Dạy thêm, học thêm có xấu?
Nhiều học sinh, giáo viên, chuyên gia đồng tình ủng hộ hoạt động dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, cần tìm cách quản lý thay vì cấm đoán cực đoan.
Bản chất dạy thêm, học thêm không xấu
Lê Hoàng Hà - học sinh lớp 12 (Việt Yên, Bắc Giang) không phản đối việc dạy thêm học thêm. Nữ sinh cho rằng, hoạt động này thực sự cần thiết và chân chính khi học sinh tự nguyện đi học.
Hàng tuần, ngoài giờ học thêm chính khoá trên lớp, Hà đăng ký học thêm tất cả các buổi chiều ở trường, đồng thời học thêm 6 buổi/3 môn (Toán, Lý, Hoá) ở nhà cô vào các buổi tối. Lịch học kín mít cả tuần nhưng nữ sinh không phàn nàn, coi đây là trách nhiệm của bản thân.
"Muốn đỗ vào trường Đại học Kinh tế quốc dân như mong muốn thì việc học tập, ôn luyện cường độ cao là điều hiển nhiên. Chỉ nguyên kiến thức ở trên lớp hay trong sách giáo khoa là không đủ, em cần rèn luyện kỹ năng xử lý câu hỏi, luyện đề.... điều đó chỉ có thể có được qua việc học thêm", nữ sinh nói.
Thời lượng mỗi tiết ở lớp chỉ 45 phút, gói gọn giới thiệu kiến thức, một vài câu hỏi bài tập nhỏ vận dụng, muốn hiểu chuyên sâu hơn, giải được nhiều dạng bài tập liên quan hơn, bắt buộc phải học thêm.
Hà cho rằng, việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của chúng em. Nếu để cô giáo giao bài tập về nhà tự làm, không đi học thêm thì học sinh sẽ rất chật vật tự học, tự tìm tòi mới giải được các dạng bài này.
Chị Bùi Ánh Ngọc (44 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) ngày ngày vượt hơn 40km quanh thành phố để đưa hai con đến nhà cô giáo học thêm. Con lớn lớp 11, con nhỏ lớp 6, gần như lịch học thêm kín tuần. Dù vất vả trong việc đón đưa, chăm sóc và đóng tiền học thêm cho con, nhưng chị vẫn rất tự nguyện vì hiểu rằng nếu không học thêm, con sẽ kém đi.
Chị Ngọc và chồng đều làm công nhân trong xí nghiệp, trình độ học vấn không cao, cả 2 chỉ tốt nghiệp cao đẳng nghề. Trong khi đó chương trình giáo dục không ngừng đổi mới, khác xa với những kiến thức trước đây chị được dạy, nếu để gia đình tự dạy dỗ, kèm cặp con ở nhà thì gần như không thể.
"Năm ngoái, khi đang học lớp 5, con tôi từng hỏi một bài toán khó, hai vợ chồng loay hoay cả buổi tối, thậm chí tìm khắp cõi mạng cũng chưa giải được, đành bó tay. Sau mỗi lần như vậy, tôi mới nghiệm ra rằng, kiến thức thời nay đã khác, các con cũng đang phải gánh nhiều áp lực bài tập. Không người kèm cặp, chỉ bảo đúng cách, chúng sẽ ngày càng học kém", chị nhớ lại. Đó cũng là lý do ngay khi con lên lớp 6, gia đình quyết định đăng ký cho con đi học thêm ở nhà cô giáo.
Từ ngày con đi học ở nhà cô, chị cũng yên tâm hơn phần nào, nhất là với đứa con gái lớn lớp 11, bước đệm quan trọng cho năm lớp 12 tới. Mỗi tháng gia đình chị chi khoảng 4 triệu đồng tiền học thêm cho 2 con, mức chi phí không nhỏ nhưng hoàn toàn có thể "vo véo" để đáp ứng đủ.
Dạy thêm không xấu nhưng vì sao bị lên án?
Là nhà giáo tâm huyết, gắn bó nhiều năm trong nghề, thầy Lưu Bá Hoàng (giáo viên THPT ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, bản chất việc dạy thêm là không xấu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay khá nặng, học sinh phải học rất nhiều môn học cùng lúc, đối mặt với rất nhiều kỳ thi căng thẳng, áp lực như thi vào lớp chọn, thi vào trường chuyên, thi đại học… Trong khi đó, với thời gian học trên lớp, giáo viên chỉ có thể đáp ứng lượng kiến thức cơ bản.
