Đến Thái Lan đón Tết năm mới Songkran

Mai Trang,
Chia sẻ

Khi hoa Khun (loài hoa biểu tượng của Thái Lan) khoe sắc vàng chín trong cái nắng chói chang của mùa hè cũng là lúc báo hiệu tháng 4 đã về trên đất nước Thái Lan – đất nước của Nụ cười.

Tháng 4 cũng là thời gian được mong chờ nhất trong một năm ở Thái Lan vì mọi người sẽ được tham gia vào một trong những ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước này: Tết Songkran hay còn được biết đến với tên gọi Tết té nước.
 
Thái Lan cũng giống như một số quốc gia khác lấy Phật giáo làm quốc đạo, vì vậy cách tính lịch của người Thái là năm Phật lịch và người dân Thái sẽ chào đón một năm Phật lịch mới đến năm 2555. Tết năm mới theo phong tục của người Thái có tên gọi chính thức là T’rụt-Sổng-kran. T’rụt trong tiếng Thái nghĩa là cuối năm, còn Sổng-kran nghĩa là mặt trời bắt đầu một vòng quay mới.
 
Vì thế T’rụt-Sổng-kran có nghĩa là kết thúc một năm cũ, bắt đầu một năm mới. Tết Songkran cũng được xem là một trong những lễ hội cổ truyền với lịch sử lâu đời và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Thái Lan. Đối với người Thái, Tết Songkran chính là biểu tượng của tình đoàn kết và tình cảm gia đình.
 
Khi hoa Khun nở báo hiệu Tết đã về trên đất nước Thái Lan.
 
Tết Songkran thường diễn ra chính thức trong 3 ngày là ngày 13 - tiếng Thái gọi là ngày Ma-ha-Song-kran, ngày 14 - ngày Nau và ngày 15 - ngày Tha-Lơng-Sộc của tháng 4. Trong 3 ngày Tết này người Thái sẽ cùng nhau tham gia các phong tục, nghi lễ đặc trưng của ngày Songkran mà phần lớn đều mang màu sắc của văn hóa Phật giáo.
 
Một trong những nghi lễ quan trọng đầu tiên phải nhắc đến đó là lên chùa lễ Phật và nghe giảng kinh trong ngày Ma-ha-Song-kran. Mọi người thường thức dậy từ sáng sớm để tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đồ cúng và thức ăn dâng lên chùa và các vị sư. Với lòng thành kính, người ta sẽ cùng nhau tụng kinh dưới sự hướng dẫn của vị sư trụ trì để cùng nhau cầu chúc cho một năm mới tốt đẹp đang đến.
 
Đoàn diễu hành trong ngày Songkran trên phố Khao-nieu (Khonkaen).
 
 
Người Thái có lòng thành kính tuyệt đối với Phật giáo.
 
Đắp các tháp cát nhỏ tại chùa cũng là một phong tục đẹp trong ngày Songkran. Người Thái tin rằng mối lần họ đến chùa và ra khỏi chùa là chân họ đã mang theo những hạt cát của chùa. Vì thế một năm qua đi họ phải trả lại cát cho chùa bằng cách đắp những tháp nhỏ bằng cát vào ngày Tết năm mới. Phong tục này cũng có ý nghĩa xây dựng thêm tình đoàn kết giữa con người với con người.
 
Nhưng có lẽ phong tục thú vị nhất phải kể đến chính là tục té nước. Đó là một ngày hội nhộn nhịp, vui vẻ và hấp dẫn thực sự cho những ai đã từng tham dự, nhất là những du khách nước ngoài.
 



 
Vào những ngày này, nếu có cơ hội đến Thái Lan bạn hãy đến tham dự lễ hội té nước được tổ chức với quy mô lớn ở phố Khao-san - Bangkok, phố Khao-nieu - tỉnh Khonkaen (miền Đông Bắc Thái Lan) hoặc đến trung tâm thành phố Chiengmai - tỉnh Chiengmai (miền Bắc Thái Lan) ,... Bạn sẽ cảm nhận được một không khí năm mới rất khác biệt của Thái Lan với đặc trưng văn hóa của từng vùng miền.
 
Tất cả mọi người đều đổ xô ra đường, hòa lẫn vào dòng người diễu hành với những bộ đồ sặc sỡ. Ai ai cũng chuẩn bị cho mình nào xô, nào chậu, phấn bột để sẵn sàng “tưới tắm” cho nhau. Người ta tin rằng vào những ngày này, ai càng được té nhiều nước thì người đó sẽ càng gặp nhiều may mắn.
 
Một du khách phương Tây đang hào hứng té nước.
 
Bởi vậy nếu đi trên đường vào những  ngày này, là một du khách bạn cũng đừng vội giật mình khi thấy người người cầm những vòi nước dài bất tận tưới lên người khác, hay một cô bé bỗng nhô lên từ một chiếc thùng và dội cho bạn một gáo nước rồi cười vang. Ướt như chuột lột và mặt bê bết phấn chính là một hình ảnh đặc trưng của những ai tham gia lễ hội này.

Chỉ còn vài ngày nữa là người Thái  lại  được cùng nhau đón Tết Songkran. Những ngày Tết té nước vui vẻ này sẽ giúp người dân Thái bước qua một năm đầy biến cố sau trận lụt lịch sử tại Bangkok và cùng nhau chào đón một năm mới tốt lành.
Chia sẻ