Để tạo nên một đứa trẻ có tính cách tự lập, đây là 4 phương pháp cha mẹ dễ dàng áp dụng
Cha mẹ làm hộ mọi việc và nghĩ đó là yêu thương, lo lắng cho con. Nhưng thực chất, họ đã làm mất đi khả năng cho con được tự lập.
Nhiều bậc cha mẹ thường tỏ ra lo lắng và đánh giá thấp con rồi cho rằng chúng không thể tốt một việc gì! Và rồi các bố mẹ cứ làm hộ con với lý do cho nhanh, cho tốt. Thế nhưng cha mẹ đâu biết hành động của mình đã dần lấy mất khả năng tự lập của con và tạo cho con tính lười, ỷ lại. Vậy làm thế nào để phát triển tính tự lập của trẻ? Cha mẹ nên tham khảo 4 phương pháp sau:
1. Hãy để trẻ làm những gì trong khả năng có thể
Nhiều bà mẹ cầu toàn, luôn lo lắng con còn nhỏ nên chưa thể làm tốt việc gì. Và để cho mọi thứ hoàn hảo đúng ý mình, các mẹ sẽ làm tất cả giúp con, dù là việc các bé có thể làm trong khả năng, độ tuổi của mình.
Thế nhưng, cha mẹ nên nhớ, chỉ khi sẵn sàng buông tay thì con mới có cơ hội phát triển. Thậm chí với trẻ nhút nhát, cha mẹ còn nên khuyến khích con thử để rèn sự tự tin. Bố mẹ càng lo lắng, càng lấy mất đi cơ hội tự lập của con, khiến trẻ sợ hãi với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Và hãy bắt đầu cho con làm những việc nhẹ nhàng, vừa sức. Ví dụ, với những trẻ nhỏ đã đi học mẫu giáo thì cha mẹ không nên tranh việc giúp con mặc quần áo, đánh răng, đút ăn... với lý do cho khỏi muộn. Nhưng làm vậy sẽ khiến trẻ ngày càng ỷ lại, phụ thuộc vào cha mẹ nhiều hơn.
Thay vì làm hộ con, cha mẹ nên khuyến khích con bằng cách tạo ra sự cạnh tranh giữa bố mẹ và con cái xem ai làm nhanh hơn, ai xong trước. Việc làm này sẽ giúp trẻ làm việc có động lực hơn, tự chủ hơn trong những công việc cá nhân.
2. Dạy trẻ cách tự chịu trách nhiệm khi phân công con làm việc nhà
Cha mẹ nên dạy con cái làm việc nhà từ nhỏ, tuổi nào làm việc đó. Đây không chỉ là một hoạt động giúp gắn kết tình cảm gia đình, tăng khả năng tự lập của con mà còn giúp các bé hiểu ý nghĩa của lao động.
Đặc biệt, cha mẹ đã giao việc thì cần con cam kết sẽ hoàn thành, có thưởng, phạt rõ ràng. Bởi trẻ vốn hiếu kỳ nhưng lại "cả thèm chóng chán", chỉ sau vài bữa sẽ xao nhãng và không muốn tiếp tục những công việc được giao nữa. Thế nên, cha mẹ cần có biện pháp để động viên, khuyến khích bé hoàn thành.
Một mẹo nhỏ cho phụ huynh sau khi giao việc cho con đó là hãy tin ở trẻ. Trao mọi quyền xử lý cho con, sau đó chỉ quan sát và gợi ý cách thực hiện. Cha mẹ tuyệt đối đừng bao giờ chen ngang hay đi sửa chữa giúp bé, thay vì thế hãy chỉ ra để con tự làm lại. Hãy khuyến khích sự độc lập và trách nhiệm của con từ khi còn nhỏ.
3. Cha mẹ nên dạy con bằng hành động cụ thể của chính mình
Trẻ em là tấm gương phản chiếu lại hành vi, cách cư xử của người lớn. Và những gì ông bà, cha mẹ thể hiện hàng ngày sẽ nhanh chóng lưu vào trí nhớ con trẻ, các bé sẽ học theo và thực hành.
Thế nên, để cho trẻ chăm chỉ lao động, tự giác làm việc nhà thì chính cha mẹ phải làm gương. Nếu cha mẹ không phải là người chăm chỉ tất nhiên sẽ không thể nào nuôi dạy được đứa trẻ yêu lao động.
4. Trải nghiệm cuộc sống tập thể cũng kích thích sự độc lập
Khi con đủ tuổi, cha mẹ nên cho con đi học. Trường mẫu giáo chính là một "xã hội" thu nhỏ mà ở đó con sẽ học cách tạm xa vòng tay cha mẹ, bắt đầu với 1 môi trường nhiều điều mới lạ. Và tại đây, các con sẽ học được cách hòa đồng với thầy cô, bạn bè; tự làm các việc cá nhân đơn giản: đánh răng, rửa tay, rửa mặt, đi tất... và nhiều kỹ năng sống khác.
So với môi trường gia đình thì trường học dễ dàng kích thích sự tự lập của mỗi đứa trẻ, dễ dàng phát triển kỹ năng tự chăm sóc bản thân rất tốt.
Theo Sohu