Từng đau đầu vì con nghịch 'không bình thường', bà mẹ Hà Nội đưa ra loạt giải pháp rèn con hiệu quả
Chị Liên từng nghĩ nếu con trai mình 6 tuổi mà đi học thế này thì 'chết' rồi. Ai sẽ quan tâm đây, cô nào dạy nổi, nếu vậy thì mẹ khổ cả đời rồi.
Là mẹ của hai cậu con trai, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) từng đau đầu vì chuyện con nghịch ngợm. Con thích nhảy nhót, hò hét, quậy phá, trêu bạn, bới tung đồ chơi. Nếu bắt học sẽ đi tè, đi uống nước, hoặc ngồi nhìn lên trời, hoặc nằm bò ra bàn hoặc vẽ....
Từ năm con trai 3 tuổi, chị đã cảm thấy bất ổn với cái sự nghịch "không bình thường" đó. Chị nghĩ nếu con trai mình 6 tuổi mà đi học thế này thì "chết" rồi, ai sẽ quan tâm đây, cô nào dạy nổi, nếu vậy thì mẹ khổ cả đời rồi.
Chị bắt tay vào thay đổi cục diện từ khi con 3 tuổi. Bà mẹ này chia lộ trình rèn con thành 2 giai đoạn:
1. Trước 6 tuổi
Chị đọc sách và tài liệu về trẻ tăng động, trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói chỉ để xem hướng dẫn con thế nào cho con hiểu. Vì theo chị, dạy được trẻ tăng động, trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói thì mọi đứa trẻ đều dạy được.
Đầu tiên chị cho con đọc sách mỗi ngày 15-30 phút trước khi đi ngủ. Lúc đầu con chị ghét lắm, cứ bảo mẹ đừng đọc, vì con không thể tĩnh để mà nghe nổi sách. Vậy là chị "chế" truyện siêu nhân, rồi vừa phải kể vừa phải diễn cho con thích. Số đầu truyện chị kể cho con có đến vài trăm, vốn liếng có bao nhiêu lôi ra kể hết. Rồi chị dẫn dắt vào sách, mới đầu 2 trang, 3 trang, 4 trang rồi cả quyển. Sau 2 năm con đã chịu lật sách ra nhìn tranh và bắt mẹ đọc.
Việc thứ 2 là ngồi bàn, mẹ cùng với con học ở mọi nơi với bàn gập di động, bất kỳ chỗ nào cần học trong nhà là dở bàn ra ngồi. Con làm quen với bàn hàng ngày khi thì tô màu, khi làm IQ, khi học tiếng anh, khi nặn đất, khi chơi game giáo dục thông minh. Việc ngồi bàn và chơi với môn học trên bàn diễn ra thường xuyên và liên tục nên đến khi 6 tuổi con ngồi bàn được 60 đến 90 phút.
Việc thứ 3 là giao nhiệm vụ và nhận nhiệm vụ. Hai con trai nhà chị chuyên "giả vờ điếc" để không nghe lời mọi người. Các em cũng có vấn đề về hiểu câu nói của người khác nên không biết làm thế nào. Chị nghĩ ra các trò chơi và luật chơi từ dễ đến khó cho con chơi, rồi rủ bạn bè của con đến chơi để con học qua giao tiếp với các bạn và biết tuân thủ nguyên tắc nhóm. Nhà chị luôn có đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp và luôn niềm nở đón tiếp những bạn nhỏ.
Việc thứ 4 là tập Piano, học ngôn ngữ 2 chậm nhất là từ khi 4 tuổi. Chị Liên cho rằng, mình cho con tập không phải để học nhạc, mà là để "hãm" con khỏi cái sự nghịch và rèn cho con tập trung. Mỗi ngày đều đăn 20-30 phút. Và chị đã tập cùng con Piano 2 năm để hiểu chỗ khó và cùng con vượt qua. Tiếng Anh chị cũng học cùng con và giờ con lớn tiếng Anh tốt hơn mẹ.
2. Từ 6 tuổi
Đến khi con 6 tuổi đi học và các cô dạy đọc (chị không cho con học trước), biết đọc, chị giao đọc Tiếng Anh và Tiếng Việt như một nhiệm vụ bắt buộc hàng ngày. Đầu tiên mỗi tuần 1 câu chuyện rồi tăng dần mỗi ngày 1 câu chuyện. Đọc rồi chị kiểm tra xem hiểu đến đâu rồi trả lời câu hỏi do mẹ đưa ra. Khi đã đọc là phải đọc nhuyễn, nhớ câu và kể lại được, trả lời được các câu hỏi của mẹ về quyển sách.
Ngoài đọc sách kiến thức, chị cho con tự đọc sách toán và làm bài tập hàng ngày. Chị sẽ tổng kết và chữa các lỗi sai về kiến thức. Nếu Toán có thể tự đọc và hiểu thì không có gì không học được. Giờ song song với Toán Mỹ ở trường, ở nhà con tự học toán Việt Nam.
Cũng từ 6 tuổi chị giao việc nhà cho 2 bé vào các ngày nghỉ, dạy 2 bé nấu ăn...
Để tự học chị rèn con như sau:
6 tuổi chị bắt con trước khi học gì tự ghi ra check list mình cần làm gì 1 buổi tối. Học xong, làm xong cái gì tự làm tick vào, tick hết việc thì được chơi. Mới đầu cứ 15 phút, xong việc gì chị kiểm tra việc đó, sau vài tuần chị cũng tăng 30 phút kiểm tra, sau đó 60 phút mới kiểm tra, rồi bây giờ học xong mới kiểm tra.
Chị dạy con tự bật đĩa nghe, tự tra từ điển, tự tìm kiếm trên google để tìm hiểu cái gì không biết. Lớp 3 con tự sử dụng cho việc học thành thạo. Trên mặt bàn có 1 cái đồng hồ báo thức để chị đặt thời gian kết thúc 1 công việc, đỡ lề mề. 9 tuổi bắt đầu đi làm cho các dự án của mẹ. Thành quả của quá trình đồng hành của chị Liên là 2 con của chị sau đó tự giác học, ít mè nheo.
"Mình nhiều năm nuôi con tăng động ngỗ nghịch và trong hàng ngàn đứa trẻ mất tập trung mà mình đã tiếp xúc, đứa vượt qua được và trở về bình thường, thậm chí xuất sắc là những em có bố mẹ kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Rèn con tự học không khó, rèn nhân cách mới khó và quan trọng hơn. Chúc các bố mẹ sớm tìm ra giải pháp cho con mình", chị Liên nói.