Đề xuất cách ly xã hội tại Hà Nội thêm ít nhất 1 tuần

MINH NHÂN,
Chia sẻ

Nhận định tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, hiện là 1 trong 2 địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề xuất thành phố nên cách ly xã hội thêm một tuần.

Trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội vào sáng ngày 13/4, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác Bộ Y tế phân công hỗ trợ Hà Nội, nhận định Hà Nội được xác định là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19, là một trong 2 địa phương có nguy cơ cao nhất.

Ông Dương cho hay, việc cách ly y tế trong thôn Hạ Lôi, Mê Linh được thực hiện rất tốt. "Bà con trong thôn Hạ Lôi cũng không thiếu thốn gì trong những ngày cách ly. Nhà ai trong thôn cũng đảm bảo "cửa đóng, then cài", đảm bảo cách ly tại nhà", ông Dương nói và cho biết nếu khoanh vùng thực hiện nghiêm túc như hiện nay thì cộng đồng sẽ "trong sạch" trở lại.

PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh Hà Nội cần tiếp tục cách ly xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. "Tôi thấy mấy ngày gần đây người dân bắt đầu đi đông, thậm chí có nới chật cả đường rồi. Thành phố cần quyết liệt hơn nữa, thậm chí cần có chế tài", ông Dương nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng dựa vào tình hình hiện nay, thành phố có thể kéo dài hơn nữa việc cách ly xã hội để bảo vệ các thành quả, chứ không chỉ kéo dài đến ngày 15/4.

"Theo tôi, ít nhất phải kéo dài thêm 1 tuần nữa", ông Dương nói.

 - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp BCĐ phòng, chống Covid-19 Hà Nội sáng 13/4.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói rằng, vừa qua việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là rất đúng nhưng cách làm không được như mong muốn. Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 nêu rõ: "Nhà nào ở nhà nấy, xã nào ở xã ấy, gia đình nào ở gia đình đấy"... nhưng thực tế thì lại không phải như vậy trong khi đó nhiều chuyên gia y tế thế giới cảnh báo việc không thực hiện cách ly sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. 

Ông Chung yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội và chấn chỉnh, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

"Như vừa qua , ngày 10/4, nhân viên y tế ở bệnh viện Bạch Mai tập trung ca hát, không đeo khẩu trang là rất phản cảm", Chủ tịch UBND TP nói.

 - Ảnh 2.

Trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội, nhiều người dân không vì nhu cầu thiết yếu vẫn ra đường. Ảnh: Phương Thảo.

Về diễn biến dịch bệnh Covid -19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP cũng cảnh báo nguy cơ từ nhóm người thu nhập cao và cán bộ, công chức khi có tình trạng tự đi mua thuốc hay thấy mình không có biểu hiện thì vẫn ở nhà.... và yêu cầu các đơn vị cần khuyến khích các trường hợp trên tự giác đi xét nghiệm để ngăn chặn.

"Cộng thêm các trường hợp khác như cơ sở bán thuốc, y tá, bác sĩ tư nhân, các bệnh viện... Nếu chúng ta cảnh giác quyết liệt hết thì tôi tin là chúng ta sẽ kiểm soát được lây nhiễm.Tập trung các nguồn nguy cơ cao chứ không phải bỏ sót các nguy cơ khác", Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu sở Y tế phải rà soát, thông tin cho tất cả các hiệu thuốc với các trường hợp đến mua thuốc cảm, ho, sốt… phải yêu cầu khai báo y tế ngay lập tức; thông tin kịp thời cho trạm y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm. "Nếu hiệu thuốc nào để sót trường hợp này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật, tước giấy phép hoạt động vĩnh viễn", Chủ tịch UBND TP nói.

Tại phiên họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay trong tối 12/4, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Ninh đã điều tra lịch trình và dịch tễ bệnh nhân 262 - công nhân công ty SamSung, Bắc Ninh.

"Chúng tôi đã lập tức điều tra, đến nay có 101 ca F1, liên quan đến rất nhiều tỉnh phía Bắc. Bệnh nhân này có triệu chứng từ ngày 31/3, đến ngày 6,7/4 mới nghỉ làm để cách ly", ông Cảm cho hay.

Đặc biệt, cho biết mỗi chuyến xe đưa đón công nhân từ huyện Mê Linh đến nhà máy Samsung ở Bắc Ninh có khoảng 20 người, mỗi ngày 2 chuyến là bệnh nhân này tiếp xúc với 40 người, trong vòng 1 tuần.

Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh đây là 1 ca rất phức tạp. Qua việc giám sát, phát hiện lấy mẫu xét nghiệm, Hà Nội đã lần ra các đầu mối lây lan trong cộng đồng. Ông cho rằng đây là chiến lược đúng đắn của Hà Nội.

"Qua thực tế, phân tích dịch tễ học, có tới 68% các ca bệnh ở Hà Nội là không có triệu chứng hoặc chỉ triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, khả năng bỏ sót đến 2/3 số ca bệnh", ông Cảm lưu ý và nhấn mạnh đây là tính chất mới hết sức phức tạp của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các bệnh nhân này không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây lan như người đã phát bệnh. Do vậy, nếu thời gian qua không áp dụng triệt để các biện pháp giám sát, phát hiện, bao vây, khoanh vùng, ông Cảm cho rằng khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát ngoài cộng đồng tại Hà Nội là hoàn toàn có thể.

Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội, ông Cảm cho rằng thành phố đã làm quyết liệt và luôn cao hơn 1 bậc so với quy trình chung của cả nước. Hà Nội là địa bàn rất phức tạp, dân số đông, nguồn lây nhiễm có thể về từ các nước là rất lớn. Hiện, việc kiểm soát các nguồn truyền nhiễm là vô cùng khó khăn.

"Đến nay, ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, nhưng Hà Nội cũng như cả nước đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng", ông nói và nhấn mạnh việc cách ly toàn xã hội cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc.

Chia sẻ