Để giúp em trai mua nhà, mẹ tôi đòi ly hôn chia tài sản, đến khi bà ốm thì lại nằng nặc muốn con dâu vào viện chăm sóc
Hết cách, vợ tôi đành chọn cuối tuần vào chăm bà nhưng bị bà làm khó dễ.
Tôi lớn lên ở một vùng quê nhỏ, gia đình không khá giả gì. Bố tôi là một công nhân, còn mẹ tôi là người phụ nữ ở nhà nội trợ.
Trong kí ức của tôi, mẹ tôi rất yêu thương em trai - cậu tôi. Cậu ít hơn tôi mẹ tôi 15 tuổi, từ nhỏ đã được mẹ tôi nuôi dưỡng, cưng chiều.
Tôi nhớ có lần cậu đến nhà tôi vay tiền. Mẹ tôi không chút do dự, lấy ra mấy trăm ngàn tiền tiết kiệm của gia đình đưa cho cậu. Thế nhưng khi bố tôi hỏi xin tiền mua mấy thứ thì mẹ luôn nói nhà hết rồi, lấy đâu ra. Quần áo của tôi rách thì mẹ vá đi vá lại chứ hiếm khi mua mới, bố tôi còn phải đi làm bằng đôi giày thủng ngón chân cả năm trời, nhưng cứ gom góp được đồng nào, mẹ lại gửi cho cậu - lúc này cậu tôi đang đi học đại học. Mẹ luôn nói cậu ở ngoài thành phố thiếu thốn, trên đó cái gì cũng phải mua bằng tiền, nên gửi được đồng nào ra cho cậu thì cậu cũng thoải mái hơn. Rõ ràng ông bà ngoại tôi có gửi tiền cho cậu, nhưng mẹ tôi luôn sợ cậu thiệt thòi so với bạn bè nên vẫn lén gửi thêm.
Lớn lên, tôi hiểu mẹ thiên vị nhà ngoại rất nhiều. Ông bà nội chẳng mấy khi được mẹ mua biếu cái gì, nhưng nhà ngoại thì chỉ cần hỏi là mẹ sẵn sàng tìm mọi cách để đáp ứng.
Bố tôi biết điều đó nhưng ông luôn im lặng nhẫn nhịn, không bao giờ phàn nàn. Thậm chí có lần bố còn nói với tôi rằng vợ chồng phải nhường nhịn nhau, đó là cách duy trì hòa khí trong gia đình. Mẹ con lo cho nhà đẻ thì cho thấy mẹ đi lấy chồng vẫn nhớ về cội nguồn. Điều đó không có gì sai cả.
Cho tới khi cậu tôi ra trường, đi làm rồi thì mẹ tôi mới thôi không gửi tiền cho cậu nữa. Nhiều khi tôi thấy cũng buồn cười, một người là chồng, một người là con trai ruột, sống tiết kiệm khổ sở nhưng mẹ tôi chẳng lo cho chút nào, chỉ chăm chăm lo cho người em trai độc thân, kinh tế khấm khá hơn mình. Song tôi cứ nói thì mẹ lại bỏ ngoài tai nên tôi chẳng thắc mắc nữa.
10 năm trước, cậu tôi mua nhà khiến gia đình tôi nảy sinh mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Lúc đó, cậu mới lấy vợ nên vấn đề nhà ở trở nên nan giải. Vợ chồng cậu muốn sống ở thành phố, mà nhà thành phố thì đắt đỏ. Cậu liền đến gặp mẹ tôi và nhờ mẹ tôi giúp đỡ.
Mẹ tôi đồng ý ngay lập tức, thậm chí còn chẳng cần hỏi qua ý kiến bố tôi, đã dốc hết tiền tiết kiệm ra để cho cậu. Nhưng 300 triệu mẹ tôi đưa không đủ, cậu kêu còn thiếu hơn tỷ bạc. Mẹ tôi liền đòi bố tôi bán nửa mảnh đất của nhà đi. Đất nhà tôi do ông nội chia cho, được 360m2, trong đó bố tôi xây căn nhà rộng gần 100m2, còn 260m2 làm sân và vườn. Giờ mẹ tôi muốn bán 180m2 đất vườn đi để lấy tiền cho cậu mua nhà. Làm sao mà bố tôi có thể đồng ý được. Việc mẹ tôi đưa hết 300 triệu tiền tiết kiệm cho cậu đã khiến bố tôi bực bội rồi, chưa kể đất này là đất tổ tiên để lại, sau này tôi sẽ là người thừa kế, thế mà mẹ cứ nằng nặc đòi bán.
Thấy bố tôi cứng rắn không chấp nhận, mẹ tôi liền lạnh lùng nói: "Nếu ông không đồng ý thì chúng ta ly hôn".
