Đi chợ Campuchia ở Sài Gòn thưởng thức đặc sản num-bo-choc
Num-bo-choc hay còn gọi là bún mắm bò hóc là một đặc sản Campuchia. Ở Sài Gòn, muốn thưởng thức một tô bún mắm bò hóc đúng điệu thì phải đến chợ Hồ Thị Kỷ.
Đặc sản num-bo-choc đã theo chân người Việt ở Campuchia hồi hương từ ngót nghét nửa thế kỷ trước. Ở Sài Gòn, muốn thưởng thức một tô bún mắm bò hóc đúng điệu thì không thể đến nơi nào khác ngoài khu chợ nhỏ của Việt kiều Campuchia ở đường Hồ Thị Kỷ (chợ lê Hồng Phong) mà người ta vẫn quen gọi là chợ Miên.
Một quán bán num-bo-choc ở chợ Miên
Trước tiên, để những thực khách lần đầu tiên ăn mắm bò hóc "mạnh miệng" hơn, xin nói rõ về tên gọi "bò hóc" chứ không phải "bồ hóng" đu bám trên gian bếp nhà quê. Mắm bò hóc của người Khmer được làm từ hỗn hợp nhiều loại cá đồng trộn với muối và cơm nguội. Đem hỗn hợp này ủ khoảng 30 đến 40 ngày là có mắm ngon để dùng. Có lẽ nhờ được nấu từ loại mắm đặc biệt này mà nước dùng mắm bò hóc cũng đậm đà hơn hẳn bún mắm thông thường, vốn được pha hơi loãng đi một chút để phù hợp khẩu vị của người Sài Gòn.
Cùng là bún mắm nhưng num-bo-choc có nhiều khác biệt với bún mắm của người miền Tây. Những ai đã quen với tô bún mắm đầy đủ tôm, mực, thịt ba rọi, heo quay, chả lụa và chả chiên hẳn không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu thưởng thức bún mắm bò hóc.
Nguyên liệu nấu món bún mắm trứ danh của người Campuchia chỉ có cá lóc. Cá lóc thường phải chọn loại to, nếu mua được cá lóc bông, cỡ 2-3kg/ con là ngon nhất. Sở dĩ phải chọn cá to là vì trước để nấu cho ngọt nước, sau là để cắt ra được những miếng phi lê cá to vừa miệng ăn.
Bình thường, nếu không có yêu cầu gì đặc biệt, thực khách sẽ được phục vụ một tô bún mắm bò hóc với khoảng 5,6 lát phi lê cá xếp tròn trắng phau đầy mời gọi trên bề mặt. Ai không thích phi lê cá, có thể gọi một tô đặc biệt với nguyên cái đầu cá to, hai mang cá đầy ăm ắp thịt mới nhìn đã phải nuốt nước bọt hoặc một bộ ruột cá trông rất hấp dẫn.
Một điểm đặc biệt nữa của num-bo-choc là ở rau ăn kèm. Bông súng, đậu đũa (miền Tây gọi là đậu bún), bắp chuối xắt sợi là 3 loại rau chính ăn kèm với mắm bò hóc. Ngoài ra nếu ghé vào mùa nước nổi ở miền Tây, đĩa rau sẽ có thêm bông điên điển rất lạ miệng.
Đặc biệt, bông súng và đậu đũa để nguyên cọng dài chừng hơn gang tay, khi dọn ra trông bắt mắt và khi ăn vào nghe giòn giòn rất "đã" tai. Nếu không ăn được đậu đũa sống, có thể nhờ chủ quán cho thêm nhiều đậu đũa cắt khúc ngắn, nhỏ đã nấu chín vào tô bún.
Đến chợ Miên, bạn còn có thể mua các loại khô cá Biển Hồ
Ngoài bún mắm bò hóc, chợ Miên Hồ Thị Kỷ còn có nhiều đặc sản không thể bỏ qua của xứ chùa Tháp. Trong đó phải kể đến các loại khô cá nước ngọt của vùng biển Hồ Campuchia như khô cá trèn, cá tra... Đa số là những loài khô làm từ cá to, nhiều thịt, vị đậm đà mà cả người Việt trong nước lẫn hải ngoại đều ưa thích.
Nếu muốn tìm lá sầu đâu làm gỏi, chợ Miên cũng có bán
Khu chợ này cũng là nơi thường xuyên lui tới của những đứa con vùng An Giang, Châu Đốc muốn tìm kiếm chút hương vị quê nhà. Đây là nơi bán lá và hoa sầu đâu, nguyên liệu làm món gỏi sầu đâu nổi tiếng của vùng biên mậu. Lá và hoa sầu đâu có vị đắng đặc trưng, nhưng ngọt hậu, trộn gỏi với khô cá lóc, cá sặc nướng xé sợi, chấm nước mắm me chua ngọt thì... muốn biết ngon dở ra sao xin mời đến chợ Miên một chuyến!
Chè ở chợ Miên cũng rất lạ.