"Gửi con học thêm cô chủ nhiệm, kết quả học tập tự khắc sẽ giỏi"

Hà Cường/VTC News,
Chia sẻ

Nhiều gia đình không mấy khá giả vẫn "cắn răng" nhịn ăn nhịn tiêu cho con đi học thêm mà không quan tâm đến chất lượng, chỉ mong cô giáo không "đì" con mình.

"Mong gia đình cần kèm cặp, theo sát con hơn. Con không tập trung, lực học đứng trong top cuối lớp", chị Trần Phương Thảo (39 tuổi, Tương Mai, Hà Nội) sốt sắng cho chồng xem tin nhắn đánh giá từ cô giáo chủ nhiệm gửi tình hình học tập của con.

Năm học mới bắt đầu được 3 tuần thì cũng là 3 tuần liên tiếp, chị Thảo nhận được nhận xét như vậy của cô giáo về con trai. Minh năm nay lên lớp 2, là đứa trẻ thông minh, hoạt ngôn và hoà đồng với bạn bè, nhưng lực học của con luôn được cô giáo đánh giá không cao.

Một phụ huynh có con cùng lớp Minh thủ thỉ khuyên chị Thảo hãy gửi con đến nhà cô giáo học thêm mỗi tối, tự khắc con sẽ giỏi lên. Để thuyết phục hơn, chị ấy chụp kết quả học tập của con trai gửi cho mình xem. Học kỳ 1 năm lớp 1 con chị được cô nhận xét lực học đạt loại khá, nhận thức còn chậm. Từ sau khi gửi con sang nhà cô giáo, học kỳ 2 tự nhiên sức học của học trò bật hẳn lên, được học sinh giỏi xuất sắc.

Chị Thảo bàn bạc với chồng để ra quyết định gửi gắm cô kèm thêm cho con ở nhà vào các buổi tối trong tuần.

'Gửi con học thêm cô chủ nhiệm, kết quả học tập tự khắc sẽ giỏi' - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm để không "lạc lõng với bạn bè'. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Ngay khi đặt vấn đề trên, giáo viên chủ nhiệm của con trai thêm chị Thảo vào nhóm Zalo thông báo lịch học thêm. "Tôi ngạc nhiên vì 2/3 thành viên của nhóm đều là phụ huynh lớp con mình, tưởng chừng như đến một thế giới khác", nữ phụ huynh kể. Lớp học thêm tại nhà cô chủ nhiệm được duy trì ngay từ năm lớp 1.

Lớp học thêm diễn ra tuần 4 buổi chia đều 2 môn Toán, Tiếng Việt, mức học phí 120.000 đồng/buổi, với tổng số 36 học sinh. Cô cũng thông báo đến gần các ngày thi giữa kỳ và cuối học kỳ, số buổi sẽ tăng tốc lên 6 buổi/tuần để rèn cho học sinh đạt kết quả cao nhất, thấy rõ sự tiến bộ.

"Đăng ký cho con học xong mà cả tôi và chồng đều xuýt xoa về thu nhập trung bình của cô giáo - một tháng gần 70 triệu đồng - gấp 3 lần tổng thu nhập của cả gia đình tôi cộng lại", chị Thảo chia sẻ. Riêng với Minh, mỗi tháng gia đình đầu tư gần 2 triệu đồng tiền học thêm, một năm 10 tháng là 20 triệu đồng.

Nữ phụ huynh này có phần ái ngại khi lương 2 vợ chồng chưa cao, giờ gồng gánh cả 2 đứa con đi học thêm, kinh tế vốn đã không mấy dư dả nay càng phải thắt chặt hơn. Chị cũng động viên chồng cố gắng tăng ca thêm giờ, đảm bảo cho con đi học thêm ở nhà cô các buổi tối. "Thà tốn chút tiền đi học thêm còn hơn bị cô giáo soi và bài ca nhận xét học kém mỗi ngày", chị nói.

Có nên cho con đi học thêm?

Theo học lớp dạy thêm của cô chủ nhiệm từ năm con học lớp 3, đến nay con anh Trần Văn Thuỷ (41 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã lên lớp 5. Anh nhẩm tính, năm con lớp 3, tiền học 100.000 đồng/buổi, tuần 3 buổi. Lên đến lớp 4, cô lấy lý do vật giá leo thang, tiền trượt giá nên phải tăng lên 130.000 đồng/buổi, tuần 3 buổi.

Đỉnh điểm, năm nay, vừa mới đầu năm học, cô nhắn tin thông báo cho các phụ huynh đăng ký học thêm luôn các lớp Toán và tiếng Anh tại nhà cô và cô sẽ mời giáo viên ở trường về dạy. Đồng thời tiền học thêm tăng lên 180.000 đồng/buổi. Một tuần các con học 6 buổi với lý do năm học cuối cấp, thời gian ôn luyện nhiều hơn, bồi dưỡng thêm cho học sinh đủ kiến thức có thể đỗ vào những trường top đầu.

