Để quên bé trai 6 tuổi trên ô tô dẫn đến tử vong, trường quốc tế Gateway liên tục vòng vo trong khâu khai báo điều tra, có còn tư cách làm giáo dục?
Trong 2 bản tường trình và báo cáo của trường Gateway, lúc thì nói cô giáo chủ nhiệm thông báo về sự vắng mặt của bé L., lúc thì lại không. Điều dư luận đang đặt ra câu hỏi là, một trường danh tiếng như Gateway lại vòng vo trong cách nhận lỗi thiếu trách nhiệm khiến bé 6 tuổi tử vong có xứng đáng làm giáo dục nữa hay không?
Nhận tắc trách khiến bé 6 tuổi tử vong nhưng trường Gateway lại vòng vo giải thích?
Sự việc cháu bé Lê Hoàng L. (6 tuổi) tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của Trườg Quốc tế Gateway (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang tạo nên làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội vì sự tắc trách từ phía nhà trường.
Ngay trong đêm 6/8, phía trường Gateway đã lập biên bản giải trình (viết tay) gửi đến cơ quan chức năng, đồng thời gửi báo cáo nhanh đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy.
Tuy nhiên trong biên bản viết tay và báo cáo nhanh của mình, trường Gateway đã cho thấy mâu thuẫn khi tường trình không nhất quán về việc giáo chủ nhiệm báo cáo lên hệ thống của nhà trường khi phát hiện sĩ số thiếu.
Theo đó, Sau buổi làm việc tại bệnh viện, trường Gateway cung cấp biên bản giải trình nội dung sự việc viết tay như sau:
"Vào khoảng 16h10 ngày 06/08/2019, trong quá trình đưa học sinh đi ra xe bus về, nhà trường đã phát hiện học sinh L.H.L, lớp 1 Tokyo đang nằm bất tỉnh trên xe bus. Ngay lập tức, một cán bộ của nhà trường nhanh chóng đưa con vào phòng cấp cứu, tình trạng học sinh bị tím tái, 2 nhân viên y tế ngay lập tức đã làm các biện pháp sơ cấp cứu, đồng thời liên lạc với phụ huynh học sinh và gọi điện cho 115.
Nhà trường bao gồm: Cô Thuơng, 2 nhân viên y tế, 1 nhân viên hỗ trợ đưa học sinh tới bệnh viện E cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng học sinh đã không qua khỏi.
Nhà trường ngay lập tức yêu cầu lái xe bus, cô phụ trách xe bus và đơn vị cung cấp dịch vụ xe bus đến trường để làm việc. Lái xe bus, cô phụ trách đến tường trình lại sự việc. Đơn vị cung cấp xe bus đã xác nhận học sinh đã quên trên xe bus. Ngay lập tức, nhà trường đã gặp gia đình và nhận trách nhiệm".
Cuối biên bản cũng nói rõ: "Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường".
Tuy nhiên báo cáo nhanh của Trường Tiểu học Quốc tế Gateway lại có điểm mâu thuẫn với nội dung viết tay như trên. Cụ thể, trong báo cáo nhanh ghi rõ: "Trên lớp, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy - phụ trách lớp 1 Tokyo điểm danh học sinh thì không thấy có nhưng không có bất cứ thông báo nào. Trong suốt thời gian xe kết thúc đưa đón học sinh đến trường và quay lại trường là 16h10, lái xe và Monitor (nhân viên hỗ trợ) không kiểm tra lại xe".
Như vậy đến thời điểm hiện tại, không rõ việc em L. không đến lớp có được thông báo đến hệ thống quản trị nhà trường hay không vì biên bản làm việc viết tay nói có, nhưng báo cáo nhanh lại cho rằng khi điểm danh không thấy em L. trong lớp thì cô phụ trách cũng không có bất cứ thông báo nào?
Thông báo thư điện tử gây phẫn nộ, quy trình quản lý đang có vấn đề?
Đặc biệt, trong bức thư điện tử gởi đến các bậc phụ huynh học sinh tại trường Gateway, thông báo của nhà trường khiến dư luận phẫn nộ vì quá cứng nhắc, vô cảm. Bởi để xảy ra một sự cố nghiêm trọng như vậy, làm bé trai 6 tuổi tử vong nhưng cả thông báo không có 1 lời xin lỗi nào gởi đến gia đình bé trai?
Đồng thời, về vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn trong 2 bản tường trình, cái cách mà một đơn vị giáo dục hàng đầu như Gateway với mức học phí hơn 100 triệu/năm đang giải quyết vấn đề "trách nhiệm".
Khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, đến khoảng gần 0h ngày 7/8, một bản thông cáo khác đã được cập nhật trên website của trường. Theo đó, bản thông cáo này bổ sung thêm nội dung "chia sẻ nỗi đau, mất mát" cũng như gửi lời xin lỗi đến gia đình em L.
Sau vụ việc, nhiều người cho rằng quy trình đưa đón học sinh của nhà trường đang có vấn đề?
Nếu như học sinh vắng mặt và cô chủ nhiệm đã báo lên hệ thống quản trị nhà trường (như biên bản viết tay) thì tại sao nhà trường không có động thái nào tìm kiếm em L. dù em vẫn có mặt trên xe đưa đón vào sáng cùng ngày? Trong suốt gần 1 ngày vắng mặt, đã không có ai quan tâm đến sự hiện diện hay thiếu sót sĩ số của học sinh trong lớp cũng như check soát kỹ càng danh sách học sinh được đưa đón và học sinh lên lớp?
Và kể cả khi cô giáo thấy học sinh vắng mặt nhưng không hề đưa ra thông báo nào (như báo cáo nhanh), cũng như lái xe bus và Monitor không kiểm tra kĩ sĩ số học sinh lên xuống xe - thì trách nhiệm lớn nhất là của cô giáo chủ nhiệm hay là của lái xe và Monitor?
Hiện tại, vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra để tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của đứa bé. Điều dư luận đang quan tâm lúc này là phía trường quốc tế Gateway, đơn vị giáo dục hàng đầu có sự chân thành hơn trong cách nhận trách nhiệm. Để xảy ra tắc trách cướp đi một sinh mạng của một em học sinh, thay vì vòng vo, chối cãi, mâu thuẫn trong lời nói, nhà trường cần nhìn nhận thực tế hơn về bản chất vụ việc để có cách hành xử đúng đắn.
Nặng hơn một chữ "trách nhiệm", những mất mát mà gia đình bé L. đang chịu phải vô cùng to lớn. Nếu như trường Gateway mãi mê lo "lo giải nguyên nhân" thì liệu có quá vô cảm trước nỗi đau của gia đình bé, có xứng đáng đứng chung trong ngành giáo dục nữa hay không?