Đẩy lùi gan nhiễm mỡ bằng món ăn quen thuộc với người Việt
Một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra món ăn có khả năng đẩy lùi gan nhiễm mỡ ngay cả khi kết hợp với một chế độ ăn thiếu lành mạnh.
Theo bài công bố trên tạp chí y học Nutrients, một loài cây họ đậu tên Phaseolus vulgaris có khả năng tác động đến cơ chế sinh học của bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD).
Phaseolus vulgaris rất quen thuộc với ẩm thực nhiều quốc gia, bao gồm người Việt. Nó có thể được chế biến thành món ăn dưới dạng non, gọi là đậu que hay đậu cô-ve, hoặc lấy hạt.
Tùy vào giống, hạt của loài cây này có thể cho ra các loại hạt có màu và kích cỡ khác biệt, ví dụ như đậu trắng, đậu thận, đậu cúc...
Trong nghiên cứu mới, nhóm tác giả từ Đại học bang Colorado và Đại học Utah (Mỹ) đã thử nghiệm trên một nhóm chuột.
Chúng được phân bố ngẫu nhiên theo các chế độ ăn khác nhau với lượng đậu tiêu thụ khác nhau. Các chế độ ăn này đều không lành mạnh, có khả năng gây béo phì và các vấn đề chuyển hóa khác.
Kết quả cho thấy việc ăn đậu có thể tác động đến các con đường chuyển hóa lipid (mỡ) trong gan thông qua việc điều chỉnh các gene liên quan đến chuyển hóa ceramide theo chiều hướng tích cực.
Ceramide là một loại chất béo có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình sinh học của tế bào, bao gồm: tăng sinh tế bào, biệt hóa tế bào, làm chết tế bào theo chương trình và viêm nhiễm.
Nó được xem như một phân tử tín hiệu quan trọng, tham gia vào việc điều hòa nhiều con đường tín hiệu khác nhau trong tế bào.
Trong bệnh gan nhiễm mỡ, sự tồn tại của ceramide ở nồng độ cao có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, viêm gan, góp phần vào sự xơ hóa gan, tăng sinh các mối liên kết...
Việc ăn đậu giúp khống chế các tác động bất lợi này. Hiệu quả lớn nhất được quan sát ở những con chuột có tỉ lệ đậu trong bữa ăn cao nhất.
Vì vậy, các tác giả kết luận rằng áp dụng các chế độ ăn uống giàu đậu có thể mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các vấn đề về béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ trong xã hội hiện đại.