Nữ bác học người Việt vang danh thế giới: Tên được đặt cho một tiểu hành tinh, hiện tại đảm nhiệm công việc bất ngờ
Bằng sự can đảm và nỗ lực không ngừng, nữ giáo sư đã tạo dựng thành công, ghi tên vào bản đồ thiên văn học thế giới.
Nhắc đến những tên tuổi gốc Việt nổi tiếng trên thế giới, Lưu Lệ Hằng là cái tên không thể bỏ qua. Là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn (vốn được coi là Giải Nobel trong lĩnh vực Vật lý thiên văn), giáo sư Lưu Lệ Hằng góp phần phát hiện 31 tiểu hành tinh. Tên tuổi của bà vang danh thế giới sau khi phát hiện Vành đai Kuiper – một vùng chứa hàng trăm triệu vật thể bằng băng có dạng bánh vòng làm thay đổi quan niệm của giới thiên văn về lịch sử của hệ Mặt Trời.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng quê gốc ở Hải Phòng nhưng sinh ra tại Sài Gòn năm 1963. Năm 1975, bà theo cha mẹ sang định cư ở Mỹ. Bà đã học tại nhiều trường nổi tiếng về vật lý như Đại học Stanford năm 1984; thạc sĩ ở Viện Berkeley thuộc Đại học California và năm 1990 nhận bằng tiến sĩ vật lý thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT. Trong một lần đến thăm Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực, tận mắt nhìn thấy những hình ảnh do con tàu không gian Voyager truyền về từ Hỏa tinh, Thổ tinh, GS. Lưu Lệ Hằng quyết định theo đuổi ngành thiên văn học.
Can đảm ngược dòng dư luận và thành quả vỡ òa
Năm 1987, GS. Lưu Lệ Hằng và đồng nghiệp, người thầy của mình là GS. David Jewitt đã can đảm ngược dòng dư luận để khảo sát Vành đai Kuiper - một việc được xem là điên rồ.
Lý do là nhiều năm trước, phỏng đoán về sự tồn tại Vành đai Kuiper của nhà thiên văn học Gerard Kuiper bị nhiều nhà khoa học cho rằng thiếu căn cứ xác đáng, hoang đường. Nhiều nhà thiên văn học thời đấy khẳng định, ngoài rìa Hệ Mặt Trời là… sạch, không có gì.
Nhưng bằng sự quyết tâm, từ năm 1987 đến 1992, GS. Lưu Lệ Hằng và thầy của mình đã đi nhiều nơi, đến những nơi có các thiết bị nghiên cứu tối tân nhất, làm việc xuyên ngày đêm, đánh vật với khối tài liệu khổng lồ để tìm ra chân lý.
Một ngày mùa thu năm 1992, khi phân tích những hình ảnh mà kính thiên văn chụp được, GS. Lưu Lệ Hằng vỡ òa trong hạnh phúc khi phát hiện ra thiên thể trong vành đai Kuiper. Khám phá của GS. Jewit và GS. Lưu Lệ Hằng đã đặt dấu chấm hết cho những nghi ngờ về sự tồn tại của Vành đai Kuiper, mở ra hướng đi mới trong việc giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương hệ.
GS. Lưu Lệ Hằng cho biết, từ đó đến nay vành đai Kuiper đã hé lộ nhiều điều bất ngờ làm thay đổi đáng kể quan điểm của chúng ta về Hệ Mặt trời. Hiện, hơn 1.500 vật thể thuộc vành đai Kuiper đã được xác định…
Ngoài giải thưởng Kavli danh giá, cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là giáo sư Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".
Để ghi nhận công lao của bà trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Từ năm 1994, bà là giảng viên khoa Thiên văn học tại Đại học Harvard. Sau đó bà sang Hà Lan để dạy tại Đại học Leiden. Dù nổi danh nhờ lĩnh vực thiên văn, GS. Lưu Lệ Hằng vẫn rẽ ngang để tìm kiếm thử thách mới. Hiện tại bà là chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.
Không ai vươn tới đỉnh vinh quang một cách dễ dàng và Lưu Lệ Hằng không phải là ngoại lệ. Theo giáo sư, trở ngại lớn nhất của bà trong quá trình theo đuổi con đường khoa học chính là thái độ hoài nghi, hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ làm khoa học. "Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức và phớt lờ thái độ kỳ thị hay coi thường của một số người. Nếu cứ nghĩ tới sự kỳ thị của người khác, bạn sẽ không thể thành công”, nữ giáo sư tâm sự.
Trong lần về thăm Việt Nam năm 2015, GS chia sẻ tới các nhà khoa học tương lai: “Khoa học thường tiến lên phía trước theo những nẻo đường không ai dự đoán nổi! Đôi khi nó được hướng dẫn bởi một lý thuyết, nhưng lý thuyết ấy có thể sai, như trong trường hợp về Diêm Vương tinh; hoặc không có một lý thuyết nào hướng dẫn nó cả, như trong trường hợp Vành đai Kuiper.
Vậy thì điều quan trọng nhất đáng ghi nhớ ở đây là: Nếu ta tò mò về một cái gì đó, thế mà ta chưa tìm được câu trả lời nào thỏa đáng thì ta hãy tự mình tiến hành một số quan sát hoặc thí nghiệm, không quan tâm đến việc có ai đó bàn ra tán vào. Phải kiên trì, các bạn ạ, bởi vì lời giải thường rất khó tìm thấy; nếu không thì người khác đã tìm thấy trước ta rồi. Và, cuối cùng, các bạn phải giữ cho đôi mắt luôn rộng mở, tâm trí luôn rộng mở, bởi lẽ bạn không bao giờ biết điều gì bạn có thể trông thấy ngày mai”.