"Đệ nhất" khóm miền Tây hơn 80 năm tuổi được trồng như thế nào?
Khóm Tắc Cậu là đặc sản của tỉnh Kiên Giang, được trồng ở vùng đất cù lao, có thổ nhưỡng đặc hữu. Suốt 80 năm nay, thương hiệu khóm này đã giúp người dân địa phương "ăn nên làm ra".
Nhìn những quầy khóm rực sắc vàng khi đi qua Quốc lộ 63, bà Nguyễn Thị Ái Minh (quê ở Cà Mau), nói: "Cứ hễ đi qua đoạn này là tôi lại thèm vị khóm Tắc Cậu, thơm và ngọt thanh, trái nào cũng to mà ăn vào rất mát".

Khóm Tắc Cậu được bán ven Quốc lộ 63 (Ảnh: BT).
Tắc Cậu là vùng đất cù lao nằm biệt lập hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé, nông dân địa phương từng thử trồng nhiều loại nông sản nhưng không mấy hiệu quả, nhưng kể từ khi họ biết xẻ kênh, lên liếp, kết hợp với các công trình thủy lợi địa phương, nơi đây đã thay da đổi thịt.
Tại cù lao Tắc Cậu, người dân vừa canh nông, vừa trồng cây ăn quả, tuy nhiên họ đặc biệt thành công khi bắt đầu với cây khóm. Nhờ phù sa bồi đắp, hàm lượng kali trong đất cao khiến trái khóm được trồng ở vùng Tắc Cậu có chất lượng thơm ngon, ngọt, trái to, giữ được lâu mà không cần bảo quản.

"Đệ nhất" khóm miền Tây được trồng bài bản, trở thành cây nông nghiệp chính của vùng cù lao Tắc Cậu từ năm 1950 đến nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có khoảng 7.000ha trồng khóm, được bà con trồng tập trung ở Gò Quao, Châu Thành.
Ông Dư Văn Thái (78 tuổi, ở ấp An Lạc, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang) kể, ông trồng khóm Tắc Cậu từ những năm 1940. Nhưng mãi đến sau giải phóng, khi các nhà máy chế biến khóm "đóng đô" tại đây thì nghề trồng khóm ở đây bắt đầu sôi động.
Theo ông Thái, cây khóm Tắc Cậu phát triển mạnh mẽ nhất là vào năm 2013, khi Hội Nông dân huyện Châu Thành đăng ký nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó, cầu Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng đưa thương hiệu khóm này tiến lên.
Mỗi năm, ông Thái thu hoạch 3-4 vụ, đạt sản lượng khoảng 10-15 tấn/ha. Với 2ha khóm, ông nông dân này tính nhẩm đến cuối vụ thu hoạch khoảng 10 thiên khóm (tức 10.000 trái, mỗi thiên 1.000 trái).
Do chất lượng đặc hữu, khóm Tắc Cậu có giá cao hơn khoảng 2.000 đồng/trái so với các vùng trồng khóm khác.
Hiện, giá thu mua tại vườn khóm loại nhất (trái từ 1kg trở lên) khoảng 10.000 đồng/trái, khóm loại nhì (trái từ 600gram đến dưới 1kg) được bán với giá 7.000 đồng/trái.

Ông Dư Văn Thái
"Đệ nhất" khóm miền Tây được trồng ra sao?
Theo ông Thái, khóm Tắc Cậu sẽ ra trái sau khoảng 1 năm trồng, từ thời điểm có trái đến lúc thu hoạch khoảng 4 tháng. Thông thường, sau 3 năm cho trái người dân phải trồng lại cây mới để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Ông Thái cũng cho hay, khóm thích hợp với loại đất tơi xốp. Trước đây, khi chưa có cơ giới hóa, ông dùng xẻng cuốc đất, đào kênh. Sau này khi có cầu Cái Lớn - Cái Bé, việc đào kênh, lên liếp giúp nâng cao tầng canh tác và quản lý nước tưới và thoát nước hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm của ông Thái trên diện tích 1.300m2, nếu đào kênh 4m, lên liếp 4m, người nông dân có thể trồng chưa đầy 2 thiên khóm, thu hoạch mỗi vụ khoảng 1,5 thiên khóm loại 1 (trọng lượng mỗi trái đạt từ 1kg trở lên).

Trồng xen canh khóm, cau và dừa làm tăng chất lượng của trái khóm, tăng thu nhập của người dân (Ảnh: Bảo Trân).
Sau khi cây khóm được trồng thành công, tận dụng đất trống dọc hai bên kênh, liếp, nhà vườn trồng xen canh nhiều loại cây khác nhau để tăng thu nhập trên cùng diện tích; trong đó hai loại cây thích hợp nhất để trồng cùng khóm là cau và dừa.
Mô hình kinh tế 3 loại cây này từ đó giúp nông dân sống khỏe, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng chất lượng lẫn sản lượng của khóm trong mùa nắng gắt, đảm bảo thu nhập cho người dân xuyên suốt năm.