Anh Thuỷ và vợ mở quầy hàng tạp hoá ở chợ, túc tắc bán hàng mỗi ngày. "Ngày nào đông khách thì lời vài trăm nghìn, ngày nào vắng khách thì đủ tiền ăn cho gia đình cũng là mừng. Đến nay, tiền học thêm cho con tăng vọt lên 180.000 đồng/buổi, trung bình tháng tiêu tốn hơn 4,3 triệu đồng cho con gái út, gánh nặng rất lớn với gia đình", anh nói.

Không ít lần anh Thuỷ bàn với vợ hay thôi không cho con theo học nhà cô chủ nhiệm nữa đỡ tốn kém phần nào. Nhưng rồi họ vẫn quyết định vẫn cho con theo học, vừa yên tâm kiến thức, cô lại ưu ái, có học bạ đẹp, vừa cũng mong con có thể vào cấp 2 tốt hơn.

Năm học lớp 1, 2 lực học của con đứng cuối lớp, điểm kiểm tra Toán, Tiếng Việt chỉ được 7 - 8 điểm. Thế nhưng từ sau khi gửi con đến nhà cô học, không bài thi nào của con dưới điểm 9, học bạ đẹp long lanh toàn 10, lời phê chăm ngoan giỏi... khiến anh cũng tự hào hơn.

'Gửi con học thêm cô chủ nhiệm, kết quả học tập tự khắc sẽ giỏi' - Ảnh 2.

Nhiều giáo viên cho rằng, tự bản thân phụ huynh không muốn con thua kém bạn bè nên mới nhờ cô kèm giúp. (Ảnh minh họa: Báo Cao Bằng)

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Huệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ từng chứng kiến nhiều phụ huynh than thở, phàn nàn về chuyện học thêm của con cái. Mọi người đều cho rằng việc học thêm, chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của cô giáo. Những giáo viên này “đánh” trúng tâm lý của cha mẹ các em khi nói rằng con họ học yếu, khó đuổi kịp các bạn, vào cấp 2 sẽ mất “đà”.

Trong khi đó, nhiều giáo viên lại phản biện, học thêm là do nhu cầu của phụ huynh. Tự bản thân phụ huynh không muốn con thua kém bạn bè nên mới nhờ cô kèm giúp. Có cầu, ắt có cung là điều khó tránh khỏi.

"Cuộc chiến" đúng - sai trong dạy thêm học thêm có lẽ không bao giờ có hồi kết, thiệt thòi luôn "đổ xuống" đầu những đứa trẻ khi không có chút thời gian nào được sống với tuổi thơ đúng nghĩa.

"Công bằng mà nói cũng có học sinh không cần học thêm mà vẫn thi đỗ điểm cao. Tuy nhiên số đó rất ít và thực sự đó là những em có ý thức, khả năng tự học, được dạy dỗ, rèn luyện cẩn thận từ khi còn nhỏ, Còn lại số đông thì phải học thêm, khổ luyện thật sự mới mong đỗ cấp 2, cấp 3 trường top...", TS Huệ nói.

Cô Trần Thu Loan (giáo viên dạy Văn ở Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, việc cho con đi học thêm quá nhiều dễ khiến các em ỷ lại, lười suy nghĩ mà trông chờ vào việc kèm cặp, ôn luyện của giáo viên... Bên cạnh đó, học sinh tiểu học đang trong độ tuổi phát triển cả về trí tuệ và thể chất, khả năng tập trung còn thấp, mặc dù hoạt động chủ đạo đã chuyển từ vui chơi sang học tập, song chủ yếu vẫn là hình thức vừa học vừa chơi.

Mặt khác, việc ép con học quá nhiều sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần, trẻ sợ học và càng lười học hơn. Khi bị ép buộc, các em sẽ học máy móc và thụ động. Vì không có niềm yêu thích và say mê nên các em tư duy chống đối, coi việc học như một nhiệm vụ khó khăn. Chính điều đó làm hạn chế khả năng sáng tạo và phát triển tư duy ở trẻ.

Vì vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy ngừng tâm lý sợ con không bằng bạn bằng bè, sợ bị cô đì... rồi cố ép bé đi học thêm. Việc học thêm chưa biết có mang lại lợi ích thực sự hay không, chỉ biết rằng có những đứa trẻ chỉ nghe thấy chữ “học” thôi đã thấy sợ hãi và run rẩy, cô Loan khuyên.

Chia sẻ