Nhu cầu tìm đến các lớp học thêm để bổ sung, bồi dưỡng thêm kiến thức của học sinh và phụ huynh là có. Trên phương diện này, dạy thêm lại giúp học sinh củng cố, mở rộng kiến thức, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi mang tính chất tuyển chọn cao.
Với 18 năm kinh nghiệm dạy học, ôn thi cho hàng nghìn học sinh đỗ các trường đại học top đầu về y dược, kinh tế, công nghệ thông tin... thầy Hoàng phân tích thêm, không phải giáo viên nào cũng đông học sinh đến học. Các em ngày nay rất thông minh, chỉ tìm đến những thầy cô truyền thụ kiến thức dễ hiểu, phù hợp với mục tiêu của bản thân và đông đảo các lứa học sinh đi trước đỗ đạt. Giáo viên nào ép các em đi học thêm mà chất lượng không tốt cũng chỉ được thời gian ngắn, càng về sau các em sẽ chán, từ bỏ.
"Như mọi ngành nghề khác, giáo viên cũng có quyền kiếm thêm thu nhập bằng việc làm ngoài giờ. Nhà giáo cũng đang miệt mài đem tri thức đổi lấy học phí chính đáng ngoài giờ lên lớp", ông nói.
Nhìn nhận khách quan, cô Huỳnh Thị Mai Hoa thẳng thắn nêu, bản chất dạy thêm, học thêm không xấu nhưng luôn vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận, thậm chí là người ta tẩy chay, mạt sát là có lý do.
Một bộ phận nhà giáo hiện nay bỏ bê việc học trên lớp để tìm cách lôi kéo học sinh đến lớp học thêm nhằm cải thiện thu nhập. Những cuộc họp phụ huynh đầu năm, thấy cô yêu cầu học sinh tự học, tự luyện rồi ra đề kiểm tra quá khó khiến học sinh điểm thấp. Không còn cách nào khác, học sinh phải ôm cặp đến lớp học thêm, phụ huynh chịu gánh nặng học phí.
Đáng buồn hơn, có giáo viên cố tình "găm bài", "gạ đề" để níu chân người học trong lớp học thêm. Hiện tượng phân biệt đối xử với trò có học thêm và không học thêm không hiếm..
Cô Hoa cho rằng, ngành nghề nào cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng cũng không vì thế mà lên án kịch liệt cấm dạy thêm, học thêm, cần nhìn nhận đa chiều hơn từ xã hội, đặc biệt các nhà nhà quản lý giáo dục thay vì cấm đoán, lên án như một tệ nạn xã hội.
Nghịch lý 'không quản được thì cấm'
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần tìm căn nguyên của vấn đề dạy thêm, học thêm.
Từ trước tới nay chúng ta tiếp cận vấn đề này như một vấn nạn, bị cấm. Nhiều nơi "mật phục" để "bắt" các trường hợp dạy thêm, xử lý, xử phạt. Cách ứng xử với nhà giáo như thế này chưa phù hợp và cần có cách quản lý khác, đánh giá đúng tác dụng, ý nghĩa của dạy thêm trong giáo dục và nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.
"Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm có phần nhờ học thêm", ô ng dẫn chứng và nói, tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục không được. Do đó, giải quyết vấn đề dạy thêm cần nắm được căn nguyên, dạy thêm xuất phát từ việc đời sống, thu nhập của giáo viên quá thấp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai mong ngành giáo dục có giải pháp căn cơ về vấn đề này thay vì "không quản lý được thì cấm".
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng từng làm rõ vấn đề dạy thêm học thêm trước diễn đàn Quốc hội khoá XV. Bộ trưởng cho biết, việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài trường và cả những người không làm việc trong cơ sở giáo dục là nhu cầu không thể cấm được.
Trước đây Bộ GD&ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng Luật Đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong luật đầu tư.
Tuy nhiên, việc dạy thêm - học thêm mà nếu giáo viên bớt các nội dung giảng dạy chính thức, hoặc dạy trước nội dung trên lớp là bị cấm. Điều này nằm trong đạo đức nhà giáo và bị cấm. Nếu có các giáo viên dạy thêm như vậy thì mới là điều cần lên án, Bộ trưởng nêu.