Rèn tính tự lập cho con từ bé không hề khó

Hà Minh,
Chia sẻ

Để con bạn có được tính tự lập từ nhỏ, những lưu ý dưới đây sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ hiểu và rèn luyện cho bé trong từng thời kì.

Tách biệt và độc lập

Khi bé còn là một đứa trẻ sơ sinh, bé khá “ bám mẹ”, mọi việc bạn đều phải làm cho bé và việc gì cũng muốn và phụ thuộc vào sự cho phép của bạn. Nhưng khi bé lớn dần lên, các kĩ năng về thể chất, tinh thần và cảm xúc phát triển, bé sẽ muốn tập làm hoặc bắt chước những việc bạn làm để tự làm. Điều đó cũng có ý nghĩa rằng, con bạn sẽ ngày càng muốn làm mọi việc theo cách của mình.

Vào khoảng 6 – 7 tháng tuổi, bé bắt đầu nhận ra rằng bé tách biệt với mẹ và điều bạn nên làm đó là hãy để cho bé tự nhiên phát triển điều đó. Giai đoạn này có thể kéo dài đến khi bé được 2 tuổi nhưng bạn không cần lo lắng vì đó là điều tất yếu xảy ra trong quá trình trưởng thành của bé.

Càng lớn hơn, bé sẽ càng trở lên mạnh dạn trong việc bước đi và bắt đầu hình thành những cá tính riêng, đây chính là lúc bạn cần quan tâm đến bé hơn. Bởi vì những năm trước khi đi học, tính tự lập hoàn toàn có thể phát triển thành sự ích kỷ cá nhân và gây ra một số vấn đề về tính cách của bé như muốn điều khiển mọi việc theo cách của mình.

Rèn tính tự lập cho con từ bé không hề khó 1
Hãy để bé tự làm những việc trong khả năng. (Ảnh minh họa)

Các giai đoạn khi bé tự khẳng định mình

Từ 25 đến 30 tháng tuổi

Trong độ tuổi này, con bạn sẽ liên tục khẳng định mình trên mọi phương diện. Bé sẽ làm nhiều việc vượt xa sự cho phép của bạn nhiều hơn và cũng thường xuyên vi phạm các điều cấm kị mà bạn đã đề ra như việc tô màu lên các bức tường ngay cả khi bạn nói “Không được”. “Con sẽ làm điều mà con muốn” có thể sẽ là điệp khúc phổ biến nhất của bé trong giai đoạn này.

Từ 31 đến 36 tháng tuổi

Đây là độ tuổi bé chuẩn bị đi học. Điều này có thể khiến bạn lo lắng nhưng đây là giai đoạn đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Điều bạn cần làm là vạch ra ranh giới rõ ràng cho bé trong mọi việc vì đây là mốc quan trọng trước khi bé đến trường mẫu giáo và được tiếp xúc với nhiều người hơn là với bố mẹ.

Vai trò của bạn trong sự phát triển tính tự lập của bé

Con của bạn cần có những lời răn dạy, khuyên bảo của bạn trước khi bé tự khám phá thế giới bên ngoài. Bạn hãy cho bé tình yêu và sự hỗ trợ để con tự tin bước đi trên con đường của mình.

Bé cũng cần có sự tự do để có thể khám phá mọi thứ xung quanh, vì vậy bạn hãy tạo ra một môi trường an toàn trong gia đình mình thay vì chạy theo và nói “Không được” với mọi thứ bé chạm vào.

Rèn tính tự lập cho con từ bé không hề khó 2
Và hướng dẫn con tự làm những việc cá nhân. (Ảnh minh họa)

Khuyến khích tính tự lập ở bé bằng cách cho con sự lựa chọn và cho bé biết những việc bé có thể làm một mình mà không cần có bạn. Bạn có thể để bé lựa chọn giữa hai bộ trang phục, đồ ăn nhẹ hoặc các hoạt động buổi chiều sẽ khiến bé ý thức về sự độc lập cá nhân.

Dạy cho bé tính độc lập không có nghĩa rằng bé sẽ cần ít hơn tình yêu của cha mẹ mà ngược lại bé vẫn luôn khao khát sự chăm sóc của bạn. Hãy khen con mỗi khi bé làm được việc gì đó một mình, nhưng đừng bao giờ đẩy bé ra khi con cần sự hỗ trợ của bạn. Bé sẽ muốn và luôn cần sự trấn an của bạn trong một thời gian dài sau đó.

Bạn nên hiểu rõ rằng càng trưởng thành bé sẽ càng có nhiều điều muốn được làm một mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bạn, điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên bao bọc con quá nhiều. Dạy cho con cách làm việc độc lập từ nhỏ chính là bạn đã tạo cho bé một nền tảng vững chắc để bé có thể đứng vững trong tương lai.



 Quan tâm tới con quá mức là một trong những cách khiến con không tự lập. Dưới đây là những kiểu cha mẹ điển hình khiến con không tự lập.
Rèn tính tự lập cho con từ bé không hề khó 3
Chia sẻ