Đây là những việc không nên làm nếu đột nhiên thức dậy vào giữa đêm
Nếu là người thường xuyên hoặc thỉnh thoảng thức giấc lúc ban đêm, bạn cần tránh làm những việc dưới đây.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2017 với Tạp chí Insider, Tiến sĩ Michael Breus, hay còn gọi là Bác sĩ ngủ (Sleep Doctor) và tác giả của cuốn "The Power of When", đã đưa ra những lời khuyên để bạn có chất lượng giấc ngủ tốt, cho dù bạn thức dậy trước cả khi đồng hồ báo thức kêu.
Giấc ngủ là một chức năng cơ bản của cơ thể và ai cũng cần ngủ để lấy lại năng lượng cũng như duy trì sự khỏe mạnh. Tuy nhiên, có hàng triệu triệu người trên thế giới hàng ngày phải đối phó với giấc ngủ. Từ sức khỏe đến các yếu tố môi trường đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chính vì vậy mà không ít người rơi vào tình trạng mất ngủ, khó ngủ hoặc là tỉnh giấc giữa đêm, tỉnh giấc vào một thời điểm nào đó của giấc ngủ trước khi đến giờ cần tỉnh...
Một số người tỉnh dậy giữa đêm do căng thẳng, lo lắng hoặc do ảnh hưởng của giấc mơ. Một số khác lại do sự rối loạn chuyển đổi homrone hay do tiếng động từ người bên cạnh hoặc hàng xóm... Tuy nhiên, thức dậy vào ban đêm khi chưa ngủ đủ giấc và làm một số việc lại có thể gây ra những tác hại không nhỏ đến sức khỏe chứ không phải chỉ là khó ngủ trở lại.
Theo bác sĩ giấc ngủ, tiến sĩ Breus, khi ngủ, cơ thể chúng ta ở trạng thái ổn định cả nhịp tim cũng như hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể. Đó chính là lý do tại sao, ông đưa ra lời khuyên rằng khi tỉnh dậy vào ban đêm, tốt nhất bạn không nên rời khỏi tư thế đang nằm để làm một số việc, kể cả ngồi dậy, đi vệ sinh hay lấy nước.
Tiến sĩ Breus nói rằng, khi ngủ, nhịp tim thường là 60 nhịp/phút. Và khi bạn tỉnh giấc, chỉ cần ngồi dậy thôi cũng có thể làm tăng nhịp tim, phá vỡ quy trình hoạt động của tim như khi đang ngủ vì tim phải bơm mạnh hơn để chống lại trọng lực. Đôi khi, đây cũng là lý do tại sao bạn khó quay trở lại giấc ngủ.
Dưới đây là những việc không nên làm nếu thức dậy vào giữa đêm mà bạn cần phải nhớ.
1. Ngồi dậy
Như đã nói ở trên, ngồi dậy thực sự làm tăng nhịp tim của bạn. Tim bạn đập chậm khi bạn đang ngủ, và sẽ bắt đầu bơm nhanh hơn khi ngồi dậy. Điều này làm tăng lưu lượng máu lên não, làm bạn trở nên tỉnh táo hơn và khó ngủ trở lại.
2. Kiểm tra điện thoại
Bạn có thể đã nghe nói rằng máy tính và điện thoại là những thứ có thể cản trở giấc ngủ của bạn. Loại ánh sáng màu xanh chúng phát ra gửi tín hiệu gây nhầm lẫn cho bộ não của chúng ta, khiến cho nhịp sinh học của cơ thể trở nên rối tung lên.
Về cơ bản, kiểm tra điện thoại hoặc máy tính làm cho não của bạn nghĩ rằng đó là ban ngày. Đặc biệt, nếu lại xem thêm một vài chương trình nào đó trên điện thoại thì sẽ càng khiến não bạn khó trở lại giấc ngủ.
