Để chị em dễ dàng thụ thai lần 2

,
Chia sẻ

Rất nhiều chị em đã gửi thư về aFamily tâm sự lần 2 mà khó thụ thai thế. Hãy nghe Th.S, bác sỹ Mai Trọng Hưng (Khoa Đẻ - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) tư vấn nhé!

 Khả năng thụ thai sau sinh

Thông thường, sau khi sinh, nếu hai vợ chồng sinh hoạt đều đặn trong vòng 1 năm, không dùng bất kỳ các biện pháp tránh thai nào, mà không thụ thai, chị em phải đi khám bác sỹ. Đó là biểu hiện có nguy cơ vô sinh thứ phát. Hiện tượng vô sinh thứ phát dễ xảy ra với những người đã từng có thai, chửa ngoài tử cung, sẩy thai sau đó muốn có thai lại mà không được. Hiện tượng này có thể xảy ra với cả nam giới.

Với những cặp vợ chồng dùng các biện pháp tránh thai như uống thuốc tránh thai, sẽ không bị ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản, thụ thai nếu dùng theo đúng liều lượng quy định. Thông thường, các bác sỹ khuyến cáo chị em nên dùng thuốc tránh thai trong một thời gian từ 18 – 24 tháng, sau đó nghỉ 3 tháng rồi dùng tiếp. Khi nào muốn có con, chỉ cần ngưng dùng thuốc, sẽ thụ thai ngay.

Nguyên nhân khó thụ thai lần 2

Sau khi sinh, tử cung của người phụ nữ bị can thiệp bằng các biện pháp từ bên ngoài như tác động vào cổ tử cung, vòi trứng buồng trứng... Các nghiên cứu cho thấy các chị em sau khi mổ đẻ, khả năng thụ thai ít hơn sinh thường.

Hiện nay, các chị em để sau một vài năm mới sinh tiếp lần hai, nhưng lại khó có con, thông thường do hai yêu tố sau:

-          Do tổn thương, viêm cơ học như gãy buồng trứng, tắc nghẽn vòi trứng, viêm nhiễm bộ phận sinh dục.

-          Do bị stress, căng thẳng, có yếu tố tâm sinh lý tác động vào con người.

Thông thường, nguyên nhân gây nên hiện tượng khó có con đều do từ phía chị em. Đối với các ông chồng, muốn kiểm tra khả năng có con, chỉ cần làm tinh dịch đồ, sau 5 phút biết kết quả. Còn với chị em, phải khám và điều trị phức tạp gấp nhiều lần.
Niềm vui "2 vạch"

Các hiện tượng chị em khó có con gặp phải nhiều nhất là do bị tổn thương vòi trứng.  Vòi trứng có chức năng rất quan trọng trong quá trình thụ tinh. Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung và cũng là nơi noãn thụ tinh và sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung.

Đoạn loa của vòi trứng có cấu trúc gồm 10-12 tua, các tua này sẽ đón bắt và hứng noãn đưa vào vòi trứng. Vì vậy, vòi trứng cần phải thông đồng thời phải mềm mại di động dễ dàng mới có nhiều khả năng đón bắt noãn, di chuyển noãn, tinh trùng và trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung. Có một số tình trạng bệnh lý như lạc nội mạc tử cung trong vùng chậu, viêm vùng chậu do Chlamydia… gây dính, tắc vòi trứng.
 
Tình trạng tắc tai vò trứng

Để chẩn đoán tình trạng tắc vòi trứng, các bác sỹ sẽ chỉ định chụp tử cung - vòi trứng cản quang. Kết quả này sẽ cho biết tình trạng tử cung và vòi trứng. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp kết quả dương tính giả nghĩa là kết luận tắc vòi trứng nhưng thật sự không tắc. Nguyên nhân là do sự co thắt khi bơm thuốc cản quang.

Để khắc phục tình trạng này, có thể dùng phương pháp mổ nội soi, một phương pháp phẫu thuật giúp quan sát tử cung - buồng tử cung và tai vòi một cách đầy đủ và chính xác. Khi xác định có tắc vòi trứng, bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá mức độ tổn thương. Nếu mức độ nhẹ tức là tai vòi dính ít, còn di động thì bác sĩ sẽ tái tạo vòi trứng và kiểm tra lại khả năng thông thương.

Nhưng nếu tổn thương quá nặng thì sẽ có khuyến cáo kẹp đốt hay cắt luôn 2 tai vòi để giảm nguy cơ thai ngoài tử cung khi thụ tinh ống nghiệm. Khi mổ nội soi, tử cung cung được đánh giá về kích thước, về lòng tử cung có vách ngăn hay viêm dính để tìm các yếu tố có khả năng gây sảy thai hay sanh non. Đặc biệt hơn, khi mổ nội soi 2 buồng trứng sẽ được đánh giá về kích thước, có phóng noãn hay không và có khối u… Nếu tình trạng tắc vòi trứng quá nặng, có khả năng phải thụ tinh ống nghiệm.

Trước đây, bệnh viện Việt  Pháp đã dùng phương pháp bơm thông hơi vòi trứng nhưng hiện tại không dùng nữa. Vì phương pháp này không hiệu quả, chưa chắc đã khắc phục được vấn đề nhưng lại có thể làm tổn thương vòi trứng do tác động bơm dị vật từ bên ngoài vào.

Nhiều chị em mong muốn sớm có con, đã dùng các biện pháp như dùng que thử rụng trứng, tính ngày, đo thân nhiệt... nhưng khó cho kết quả chính xác. Thông thường, trứng rụng ở giữa chu kỳ kinh đều. Các chị em nên đi siêu rụng trứng từ ngày thứ 11, 12 của chu kỳ và nhờ  bác sỹ tư vấn sẽ thụ thai một cách tốt hơn.

Bên cạnh đó, các ảnh hưởng như viêm nhiễm cổ tử cung, đặc biệt là ảnh hưởng của các thủ thuật (nạo hút, đốt việm lội tuyến tử cung) sẽ ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh trùng, khó thụ thai.

Các chị em cũng nên để tinh thần thoải mái tránh lo lắng ảnh hưởng tới họat động của buồng trứng, sẽ dễ thụ thai hơn.

Lời khuyên chung của bác sỹ:

-          Sau khi sinh lần 1 sáu tháng, chị em nên đi khám bác sỹ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình.

-          Tránh để viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm cổ tử cung, khó có con lần 2.

-          Khi gặp hiện tượng gì bất thường về tình trạng sức khỏe, cần đi khám bác sỹ ngay. Nên đi khám định toàn bộ cơ thể từ 6 – 12 tháng/lần.

-          Nên kế hoạch bằng bao cao su hoặc dùng thuốc tránh thai, sẽ ít bị ảnh hưởng hơn với lần thụ thai thứ 2.

-          Tùy theo nhu cầu có em bé, sau 1 năm, kể cả sinh thường hay mổ đẻ, đều có thể có thai.

-          Nếu muốn có con lần 2 mà khó thụ thai, nên đến khám bác sỹ để được tư vấn cụ thể và chi tiết.

Bài viết có sự tư vấn của Thạc sỹ, bác sỹ Mai Trọng Hưng (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) – phòng khám 35 Vạn Bảo (Hà Nội).

Nam Hải

Chia sẻ