Để con trai lây bệnh từ mình, em bị mẹ chồng ném quần áo, đuổi khỏi nhà giữa đêm khuya
Bị thủy đậu thường lâu khỏi, em thì muốn được gặp con, nhớ con quá nên mấy hôm trước nhân lúc mẹ chồng trong bếp đã lén vào phòng bế con.
Em sợ nếu cứ giữ kín tâm sự trong lòng thì em sẽ bị trầm cảm mất. Trong mắt chồng và gia đình chồng, em là một người mẹ tồi tệ. Chính em cũng cảm thấy bất lực khi làm mẹ mà không thể mang lại những điều tốt nhất cho con.
Chồng em là con một trong nhà, vì thế khi biết tin em mang thai con trai, mọi người hạnh phúc và phấn khởi lắm. Lúc mang thai, hầu như em không phải đụng tay vào việc gì. Ai cũng muốn kiêng cữ để con em khỏe mạnh. Mọi người lại kỳ vọng vào em quá nhiều.
Mỗi lần đi siêu âm là một lần em có thêm áp lực. Khi em về đến nhà, chồng và mẹ chồng sẽ xúm lại để xem các chỉ số, cân nặng rồi so sánh với con nhà người khác. Lần nào con em chỉ chạm ngưỡng đủ cân thì y như rằng, cả đợt sau đó cả nhà sẽ bắt em bồi bổ bằng đủ thứ đồ ăn.
Vô tình sự quan tâm của mọi người khiến em cảm thấy khó chịu. (Ảnh minh họa)
Em biết mình được đối xử như vậy là sướng hơn nhiều người khác. Nhưng vô tình sự quan tâm của mọi người khiến em cảm thấy khó chịu. Em cố gắng ăn nhiều, tẩm bổ nhiều. Vậy mà khi sinh con ra, con vẫn hơi nhẹ cân. Lúc bế cháu trên tay, mẹ chồng em vừa nhìn cháu vừa xuýt xoa: "Thương cháu bà quá, mẹ ăn vào mẹ chứ con có được tí nào đâu". Em nghe xong chỉ biết quay mặt vào gối khóc.
Lần đầu làm mẹ nên em không tránh khỏi bỡ ngỡ. Trước khi sinh, em cũng đã tìm tòi và học kiến thức chăm con trên mạng. Sinh con rồi em mới biết không phải điều gì cũng áp dụng được. Em đóng bỉm cho con cả ngày mà quên không bôi kem trị hăm liên tục. Vậy là con em bị hăm. Nhìn những vết hăm đỏ trên da của con, em xót lắm chứ. Chẳng cần ai phải trách thì em cũng đã trách bản thân mình rất nhiều rồi. Chồng em trông thấy con bị thế cả ngày càu nhàu em. Anh còn nói không hiểu sao em có thể làm mẹ.
Tháng đầu tiên, con em chỉ lên được 800gram so với lúc mới sinh. Ai đến thăm cũng chê con em nhỏ, nghe họ chê mà em vừa thương con vừa giận mình. Còn mẹ chồng em thì tối ngày bảo em nóng sữa, có mỗi chuyện cho con bú cũng không được như người ta.
Từ ngày mang thai đến khi con chào đời, lúc nào em cũng mang tâm trạng buồn tủi. Mỗi khi con em xảy ra vấn đề gì thì mọi người lại đổ trách nhiệm cho em. Vài hôm trước, em bị thủy đậu. Vì con còn quá nhỏ nên em không thể về nhà mẹ đẻ. Em chỉ có thể cách ly con và cho con ngủ với ông bà nội. Hàng ngày em vắt sữa cho con bú mà không được cho con bú trực tiếp.
Giờ không được gặp con để biết con bị ốm thế nào, em cũng xót xa lắm. (Ảnh minh họa)
Bị thủy đậu thường lâu khỏi, em thì muốn được gặp con, nhớ con quá nên mấy hôm trước nhân lúc mẹ chồng trong bếp đã lén vào phòng bế và hôn con. Mẹ chồng em bắt gặp cảnh đó. Bà trừng mắt lên và cấm em không được lại gần con nữa.
Tối nay khi em đang ngồi trong phòng thì mẹ chồng em la toáng lên là con trai em đã bị lây thủy đậu từ em. Người thằng bé bắt đầu nổi mụn nước, cũng quấy khóc hơn ngày thường. Sau khi dỗ con em ngủ, mẹ chồng sang phòng và chửi em: "Cô nuôi con đã không khéo, giờ còn vì cô mà cháu tôi bị bệnh thế này. Tôi gửi cô về nhà mẹ đẻ. Còn cháu tôi, tôi cho uống sữa công thức còn nhanh lớn hơn sữa của cô". Mẹ chồng em nói xong thì gọi chồng em lên phòng rồi cứ thế lấy quần áo của em ném bỏ ra ngoài. Em ôm đống quần áo, chẳng biết đi đâu đành phải đi về nhà mẹ đẻ.
Em biết là do em bất cẩn, là lỗi tại em nên con em mới bị bệnh. Giờ không được gặp con để biết con bị ốm thế nào, em cũng xót xa lắm. Em bất lực quá, chẳng lẽ đúng như mẹ chồng và chồng em nói, em không xứng đáng được làm mẹ sao các chị?