Đây là 9 mẹo tiết kiệm giúp mẹ 2 con ở Hà Nội không bao giờ "cạn ví" ngay cả khi đã cuối tháng
Một số người sẵn sàng chi hết tiền bạc để mua sắm, nhưng cũng có không ít người nỗ lực tiết kiệm bằng mọi giá.
Thu Linh, một bà mẹ 2 con ở Hà Nội chia sẻ 9 mẹo tiết kiệm vô cùng thiết thực và hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày mà cô đã áp dụng để "giữ ví" của mình luôn an toàn. Suy cho cùng, công cuộc "giữ tiền" vẫn luôn gian nan, nhưng vô cùng đáng giá!
01. Tránh mua các mặt hàng có chức năng trùng lặp
Thực tế, bạn rất ít khi sử dụng thường xuyên tất cả các món đồ cùng 1 chức năng. Đơn cử như 1 chiếc cốc, bạn có thể mua vì cảm giác thích thú với hình dáng của nó nhưng khi sở hữu, bạn chắc chắn chỉ sử dụng 1, 2 chiếc cốc quen thuộc.
Các món đồ bếp chính là một ví dụ khác dễ khiến bạn tốn tiền để mang về rất nhiều thiết bị có chung 1 chức năng. Hãy thật tỉnh táo khi lựa chọn!
02. Luôn mang theo bữa trưa
Mang theo bữa trưa là một cách tiết kiệm tiền vô cùng hiệu quả. Không có gì sai khi tự làm cho mình những món ngon rồi mang đi làm mỗi ngày. Vừa tốt cho sức khỏe vừa tiết kiệm tiền.

Với những món có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh, bạn có thể làm dư ra và cất đi. Khi ăn chỉ cần làm nóng lại là được, cách này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
03. Mang theo một chai nước khi ra ngoài
Thói quen này không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền, bảo vệ môi trường mà có thể ngăn chặn hành vi chi tiêu bốc đồng. Tất nhiên, thỉnh thoảng tự thưởng cho mình một tách trà sữa cũng tốt. Nhưng nó sẽ tốt hơn nếu trở thành 1 phần thưởng cho bản thân khi hoàn thành tốt mục tiêu nào đó.
04. Tận dụng tối đa ưu đãi của thẻ ngân hàng, ứng dụng mua sắm
Trước khi mua một mặt hàng lớn trực tuyến, hãy kiểm tra các chương trình ưu đãi hoặc giảm giá. Đôi khi số tiền bạn tiết kiệm được từ các chương trình đó khi mua một thiết bị gia dụng hoặc điện thoại di động đủ để bạn mua một món đồ nhỏ khác đó!
05. Mua đồ theo nhu cầu sử dụng, ngưng tích trữ
Mặc dù thói quen tích trữ 1 lượng lớn những món đồ có hạn sử dụng lâu dài nghe có vẻ tiết kiệm hơn. Nhưng thực tế, trong cuộc sống, 1 số thứ lại được tiêu thụ rất chậm, chẳng hạn như đồ vệ sinh cá nhân và gia vị. Và cũng có những thứ sau khi mua nhiều, bạn sẽ sử dụng chúng mà không do dự, theo đó khiến bạn tốn nhiều tiền hơn. Mua sắm không chỉ tốn tiền bạc mà còn tốn thời gian và không gian cất giữ cho những món đồ tiếp theo.
Một người dùng mạng xã hội cho biết đã dùng chai sữa tắm này hơn 4 tháng rồi, và vẫn còn 5 chai chưa mở...
"Tôi không thể ngừng tích trữ sữa tắm và dầu gội trong những đợt giảm giá. Nhưng sau đó tôi biết rằng, không mua mới là cách tiết kiệm 100%", người này nói.
06. Những thứ đắt tiền chưa chắc đã lãng phí
Bạn chọn ưu tiên lựa đồ giá rẻ để tiết kiệm là không sai. Nhưng đối với những vật dụng thông thường như giày dép, áo khoác mùa đông, đồ công nghệ,... thì thực sự sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn chọn những sản phẩm chất lượng tốt, vì chúng bền và có thể mang lại cho bạn tâm trạng tốt mỗi khi sử dụng.

Giày dép là thứ bạn nên đầu tư chọn đồ đắt!
07. Điều quan trọng là phải đầu tư vào các kỹ năng phát triển bản thân
Tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt, nhưng phát triển bản thân mới là giải pháp lâu dài giúp hành trình tích lũy tài sản của bạn trở nên nhanh hơn. Có rất nhiều kỹ năng mà bạn cần phải học, chẳng hạn như trang điểm, làm móng, làm bánh, viết lách, biên tập, học ngoại ngữ,... Bạn có thể lựa chọn theo tình hình thực tế và sở thích của mình rồi từ đó tập trung vào việc học để đặt nền tảng vững chắc cho việc tăng thu nhập trong tương lai.
08. Duy trì thói quen ghi chép chi tiêu
Điều kiện tiên quyết để tiết kiệm tiền là phải ghi chép sổ sách. Việc ghi chép không thể chỉ là hình thức, mà còn là cơ hội để bạn xem xét lại các khoản chi tiêu. Bằng cách tìm ra giá trị tiêu dùng thông qua việc xem xét thường xuyên và liên tục điều chỉnh thói quen tiêu dùng, khoản chi của bạn sẽ tự nhiên giảm dần theo thời gian.
09. Tận dụng tốt các nguồn tài nguyên đã qua sử dụng
Nếu bạn không ngại và không cần gấp, bạn có thể dạo quanh thị trường các món đồ cũ để lựa cho mình những bộ quần áo phù hợp hay bộ bát đĩa gốm yêu thích... Nhiều thứ có chất lượng tốt nhưng giá cả phải chăng hơn nhiều.
Tương tự như vậy, bạn cũng có thể kiếm tiền từ chính những món đồ cũ đã không còn sử dụng trong ngôi nhà của mình. Hãy thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và bán bớt một số đồ không dùng đến ở nhà. Điều này không chỉ giải phóng không gian trong nhà mà còn giúp bạn có thêm chút tiền trước khi chúng hỏng tới nỗi chỉ có thể bỏ đi.

Với chiếc bàn chải điện đã cũ và có dấu hiệu bị mốc, hay làm sạch kĩ càng và thay đầu bàn chải, bạn hoàn toàn có thể sử dụng tiếp.
Nói tóm lại, tiết kiệm tiền không có nghĩa là làm cuộc sống của bạn trở nên khổ sở, thiếu thốn hơn mà nhìn theo 1 cách tích cực, đôi khi nó còn mang đến cho bạn nhiều sự lựa chọn hơn.
Bắt đầu từ hôm nay, hãy đặt ra cho mình một mục tiêu và hoàn thành nó nhé!