3. Kiểm tra đồng hồ
Dù bạn làm gì, đừng vội vã và kiểm tra đồng hồ ngay sau khi tỉnh giấc. Không chỉ ánh sáng từ đồng hồ khiến bạn mất tập trung mà nó còn ảnh hưởng đến tâm trí bạn, ngay cả khi có tiếp tục ngủ lại sau đó. Ví dụ, nếu bạn thấy đó mới là 4 giờ sáng, có thể bạn sẽ bắt đầu tính số giờ còn lại cho đến khi phải thức dậy, và giấc ngủ sau đó sẽ chập chờn chứ không ổn định như bạn muốn.
4. Đánh thức người ngủ cùng
Ai cũng cần ngủ, người bên cạnh bạn cũng vậy. Nếu chỉ vì phải thức dậy do bạn đánh thức, giấc ngủ của họ cũng sẽ bị gián đoạn một cách không đáng có. Kết quả là không những họ có thể cáu kỉnh, khó chịu với bạn mà họ còn mệt mỏi không kém gì bạn vào hôm sau.
Vậy nên, nếu tỉnh giấc lúc đêm, bạn tránh gây ồn ào hay để điện sáng làm ảnh hưởng giấc ngủ của người bên cạnh. Nếu trong trường hợp bạn tỉnh giấc do người nằm cùng gây ồn ào (như ngáy hay thở to...) thì bạn mới nên đánh thức họ bởi rất có thể họ bị hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, hoặc dị ứng... - nguyên nhân góp phần gây ngáy và khó thở khi ngủ.
5. Tập thể dục
Khi thức dậy lúc nửa đêm, toàn bộ cơ thể của bạn có xu hướng rất tĩnh lặng, tất cả các cơ đều đang thư giãn. Cơ bắp của bạn được thư giãn bởi vì như thế bạn sẽ dễ ngủ hơn và chúng không cần phải hoạt động vào ban đêm. Lý do tại sao bạn không nên tập thể dục khi thức dậy không đúng lúc là vì nó cần được nghỉ ngơi cho giấc ngủ tiếp theo sau đó chứ không phải vận động như thể bạn sẽ tỉnh hẳn.
6. Đi vệ sinh
Nếu bạn uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, rất có thể bạn sẽ phải thức dậy vào bàn đêm để đi vệ sinh. Một số bệnh khác cũng có thể khiến bạn phải tỉnh dậy để đi vệ sinh, ví dụ như bệnh tiểu đường, bàng quang yếu, tiền liệt tuyến hoặc khi mang thai... Nếu nhất định phải đi vệ sinh thì bạn hãy dậy còn nếu không thì cũng nên bỏ qua nếu không may tỉnh giấc giữa chừng.
Bạn nghĩ rằng đi vệ sinh để dễ chịu sẽ giúp bạn nhanh chóng ngủ lại hơn nhưng thực tế không hẳn vậy. Ra khỏi giường, bật đèn, rửa tay - những hành động này đều gửi tín hiệu đến não và làm cho bạn tỉnh táo, việc ngủ trở lại sẽ khó khăn hơn.
Làm thế nào tôi có thể dễ dàng ngủ trở lại ngủ nhanh chóng?
Để trở lại giấc ngủ sau khi tỉnh giấc, bạn nên cố gắng thư giãn và cố gắng không suy nghĩ đến điều gì cả.
Trước hết, cố gắng giữ nguyên tư thế và thư giãn toàn bộ cơ bắp. Sau đó, hãy thở sâu, chậm rãi trong khi để cho tâm trí của bạn "đi lang thang".
Nếu bạn thấy mình bắt đầu căng thẳng hoặc suy nghĩ về vấn đề nào đó thì hãy cố tình nghĩ đến cái gì đó nhẹ nhõm và để cho trí não của bạn không bị áp lực. Không bao lâu, bạn sẽ nhanh chóng ngủ quên đi!
Theo Drozthegoodlife/Littlethings