỡi còn hay gặp ở những người nhai trầu. Nhai trầu nhiều có thể làm biến đổi các thành phần tế bào trong khoang miệng, tổn thương niêm mạc miệng.

- Người lạm dụng rượu bia.

- Người hút thuốc lá.

- Ung thư lưỡi có thể gặp ở các trường hợp nhiễm virus HPV (type 11, 16).

Để phòng ngừa ung thư lưỡi, bác sĩ Nam khuyên mọi người cần điều trị sớm các tổn thương vùng răng miệng. Người có những tổn thương vùng lưỡi như vết loét lâu lành nên đi khám sớm để được điều trị kiểm soát.

Ngoài ra, mọi người cần đi khám sức khoẻ định kỳ. Đối với những người đã có tổn thương viêm bờ lưỡi mãn tính thì 6 tháng cần khám một lần.

Ung thư lưỡi ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.

Chia sẻ