"Đẻ thoải mái, kết hôn sau 30 tuổi bị phạt..." và những hiểu lầm về Quyết định 588 của Thủ tướng
Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng về Quyết định trên.
Dưới đây là một số thắc mắc và giải đáp cụ thể của các chuyên gia để người dân hiểu rõ hơn về các nội dung trong Chương trình điều chỉnh mức sinh này.
Có phải việc điều chỉnh nhằm khuyến khích sinh con trên phạm vi cả nước?
Không đúng. BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: Quyết định 588/QĐ-TTg có mục tiêu chính là duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm sinh ở nơi có mức sinh cao.
Theo đó, các nội dung điều chỉnh sẽ khác nhau căn cứ dựa trên đặc điểm mức sinh thực tế tại các địa phương, không có sự giống nhau giữa nơi có mức sinh thấp và nơi có mức sinh cao. Một số biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con chỉ áp dụng tại những nơi mức sinh đang xuống thấp dưới mức sinh thay thế.
Mục tiêu của Chương trình điều chỉnh mức sinh nhằm duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc. Ảnh TL
Tại sao khuyến khích sinh đủ 2 con nhưng mức sinh thay thế lại từ 2,0 – 2,2 con?
Theo quy luật tự nhiên, nếu người phụ nữ sinh đủ 2 con thì sẽ có người sinh 2 con trai, người sinh 2 con gái và sinh 1 trai, 1 gái. Nghĩa là trong 2 con sẽ có 1 người con gái để thay thế mẹ thực hiện chức năng sinh đẻ, tái sản xuất dân số.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em gái, tỷ lệ phụ nữ vô sinh, sống độc thân không kết hôn… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con để bù đắp vào những khoảng trống trên. Chính vì vậy, các nhà nhân khẩu học đã tính toán, tổng tỷ suất sinh trong khoảng 2,1 con được coi là đạt mức sinh thay thế.
Giải thích về việc trong mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Quyết định điều chỉnh mức sinh đề cập đến việc "duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con)", ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho rằng, về bản chất, mức sinh thay thế vẫn ở mức 2,1 con/phụ nữ. Tuy nhiên, để đạt chính xác con số này rất khó nên cần có sự phân nhóm, xê dịch từ 2,0 – 2,2 con và những địa phương có mức sinh trong khoảng này được coi là đạt mức sinh thay thế.
Bãi bỏ những quy định xử phạt về sinh con thứ 3 ?
Một nội dung khác trong Quyết định được nhiều người quan tâm là việc "bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên". Theo đó, nhiều người đã hiểu rằng, điều này cho phép người dân thoải mái sinh con thứ 3, kể cả đảng viên.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số (Tổng cục Dân số), đây là nội dung điều chỉnh chỉ áp dụng tại các vùng có mức sinh thấp và không có nghĩa rằng người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ 3.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mức sinh không có nghĩa là khuyến khích người dân sinh con thứ 3. Ảnh minh họa
Bà Đặng Quỳnh Thư giải thích, trước đây, tại nhiều địa phương thường đặt tiêu chí về DS-KHHGĐ là các thôn, xã, bản làng, huyện... không có người sinh con thứ 3 trở lên. Những tiêu chí này sẽ được rà soát bãi bỏ để không tạo tâm lý cho người dân rằng, nhà chức trách đang thực hiện chính sách giảm sinh.
Hay nói cách khác, mục đích của chính sách này là điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang nâng mức sinh để đạt mức sinh thay thế tại những địa phương đang có mức sinh thấp.
Riêng về vấn đề đảng viên sinh con thứ 3 có bị xử lý vi phạm không, theo BS Mai Xuân Phương, tại Điều 27, Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã đề cập đến vấn đề xử phạt đảng viên vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW về việc thực hiện một số điều trong Quy định 102-QĐ/TW đã nêu rất rõ về nội dung này. Đến nay, các văn bản này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Kết hôn sau 30 tuổi sẽ bị phạt?
Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin xung quanh Quyết định điều chỉnh mức sinh rằng "Thủ tướng phạt từ 5-10 triệu nếu nam, nữ kết hôn muộn sau 30 tuổi". Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai sự thật.
Theo đó, nội dung trong Chương trình điều chỉnh mức sinh chỉ đề cập đến việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước tuổi 30, không kết hôn muộn và đây cũng là việc làm thí điểm tại những vùng có mức sinh thấp. Không hề có việc kết hôn sau 30 tuổi sẽ bị phạt như mạng xã hội đồn thổi.
"Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, Chương trình chỉ khuyến khích", bà Đặng Quỳnh Thư nói.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng triệu tập những người tung tin bị phạt nếu kết hôn muộn sau 30 tuổi. Ảnh: Báo Công an nhân dân
Bất cứ cặp vợ chồng nào khi sinh con thứ 2 cũng được nhận hỗ trợ?
Không phải. Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh, tại những vùng có mức sinh thấp, các địa phương sẽ nghiên cứu ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: Hỗ trợ tư vấn cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình; hỗ trợ mua nhà ở xã hội; thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…
Những chính sách này sẽ được các địa phương có mức sinh thấp phân tích thực tế và áp dụng thí điểm sao cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm mới đánh giá để đưa ra những chính sách chính thức.
Các tỉnh nào đang có mức sinh thấp?
Hiện nay, nước ta có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; 33 tỉnh, thành phố thuộc diện mức sinh cao và 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế.
21 tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp gồm: TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.