Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất.
Theo đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.
Bộ cũng sớm thẩm định và ban hành chương trình này để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ việc dạy và học trong trường phổ thông.
Cũng theo thông tin từ báo chí, năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM, gồm tiểu học Nguyễn Du, tiểu học Khương Thượng, tiểu học Chu Văn An, tiểu học quốc tế Gateway và trường Việt Úc (TP HCM). Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai.
Điều này đang khiến dư luận rất băn khoăn, vì tiếng Anh mức độ phổ thông hơn các tiếng khác, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Việc đưa tiếng Trung, Nga, Nhật vào dạy như tiếng Anh và dạy sớm từ lớp 3, liệu có hiệu quả?
Để góp một tiếng nói cùng bạn đọc từ góc nhìn của người nghiên cứu và phát triển giáo dục, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn với ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục & trí tuệ Việt về vấn đề này.
ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục & Trí tuệ Việt (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thưa chị, mới đây Bộ Giáo dục & Đào tạo dự định đưa tiếng Trung, Nga, Nhật vào đào tạo từ lớp 3. Là chuyên gia nghiên cứu về giáo dục sớm, chị có suy nghĩ gì?
Về mặt khoa học, với trẻ em, việc tiếp xúc với ngôn ngữ sớm sẽ giúp vùng trí thông minh ngôn ngữ của trẻ được kích hoạt & khai mở. Ngôn ngữ là cánh cửa giúp trẻ bước vào thế giới tri thức rộng lớn của loài người.
Qua báo chí, internet, chúng ta không lạ gì với việc những em bé dưới 10 tuổi có khả năng nghe nói 3-4 thứ tiếng. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là học ngôn ngữ gì và phương pháp giảng dạy ra sao, đội ngũ giáo viên có đảm bảo cho việc phổ cập?
Tôi xin kể câu chuyện của một học sinh lớp 4 thích học tiếng Hàn và ngỏ ý nhờ cha mẹ tìm lớp tiếng Hàn (mặc dù con vẫn đang học tiếng Anh). Cha mẹ cũng loay hoay tìm người này người kia để hỏi mà chưa tìm được, vì đa số các lớp tiếng Hàn được giới thiệu là ngắn hạn và dạy cho đối tượng xuất khẩu lao động.
Sau đó, bố mẹ cháu trao đổi với một chị bạn người Hàn Quốc, chị có 7 năm học tiếng Việt tại thành phố Hồ Chí Minh, thành thạo cả 4 kỹ năng tiếng Việt, am hiểu văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, chị đã khuyên gia đình như sau: "Cháu còn nhỏ, không nên học tiếng Hàn mà nên học tiếng Anh trước, tiếng Hàn có thể học sau.
Tôi là người Hàn Quốc, tôi đã học tiếng Việt nên hiểu: cách phát âm tiếng Việt và tiếng Hàn, ngữ pháp... có nhiều điểm tương đồng. Khi học tiếng Hàn, trẻ quen cách phát âm tiếng Hàn (kiểu như tiếng Việt), sau này muốn chuyển qua học tiếng Anh sẽ khó uốn phát âm".
Nghe vậy, cha mẹ cháu cũng không cho học tiếng Hàn mà đầu tư cho cháu học tốt tiếng Anh, khi cháu rất tốt tiếng Anh rồi mới tính học tiếng Hàn.
Tiếng Hàn và tiếng Trung đều là ngôn ngữ tượng hình, cách phát âm và viết rất khác tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế). Để viết tiếng Trung hay tiếng Nhật ngay cả với học sinh đất nước họ cũng không hề đơn giản, huống chi với học sinh Việt Nam.
Mặt khác, nhìn lại đề án 9.400 tỷ đồng phổ cập tiếng Anh, sau 8 năm triển khai, riêng năm 2016, cả nước có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần, chiếm khoảng 20%.
Số còn lại tiếp cận với tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần. Vậy mà chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên vẫn rất kém. Thậm chí nhiều trường đại học không có chuẩn đầu ra tiếng Anh. Từ đó, dẫn đến thực trạng, nguồn lực lao động của Việt Nam yếu, thiếu và "thua ngay trên sân nhà" cũng vì không giao tiếp được bằng ngôn ngữ quốc tế - tiếng Anh.