Tôi nhớ mãi khoảnh khắc đó, mặt bố tôi tái mét. Ông im lặng hồi lâu rồi quyết định ly hôn với mẹ. Mẹ tôi được chia cho 80m2 đất, do bố tôi không có tiền nên đành phải cắt đất chia cho bà để chứng minh phần tình nghĩa còn sót lại sau bao năm làm vợ chồng. Mẹ tôi liền bán luôn 80m2 đất đó, đưa tiền cho cậu rồi về nhà ngoại sống. Tôi chọn ở lại với bố.
Từ đó, mối quan hệ giữa tôi và mẹ trở nên vô cùng căng thẳng. Tôi không thể hiểu nổi tại sao mẹ lại có thể bất chấp tất cả vì cậu, thậm chí sẵn sàng ly hôn. Bà cũng chưa bao giờ thực sự quan tâm đến cảm nhận của tôi.
Tôi tốt nghiệp đại học, trở về quê làm việc, kết hôn và có cuộc sống riêng. Tôi cứ nghĩ rằng mối quan hệ với mẹ đã phai nhạt thì bà vẫn không ngừng làm phiền tôi. Thỉnh thoảng bà lại gọi điện bảo tôi gửi cho bà vài triệu hoặc mua cho bà cái này cái nọ.
4 năm trước, con trai tôi chào đời. Mẹ đến thăm vài lần rồi ra về. Dù bà gợi ý có thể đến chăm vợ tôi ở cữ, giúp chúng tôi chăm cháu nhưng tôi và vợ đều thống nhất không nhờ bà. Chúng tôi nhờ mẹ vợ. Việc này khiến mẹ tôi rất giận nên một thời gian dài sau đó không đến nữa.
Nửa tháng trước, mẹ tôi đột ngột bệnh nặng phải nhập viện, mọi mâu thuẫn lại trỗi dậy. Tôi nhận được điện thoại của bệnh viện, vội vàng chạy đến. Mẹ nằm trên giường bệnh, mặt mày xanh xao. Vừa thấy tôi, bà đã nói: "Tao sắp chết rồi. Thôi tao chết đi cho vừa lòng bố con anh".
Tôi nhíu mày, an ủi lại vài câu rằng bác sĩ nói bệnh của mẹ chỉ cần phối hợp điều trị là sẽ khỏi, rồi lại sống vui khỏe được 1-2 chục năm nữa.
Bà liền nói ngay: "Phối hợp điều trị thì cũng phải có người chăm sóc, mày về bảo vợ mày đến chăm tao". Tôi ngỡ ngàng: "Mẹ, con cũng phải đi làm, vợ con cũng vừa đi làm vừa phải chăm con, làm sao mà đến được?". Mẹ tôi nói như quát: "Con cái bất hiếu thế à? Mẹ ốm mà không đến chăm. Mày không chăm được thì vợ mày đến, nó là con dâu mà chưa báo hiếu mẹ chồng cái gì đâu".
Nghe đến đó, tôi cảm thấy mệt mỏi tận đáy lòng. Mẹ có từng nghĩ tới tôi không mà giờ lại dồn trách nhiệm lên vai tôi. Tôi hỏi cậu đâu? Người em trai mẹ hết lòng chăm lo đâu? Mẹ tôi liền nói: "Nó là em trai chứ có phải con trai đâu mà cần có trách nhiệm?".
Bố tôi biết tin liền nói với tôi rằng dù mẹ từng đối xử tệ với tôi, nhưng đó là người sinh ra tôi, tôi vẫn nên nhường nhịn và chăm sóc bà lúc tuổi già. Đời người chỉ có một người bố, một người mẹ, dù họ tệ bạc nhưng nếu họ mất thì mình thành mồ côi. Vậy cho nên, báo hiếu được lúc nào thì hãy cứ báo hiếu, làm để lương tâm được thanh thản.
Nghe lời bố nên tôi xin nghỉ phép 1 tuần vào chăm mẹ, sau 1 tuần, tôi sẽ thuê hộ lý. Còn vợ tôi phải đi làm và chăm con, không thể tới bệnh viện được. Tôi cũng nói rõ với mẹ như thế, nhưng những ngày tôi ở viện, mẹ luôn cằn nhằn ca thán rằng con dâu tệ bạc. Khi vợ tôi đến thăm, bà còn không nhìn mặt và nằng nặc nếu vợ tôi không đến chăm bà thì đừng vào thăm nữa. Hết cách, vợ tôi đành chọn cuối tuần vào chăm bà nhưng bị bà làm khó dễ. Ức chế quá, tôi bảo vợ về, tôi thuê hộ lý chứ không ở lại tiếp nữa.
Tôi không hoàn toàn buông bỏ trách nhiệm với mẹ, tôi vẫn chi trả viện phí, nhưng mối quan hệ giữa tôi và bà không thể nào trở lại như xưa. Còn cậu, mẹ tôi cuối cùng cũng không hề đòi hỏi cậu bất cứ điều gì. Cậu vẫn là người được bà bảo vệ vô điều kiện. Tôi chỉ thương bố tôi, ông quá hiền lành và nhẫn nhịn. Sau này, tôi sẽ báo đáp bố nhiều hơn!