Đề xuất tăng 1 bậc lương cho giáo viên xếp lương lần đầu: Thầy cô nói gì?
Bên cạnh đề xuất "lương cao nhất", “chi 9.200 tỷ miễn phí học cho con nhà giáo”, dự thảo Luật Nhà giáo bổ sung nội dung "tăng 1 bậc lương cho giáo viên được tuyển dụng, xếp lương lần đầu".
Lý giải về đề xuất trên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, theo khảo sát, trong số giáo viên bỏ nghề thời gian qua, có tới 61% ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập thấp, không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt. Trong khi người trẻ có nhiều thứ phải lo như nuôi bản thân, lo cho con cái, nhu cầu học tập nâng cao trình độ.
Đồng thời, lương giáo viên có thâm niên dưới 5 năm hiện nay rất thấp. Đó là lý do Bộ GD&ĐT đề xuất nâng 1 bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm, nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học. Đây cũng là phần của việc hiện thực hóa mục tiêu lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương.
Trước vấn đề dự thảo Luật Nhà giáo bổ sung nội dung "tăng 1 bậc lương cho giáo viên được tuyển dụng, xếp lương lần đầu", nhà giáo Nguyễn Thị Minh, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, nếu tăng một bậc với người mới được tuyển dụng để người ta yên tâm với nghề là một việc nhân văn.
Tuy nhiên, đề xuất này lại vấp phải thực tế, nếu làm được điều này sẽ có lợi cho giáo viên mới nhưng lại rất thiệt thòi cho những người cống hiến lâu năm cho ngành.
Vị hiệu trưởng này cho rằng, thực tế lương giáo viên có thâm niên dưới 5 năm hiện nay rất thấp, nếu có nguồn ngân sách cho việc này thì quá tốt. “Cá nhân tôi thấy đề xuất nhân văn và hợp lý. Có thể thu nhập của giáo viên không phải tăng quá nhiều nhưng là một phần khích lệ giáo viên vào nghề dạy học và giáo viên yên tâm công tác”- bà Minh chia sẻ.
Cô giáo Huy Thị Linh, một giáo viên ở một trường Tiểu học ở Hà Nội cho rằng, cô đồng ý với đề xuất với việc nâng 1 bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm. Đây là một việc nên làm vì để các bạn đủ trang trải cuộc sống khi ra trường.
“Thực tế, lương lậu tăng cho giáo viên thì giáo viên thấy rất vui. Nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể vào công chức ngay được để giáo viên yên tâm công tác. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã mòn mỏi, chán với nghề khi 17 thậm chí 22 năm không vào được công chức, cứ là giáo viên hợp đồng”- cô Linh chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Hà Nội) cho rằng, nâng 1 bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm là một việc nên làm vì lương khởi điểm hiện giờ của giáo viên thấp. Giáo viên trẻ ra trường mà mức lương thấp quá thì dễ bỏ nghề làm việc khác, ngành giáo dục sẽ không giữ chân được những người tâm huyết và giỏi.
Cô Hạnh cho rằng, hồi cô mới ra trường những ngày đầu, lương đi dạy chỉ có vài trăm nghìn đồng/ tháng, không đủ chi tiêu dù ở quê thời đó. Nhưng ngày đó thế hệ cô chịu khổ được chứ giờ vật giá leo thang nếu mức lương thấp quá, giáo viên trẻ cũng khó trụ lại với nghề.
Cô Nguyễn Thị Thịnh, phó Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cá nhân cô thấy chưa hợp lí với những giáo viên đã có tuổi nghề cao.
Cô Thịnh cho rằng, nếu đề xuất được hiện thực hóa sẽ gây việc không công bằng, bình đẳng cho tất cả giáo viên trong ngành.
“Do vậy, theo tôi giáo viên trẻ cũng nên xuất phát từ đầu, đãi ngộ lương cao hơn các ngành khác là giữ được chân họ”- bà Thịnh chia sẻ.
Được biết, hiện phụ cấp nghề với nhà giáo đang quy định là 25% với giảng viên đại học và 35 - 70% đối với giáo viên mầm non, phổ thông tùy theo đối tượng và vùng miền công tác.
Trong báo cáo giải trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp 38, có đánh giá về quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
"Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 5 vừa qua, số giáo viên tuyển dụng trong năm học 2023 - 2024 là 19.474 người. Trong đó, mầm non 5.592 người, tiểu học 7.737 người, THCS 4.609 người, THPT 1.536 người.
Nếu được thực hiện chính sách xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì ngân sách Nhà nước cần bổ sung thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức là hằng năm ngân sách cần bổ sung 264 tỷ đồng",- báo cáo nêu.