ĐBQH: Tuỳ tiện đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, hậu quả khôn lường

HÀ CƯỜNG/VTC NEWS,
Chia sẻ

Theo đại biểu Quốc hội, việc các trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y là tùy tiện, không có căn cứ thuyết phục, đáng lo ngại chất lượng đào tạo.

Trao đổi bên hành lang Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc các trường "phá bỏ" những tổ hợp truyền thống như Toán, Hoá, Sinh để đưa môn Văn vào cần nghiên cứu kỹ, không nên tuỳ tiện, hệ quả rất khôn lường, có thể tận 6 - 7 năm nữa mới thấy.

Nữ đại biểu TP.HCM nói các trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa không sai nhưng không thoả đáng, làm dấy lên nghi ngại từ xã hội. Các trường chưa đưa ra căn cứ hay lý lẽ thuyết phục việc sinh viên ngành Y giỏi môn Văn sẽ tốt hơn những em giỏi khoa học tự nhiên.

Bà Lan kiến nghị hai điểm tới Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế. Thứ nhất, nếu chấp nhận tuyển sinh đầu vào ngành Y bằng môn Văn thì phải siết thật chặt chuẩn đâu ra, "không mặc định cứ thi vào được là sẽ tốt nghiệp, làm vậy là chết người". Thứ hai, các trường và hai Bộ cần đưa ra bảng đánh giá, khảo sát công khai về lý do tuyển sinh ngành Y có môn Văn để xã hội thấy thuyết phục, tránh điều tiếng, nghi hoặc.

ĐBQH: Tuỳ tiện đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, hậu quả khôn lường - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu trung ương bày tỏ, nếu nói về sự quan trọng thì môn Văn rất quan trọng đối với ngành Y. Cả cuộc đời ông, sống có đức, tình người, có lẽ cũng phần nhiều được nuôi dưỡng từ sự am hiểu về văn học nghệ thuật. Cũng không nên áp đặt, chỉ môn khoa học tự nhiên mới có năng lực tư duy logic, quan niệm như thế là chưa chính xác.

Tuy nhiên, không thể đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y tùy tiện. Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, các trường cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn.

"Thời điểm này, tôi không thể nhận định việc đưa môn Văn vào để xét tuyển ngành Y là tốt hay không tốt. Trước sự thay đổi lớn như vậy, cần thảo luận, bàn luận và quyết định phải dựa trên căn cứ khoa học” , GS Nguyễn Anh Trí nói.

Nêu quan điểm ngành Y liên quan đến tính mạng con người, không thể tuyển sinh bất chấp, đào tạo chạy theo số lượng, mà chất lượng phải là số một, vị đại biểu Hà Nội này nhấn mạnh đến chất lượng tuyển chọn đầu vào. Một điều khiến ông rất tâm tư hiện nay là tình trạng loạn trong đào tạo bác sĩ, y khoa, điều đó dẫn đến chất lượng đầu ra không được đảm bảo.

ĐBQH: Tuỳ tiện đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y, hậu quả khôn lường - Ảnh 2.

Sinh viên thực hành tại bệnh viện. (Ảnh minh hoạ: Đ.N)

“Riêng với ngành Y, người kém và không có trái tim thương yêu bệnh nhân là tuyệt đối không được làm. Ngay cả với học trò của tôi, có trường hợp tôi nói thẳng, em không làm được bác sĩ, em nên tìm một nghề khác mà làm”, GS Nguyễn Anh Trí nói và nhắc lại, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần dựa trên căn cứ khoa học, có quy trình, chứ không phải đột ngột như cách các trường đang làm.

Mùa tuyển sinh đại học 2023, trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) năm 2023 có 3 tổ hợp truyền thống A00, B00 và D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh).

Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y khoa.

Trường Đại học Duy Tân cũng xét tuyển ngành Y bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08.

Nên quy định tổ hợp xét tuyển ngành Sức khoẻ

Lãnh đạo một trường đại học khối ngành Y Dược cho biết, hiện quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT ban hành, đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với 2 khối ngành Sư phạm và Sức khoẻ. Để đảm bảo chất lượng đầu vào với hai ngành này, Bộ nên quy định thêm những tổ hợp cứng các trường được phép dùng để tuyển sinh. Ví dụ, ngành Sức khoẻ tuyển sinh bắt buộc có các môn Sinh, Hoá, Toán, điều này giúp giảm tỷ lệ các tổ hợp lạ xét tuyển tràn lan.

Đồng thời, cả Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế nên phối hợp để có giải pháp hợp lý, đừng để người học phải mất thời gian 6 năm trải nghiệm oan uổng, xa hơn là tính mạng con người, vị này đề xuất.


Chia sẻ