Chi phí đắt đỏ khiến giới trẻ ngán kết hôn, sinh con

LUÂN DŨNG,
Chia sẻ

“Giải pháp kinh tế là đòn bẩy thúc đẩy việc kết hôn, đặc biệt là vấn đề nhà ở, công ăn việc làm, rồi các chính sách sau khi sinh cũng rất quan trọng" - đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong.

 - Ảnh 1.

Nhiều chính sách ưu tiên được ban hành nhằm khuyến khích kết hôn trước tuổi 30, sinh đủ hai con trước tuổi 35

Thích tự do, bay nhảy…

Vừa qua Thủ tướng đã ký Quyết định số 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con cùng nhiều vấn đề khác được người dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Cần khẳng định chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình là một trong những nội dung quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, vấn đề này luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành. 

Trước đây, sở dĩ hạn chế sinh đẻ vì đã có không ít gia đình sinh nhiều con, trong khi khả năng của gia đình lại không chăm lo được, rồi khả năng của xã hội cũng không đáp ứng được. Chính vì vậy nhiều gia đình đã hạn chế sinh con trong một thời gian kéo dài.

 - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Viết Lượng

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Thời gian qua, chúng ta đã có những điều chỉnh nhất định, nới lỏng để phù hợp với điều kiện thực tế. 

Ngay cả hình thức kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba cũng có sự điều chỉnh, trước đây đảng viên sinh con thứ ba bị kỷ luật ở mức cảnh cáo, thì vừa qua hạ xuống chỉ ở mức khiển trách. Chúng ta cũng đã có những chính sách dân số để cho mỗi gia đình tự định hình quy mô số lượng con cho phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

"Quyết định vừa được ban hành với nhiều chính sách khuyến khích như vậy hoàn toàn có cơ sở về thực tiễn kinh tế, thể hiện tầm nhìn, hướng đến tương lai và có thể tránh được những "vết xe đổ" mà các nước đã gặp phải. Mặt khác quyết định này cũng có cơ sở về mặt y học, vì ở độ tuổi 30 kết hôn và sinh đủ 2 con ở độ tuổi 35 là lý tưởng nhất".

Đại biểu Phan Viết Lượng

Nhiều nước đã trải qua thời kỳ già hóa dân số mà Nhật Bản là một ví dụ, rồi Trung Quốc cũng đã nhìn thấy điều đó và đã thực hiện chính sách nới lỏng, vì việc này liên quan đến nguồn lao động trẻ, nhân lực chất lượng cao. Xuất phát từ thực tế đó mà Thủ tướng mới ban hành quyết định này. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đã kêu gọi cán bộ, công chức thực hiện được nhiệm vụ sinh con của mình trong mức sinh cho phép. Cá nhân tôi không ngạc nhiên và hoàn toàn ủng hộ quyết định này.

Thưa ông, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay áp lực kinh tế lại càng gia tăng, dẫn đến tình trạng thanh niên kết hôn, sinh con muộn?

Đúng là hiện nay có tình trạng thanh niên kết hôn muộn hơn so với trước đây. Bây giờ điều kiện kinh tế xã hội, học hành, chăm lo cho gia đình, con cái khác hơn ngày xưa nhiều. Thu nhập không cao, trong khi chi phí đắt đỏ, rồi vấn đề nhà ở, nuôi con ăn học rất tốn kém, khó khăn… Thực tế này đã tạo ra sức ép rất lớn, làm cho thanh niên rất ngại lập gia đình. Xu hướng tăng tuổi kết hôn hiện đã cao hơn rồi. Nhiều thanh niên cho rằng, chưa đến 35 tuổi thì chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành với nhiều chính sách khuyến khích như vậy hoàn toàn có cơ sở về thực tiễn kinh tế, thể hiện tầm nhìn, hướng đến tương lai và có thể tránh được những “vết xe đổ” mà các nước đã gặp phải. 

Mặt khác quyết định này cũng có cơ sở về mặt y học, vì một người ở tuổi 30 kết hôn và sinh đủ 2 con là lý tưởng nhất.

Về lý do kết hôn muộn, yếu tố kinh tế cũng là một phần, nhưng cũng có những yếu tố về tâm lý và quy luật phát triển. Nếu quan sát ở các nước phát triển, chúng ta thấy nhu cầu tự do, nhu cầu hưởng thụ cuộc sống, thích tự do bay nhảy, đặc biệt là nhu cầu du lịch của họ rất cao. 