Như vậy, khi giảng dạy tiếng Trung, Nga, Nhật… cho học sinh, bên cạnh nhiều yếu tố khác, chắc rằng rất nhiều phụ huynh sẽ vô cùng lo lắng về chất lượng đào tạo.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Lấy đâu ra đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để dạy cho các trường khi mà từ trước đến nay nguồn nhân lực này vốn không nhiều?
Lộ trình đào tạo giáo viên ra sao?
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy & học... có đảm bảo không?
Thời gian để trẻ từ lớp 3 học tiếng Trung, Nga, Nhật kéo dài 5 năm, 7 năm hay 10 năm?
Hệ thống nào kiểm soát, đo lường chất lượng từng năm học?
Hiện nay cả thế giới đang muốn thu hẹp khoảng cách bằng tiếng Anh thì việc dạy tiếng Trung sớm có đi ngược lại xu thế không?
Ngôn ngữ nào cũng quý, song phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi phương diện trước khi triển khai - dù là triển khai thí điểm hay đồng loạt.
Chúng ta không thể đem trẻ nhỏ ra làm chuột bạch như các thế hệ 7X, 8X trước đây.
Suốt 7 năm THCS, THPT học tiếng Nga, để rồi cũng chỉ vì không được đầu tư đến nơi đến chốn, chính sách đó đã gây lãng phí thời gian tuổi trẻ và lỡ làng cơ hội của hàng triệu người.
Dù trong đối ngoại, bang giao, kinh tế hay bất kỳ lĩnh vực nào; với việc giỏi Tiếng Anh, chúng ta khá dễ dàng thể tìm hiểu thông tin về đối tác, đàm phán, ký kết với các quốc gia trên thế giới.
Các ngôn ngữ khác nên xây dựng cơ chế tự chọn hoặc hoạch định theo vùng miền, khu vực, lĩnh vực, phân cấp đối tượng.
Ví dụ: các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, người dân nếu được dạy tiếng Trung sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc giao thương, phát triển kinh tế.
Qua thực tiễn đào tạo tiếng Anh sớm cho trẻ, chị có nhận xét gì về khả năng tiếp thu của trẻ?
Theo kết quả nghiên cứu về khả năng tiềm ẩn của não bộ, 6 năm đầu đời là thời kỳ vàng để trẻ tiếp nhận, học hỏi, khám phá rất tốt về thế giới.
Trong đó, nếu được dạy đúng phương pháp, liên tục, bền bỉ, trẻ có thể tự tin tiếp thu không chỉ tiếng Anh mà nhiều ngôn ngữ khác. Những trường hợp trẻ nói được nhiều ngôn ngữ trong 6 năm đầu đời là do trẻ được dạy đúng, có môi trường để nghe, nói- tương tác hàng ngày.
Chứ nếu chỉ học chay, không hội đủ các yếu tố cần thiết, thì học bất kỳ ngôn ngữ gì cũng khó khăn, nhất là tiếng Trung, Nhật là nhóm ngôn ngữ tượng hình.
Chị có nghĩ nên tập trung vào dạy tiếng Anh sớm cho trẻ hơn là dạy tiếng khác không?
Tôi tin, không chỉ riêng tôi nghĩ vậy mà đây là quan điểm tiến bộ chung của nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới chọn Tiếng Anh làm ngôn ngữ quốc tế.
Rõ ràng chúng ta đang sống trong thế giới phẳng mà lằn ranh giới giữa các quốc gia hầu như không còn. Ở Việt Nam, bạn có thể đăng ký kinh doanh tại Singapore, Mỹ. Ở Việt Nam, bạn vẫn có thể bán hàng cho công dân bất kỳ quốc gia nào thông qua internet và mạng xã hội.
Như vậy, xét ở góc độ phổ rộng, tiếng Anh có quá nhiều ưu thế. Song, như quan điểm xuyên suốt của tôi từ đầu, học bất kỳ ngôn ngữ gì cũng tốt, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo có khiến cho con trẻ Việt Nam tự tin sử dụng sau lộ trình đào tạo? Hay chúng ta cứ khơi lên, cứ hô hào rồi "đầu voi đuôi chuột"?
Cảm ơn chị!