Để có món mỳ Ý ngon mỹ mãn
Với sự du nhập của ẩm thực quốc tế, nhiều món ngon nước ngoài được biết đến và yêu thích ở nước ta, trong đó có món mỳ Ý. Mời bạn tham khảo cách chế biến món này nhé!
- Khi mua loại mỳ Ý khô trong siêu thị, bạn nên chọn loại được làm từ lúa mỳ cứng (durum wheat) thay vì loại lúa mỳ thông thường; loại này khi luộc lên ăn sẽ dai và ngon hơn là loại thông thường - dễ bị mềm và bở.
- Nếu có điều kiện, hãy mua mỳ Ý tươi, nếu không bạn cũng có thể tự làm mỳ Ý bằng bột mỳ. Có rất nhiều công thức để làm mỳ Ý tươi; và một khi đã ăn mỳ tươi thì chắc chắn bạn sẽ bị chinh phục hầu như ngay lập tức!
- Khi mua mỳ khô, hãy tránh các gói mỳ mà mỳ ở bên trong đã bị gãy, vỡ vụn hoặc có cảm giác một lớp bột được bao bên ngoài sợi mỳ - đó là dấu hiệu mỳ đã cũ và không còn ngon nữa.
- Mỳ Ý có độ nở khá lớn; chính vì vậy bạn cần định lượng một cách chuẩn xác khi nấu; nếu không sẽ bị thừa lại, ăn không ngon nữa. Với người châu Á, mỗi người sẽ ăn khoảng 80g mỳ; trong khi người Châu Âu - Mỹ ăn khoảng 120g mỳ một bữa. Đây là khối lượng mỳ khô, bạn có thể cân trước khi nấu nhé!
- Khi luộc mỳ, tỉ lệ nước chuẩn là 1lit nước cho 100g mỳ. Khi nước sôi, bạn cho muối vào nước với tỉ lệ cứ 1lit nước thêm 5g muối. Sau khi cho muối và hòa tan, bạn bật lửa to để nước sôi bùng lên rồi thả mỳ vào.
- Nhiều người thường có thói quen cho một ít dầu ăn vào nước luộc mỳ với lý do giúp các sợi mỳ không dính bết vào nhau khi làm ráo mỳ; tuy nhiên việc này không thực sự có tác dụng tốt như họ mong muốn. Nếu muốn các sợi mỳ không dính, bạn có thể trộn một ít dầu ô liu vào mỳ khi chúng đã ráo nước; và sau đó tiếp tục trộn sốt ăn kèm vào thì sẽ tốt hơn.
- Trong tiếng Ý, khái niệm Al-dente dùng để chỉ mỳ vừa chín tới; có nghĩa là mềm nhưng vẫn có độ dai, chắc - cắn vào sợi mỳ bạn sẽ thấy hơi dẻo dẻo mà không bị sượng. Đây là lúc bạn nên vớt mỳ ra khỏi nồi nước luộc, mỳ sẽ tiếp tục chín thêm là vừa ăn. Tuy nhiên nếu nấu cho trẻ nhỏ thì bạn nên đun thêm khoảng 1-2 phút nữa để mỳ mềm hơn, dễ ăn hơn đối với các bé.
- Nếu chẳng may bạn luộc mỳ quá kỹ, hãy vớt nó ra và dùng nước lạnh dội ngay vào mỳ, mỳ sẽ cứng lại hơn một chút.
- Trước khi dội sốt, bạn cần làm mỳ càng ráo càng tốt. Luôn luôn chuẩn bị sốt dùng để ăn kèm mỳ trước khi luộc mỳ; để ngay sau khi mỳ chín bạn làm ráo và dội sốt lên luôn thì bạn sẽ có món mỳ Ý nóng hổi thơm ngon. Sốt chỉ nên vừa đủ bao lấy sợi mỳ chứ không nên đổ sốt ngập mỳ.
- Nguyên tắc nhỏ cho sự kết hợp mỳ và sốt: các loại sợi mỳ dài thì hợp với sốt sánh, mịn; còn các loại mỳ ngắn như mỳ xoắn, mỳ nơ... sẽ hợp với các loại sốt đặc hơn.
- Nhiều người có thói quen bày mỳ Ý vào đĩa để ăn; tuy nhiên nếu ở nhà bạn nên dùng bát / tô - chúng giúp giữ nhiệt tốt hơn và món mỳ của bạn sẽ nóng lâu hơn, nhờ đó mà trở ngon và dễ ăn hơn.