Ở nhiều nước, các chính sách khuyến khích sinh hai con là rất nhiều và rất tốt, nhưng họ cũng có thực hiện được đâu. Ngay như ở TPHCM và các đô thị, ngoài sức ép kinh tế thì nhiều thanh niên có xu hướng kết hôn muộn. Đó là một quy luật. Ở đô thị, tỷ suất sinh bao giờ cũng thấp hơn, kết hôn bao giờ cũng muộn hơn ở nông thôn.

Chi phí đắt đỏ, ai dám sinh con?

Trước đây các cụ thường nói “trời sinh voi sinh cỏ”, còn tuổi trẻ bây giờ thì luôn tự hỏi: lấy vợ, chồng, sinh con rồi ở đâu? Như vậy, để khắc phục được bất cập này, ngoài yếu tố tâm lý, điều quan trọng là phải tháo gỡ được vấn đề việc làm, thu nhập, nhà ở cũng như nhiều chính sách xã hội khác, thưa ông?

Tập trung giải quyết bài toán kinh tế cũng là một ưu tiên, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập. Ngại sinh con phần lớn vì không có điều kiện về việc làm, thu nhập, dẫn đến ít có điều kiện chăm lo cho con cái đầy đủ, chăm sóc cho hạnh phúc gia đình. 

Nhiều cặp vợ chồng có khi cũng muốn đấy nhưng lại không dám sinh con thứ hai. Rồi một áp lực khác với thanh niên là khi lập gia đình rồi làm gì? ở đâu? Tôi có đứa cháu tuổi cũng không còn trẻ nữa, gia đình nói nhiều, nhưng không chịu, bảo cưới về thì ở đâu, làm gì để nuôi con? Khi đã lấy vợ, lấy chồng thì trách nhiệm kéo theo sẽ rất nhiều.

Theo ông, có nên xem xét đến yếu tố vùng miền để các chính sách ban hành được uyển chuyển, linh hoạt và hiệu quả hơn?

Khi có thực tế khác nhau như vậy thì chính sách bao giờ cũng phải phù hợp với tình hình thực tế. Đô thị có một đặc điểm là áp lực về kinh tế, việc làm, chỗ ở lớn hơn nhiều so với nông thôn. Đặc biệt việc mua nhà ở đô thị đối với vợ chồng trẻ không hề đơn giản. Lâu nay chúng ta vẫn hô hào về vấn đề nhà ở xã hội, chính sách tốt đấy nhưng việc thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao? Rồi chi phí khám chữa bệnh, học hành, ăn ở cao như vậy, thu nhập như thế thì mấy gia đình chịu nổi.

Với trẻ em các nước phát triển, họ bao cấp gần như toàn bộ, còn chúng ta thì không có. Chính vì vậy, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ tốt cho trẻ em, từ học hành, đến khám chữa bệnh. Còn chi phí đắt đỏ như hiện nay ai dám lập gia đình, sinh con? Trường công còn chưa lo được, làm sao có đủ kinh phí học trường tư, nói gì trường quốc tế? Vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội phải được giải quyết rốt ráo mới khuyến khích được thanh niên kết hôn, sinh con như mong muốn.

Trong bối cảnh hiện nay có nên cân nhắc, xem xét sửa đổi quy định đảng viên không sinh con thứ ba cho phù hợp tình hình, thưa ông?

Hiện quyết định của Thủ tướng mới chỉ là khuyến khích sinh đủ hai con. Còn kỷ luật là kỷ luật sinh con thứ 3, thứ 4. Hai quyết định này không có gì mâu thuẫn cả. Tuy nhiên nếu chưa bỏ được quy định này thì cũng nên xét đến tính chất, mức độ vi phạm của người sinh con thứ 3 trong hoàn cảnh nào. 

Ví dụ có những người đã sinh hai con nhưng lại không được như ý, bị khiếm khuyết gì chẳng hạn. Hay sinh con một bề, nên họ muốn sinh con nữa thì có được phép không? Cũng có thể xem xét, hạ bớt mức độ kỷ luật trong những trường hợp như vậy. Theo tôi nên nới lỏng theo hướng như vậy và cần xét đến điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