Đêm nào đi ngủ cũng thấy chân lạnh, chị em chớ chủ quan với loạt tình trạng đáng sợ này
Chân thường xuyên cảm thấy lạnh có thể bắt nguồn từ những vấn đề đáng lo ngại và cần được điều trị kịp thời.
Thường xuyên cảm thấy lạnh ở bàn chân là hiện tượng không hề hiếm gặp. Tình trạng này gây khó chịu bất kể bạn đi đâu hay làm gì. Trên thực tế, rất nhiều người cảm thấy lạnh tay chân hoặc thậm chí toàn thân lạnh cóng dù thời tiết không hề chuyển rét. Nếu chân vẫn bị lạnh ngay cả khi đã đi tất, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dưới đây:
Khối lượng cơ thấp
Theo Aarti Agarwal, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Trung tâm y tế Juno Medical, một số người có xu hướng cảm thấy lạnh hơn những người khác, dù họ không hề mắc phải vấn đề sức khỏe nào. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là khối lượng cơ thấp.
Chuyên gia Aarti giải thích, cơ bắp tạo ra nhiệt lượng và nếu bạn có khối lượng cơ thấp, cơ thể sẽ cố gắng giữ nhiệt bằng cách hạn chế vận chuyển máu đến tứ chi. Vì vậy, tình trạng này có thể khiến bàn tay, bàn chân hoặc thậm chí toàn bộ cơ thể của bạn cảm thấy lạnh.
Lưu thông kém
Khi máu không được lưu thông tự do hoặc nhanh như bình thường, nhiệt độ của cơ thể sẽ giảm đi. Chuyên gia Aarti lưu ý, các mạch máu ở bàn chân và bàn tay là một trong những mạch máu nhỏ và nhạy cảm nhất. Lưu thông kém có thể khiến bàn chân và bàn tay cảm thấy lạnh là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều lý do và hút thuốc, béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Những vấn đề sức khỏe như bệnh động mạch ngoại biên, bệnh Raynaud cũng góp phần khiến tay chân cảm thấy lạnh bất thường. Tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc lá và áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng là việc làm cần thiết nhằm cải thiện hệ tuần hoàn, tăng cường lưu thông máu.
Căng thẳng
Nếu bạn đang cảm thấy cực kỳ căng thẳng hoặc lo lắng, “phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy” của cơ thể sẽ được kích hoạt. Khi xảy ra tình trạng này, nhịp tim, huyết áp tăng lên và bạn có thể nhận thấy hơi thở trở nên nặng nhọc hơn. Nguyên nhân là do cơ thể phải làm việc để điều chỉnh máu, chất dinh dưỡng và oxy đến những nhóm cơ chính.
Nói cách khác, vì bàn tay và bàn chân không nằm trong nhóm cơ chính, lưu lượng máu đến khu vực này sẽ giảm đi trong thời gian bạn bị căng thẳng. Như đã đề cập, lưu thông máu đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nên điều này sẽ khiến bàn tay và bàn chân của bạn cảm thấy lạnh hoặc nóng ran trong một vài trường hợp.
Suy giáp
Nếu bạn bị suy giáp, tuyến giáp sẽ không sản xuất đủ hormone và khiến cho cơ thể làm việc chậm lại hoặc hoạt động kém hiệu quả hơn. Cảm thấy mệt mỏi, nhức mỏi người và nhạy cảm với lạnh là dấu hiệu đặc trưng của tình trạng này.
Bệnh suy giáp có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, mắc viêm tuyến giáp và bệnh Hashimoto. Ngoài ra, phụ nữ, người trên 60 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, người bị tiểu đường cũng có nhiều khả năng phải đối mặt với vấn đề sức khỏe này.
Những vấn đề sức khỏe khác
Tình trạng lạnh tay chân thường có thể dễ dàng được khắc phục thông qua một số biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương dây thần kinh ngoại biên, động mạnh ngoại biên, bệnh Raynaud, bệnh Buerger và thiếu máu.
Nếu muốn xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lạnh tay chân, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Làm thế nào để giữ ấm cho chân?
Như đã đề cập, rất nhiều lý do có thể dẫn đến tình trạng lạnh chân và một trong số đó liên quan đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ngoài việc sử dụng thuốc và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản dưới đây để làm ấm bàn chân:
- Duỗi hoặc cử động bàn chân nhằm thúc đẩy máu lưu thông.
- Tập thể dục để cải thiện khả năng tuần hoàn.
- Ngâm chân trong nước ấm khoảng 15 phút.
- Sử dụng túi chườm nóng hoặc chăn sưởi.
- Tránh căng thẳng không đáng có.
- Đi tất khi cảm thấy lạnh.
- Không hút thuốc hoặc hạn chế sử dụng thuốc lá.
(Nguồn: Realsimple)