Đây là 6 điều đáng sợ nhất với mọi đứa trẻ, cha mẹ đã làm bao nhiêu trong số đó?
Rất nhiều trường hợp, phản ứng của cha mẹ làm trẻ cảm thấy sợ hãi, tự ti và gây ra tổn thương lòng cho con mà chính họ cũng không nhận ra.
Ai cũng muốn con mình năng động, giỏi giang, là điểm sáng trong đám đông. Nhưng ít bố mẹ nhận ra rằng, nhiều hành vi của mình lại khiến con trở nên sợ hãi, tự ti và xa cách gia đình.
1. Thấy bố mẹ cãi nhau
Chúng ta hay nghĩ trẻ con chưa hiểu gì, có thể cãi vã trước mặt chúng thoải mái. Có những lúc, bố mẹ nghĩ rằng đó là vài câu cãi vã vụn vặt và quên luôn sau đó nhưng trái tim trẻ vẫn luôn căng thẳng. Quan điểm của cha mẹ về hôn nhân và cách sống hòa thuận thường cũng ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này của con cái, giống nhau đến bất ngờ.
Khi thấy cha mẹ cãi nhau, con cái sẽ thiếu cảm giác an toàn, thậm chí có cha mẹ còn muốn con cái vào "phe" mình, khiến trẻ rơi vào tình thế khó xử. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường sẽ rất nhạy cảm và luôn thấy bản thân kém cỏi.
Việc mâu thuẫn vợ chồng là không tránh khỏi. Nhưng nếu cãi nhau, bạn không được làm tổn thương con cái mình.
2. Chỉ trích trước đám đông
Khi lớn lên con cái sẽ không tránh khỏi những sai lầm, những lời phê bình và giáo dục phù hợp là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, nên nhớ, mục đích của việc phê bình là tác động tích cực để con cái nhận ra điều chưa đúng của mình.
Khi giao tiếp với con, cha mẹ nên tập trung hướng dẫn trẻ tự nhận lỗi chứ không nên dùng lời nói chế nhạo. Cha mẹ cũng nên có sự đồng cảm nhất định với con cái và cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của đứa trẻ. Khi hiểu được suy nghĩ và tâm tư của con cái, sẽ dễ dàng chỉ ra những điều con làm chưa đúng.
Đặc biệt ở nơi công cộng, việc chỉ trích con cái trước mặt người ngoài có khả năng gây áp lực tâm lý rất lớn cho các em, dẫn đến tác động tiêu cực.
3. Thường xuyên la mắng
Một cuộc khảo sát của nhà xã hội học người Mỹ Mori Strauss cho thấy gần 90% cha mẹ đã quát mắng con cái. Nhiều người nghĩ rằng "la lối" là một cách giáo dục, chỉ cần không bạo lực thì sẽ chẳng ảnh hưởng đến trẻ. Nhưng thực tế, trái tim của trẻ đang phải chịu áp lực vô cùng lớn.
Các nhà khoa học đã làm một thí nghiệm. Họ tìm hai đứa trẻ 3 tuổi thực hiện quét não. Một trẻ hay được khen, trẻ còn lại hay bị quát mắng. Kết quả là hình ảnh thu được rất khác nhau. Những đứa trẻ hay bị la mắng có não nhỏ hơn đáng kể. Khi thể tích não càng nhỏ thì sự phát triển trí tuệ càng giảm.
Tiến sĩ Martin Techer từ Trường Y khoa Harvard cũng phát hiện ra: "Trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng, xúc phạm, có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên là 112, thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói".
Những đứa trẻ sống trong sự quát nạt của cha mẹ sẽ không tin tưởng vào người khác và không đề cao cá nhân mình. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ ngày càng ít muốn bộc lộ bản thân, sẽ gặp các vấn đề tâm lý như ủ rũ, tự ti, thậm chí tự kỷ.
Cha mẹ thường quát mắng con cái, kỳ thực đó là biểu hiện của sự kém cỏi, không thể kiểm soát hành vi của con cái, dựa vào la mắng để bắt con cái phải nghe lời. Thay vì la mắng, tốt hơn là nên hành động trực tiếp, nói ít, làm nhiều, là tấm gương cho con.
4. Không chào đón bạn bè
Kết bạn là một phần quan trọng trong sự phát triển tình cảm ở trẻ. Tình bạn giúp trẻ có được sự tự tin và cảm giác được bảo vệ, chia sẻ bởi đồng minh. Thực tế cho thấy rằng, những người bạn tốt có thể bảo vệ con bạn khỏi sự bắt nạt, bạo lực học đường từ bạn bè đồng trang lứa. Hơn nữa, chúng còn dạy cho trẻ kỹ năng sống, cách tự bảo vệ mình, cách chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng với người khác.
Tuy nhiên, một số phụ huynh cảm thấy mất thời gian, hoặc cảm thấy bạn học nào đó của con chỉ đạt điểm trung bình, không thích con mình giao lưu khiến con cảm thấy bị kiểm soát.
Cha mẹ định hướng cho con cái kết bạn đúng đắn, nhưng cũng không chỉ dựa vào thành tích học tập. Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và thế mạnh, miễn không ảnh hưởng tiêu cực đến con là được. Tuyệt đối không được làm con xấu hổ trước mặt bạn hoặc có những lời lẽ làm tổn thương tâm lý của trẻ.
5. Không lắng nghe
Không ít cha mẹ quan niệm yêu là cho con ăn ngon, mặc đẹp, cung cấp mọi thứ bé cần,... mà không thực sự thấu hiểu trẻ cần gì. Từ đó họ đánh mất dần cơ hội lắng nghe con, yêu cầu con cái phải nghe lời mình.
Để lắng nghe con, trong các cuộc tiếp xúc, cha mẹ cần hạ thấp mình xuống (cả nghĩa đen lẫn bóng) để sự tương tác trở nên gần gũi, thân mật. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, thấy mình đang được tôn trọng.
Cha mẹ tuyệt đối đừng nói chuyện riêng hay ngắt ngang lời con. Hãy để trẻ được nói hết suy nghĩ của mình trước khi bố mẹ muốn bày tỏ ý kiến. Thi thoảng phụ huynh hãy gật đầu, mỉm cười, hướng đôi mắt về phía con để chúng cảm thấy lời nói của mình được bố mẹ lắng nghe.
6. So sánh với những đứa trẻ khác
Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con nhà người ta ngoan ngoãn, hiểu chuyện và học giỏi, đọc sách mỗi ngày và không bao giờ chơi điện thoại di động, đi ngủ sớm và dậy sớm, biết làm việc nhà.
Đối với trẻ em, "con nhà người ta" không phải mục tiêu phấn đấu mà giống như một lời nguyền, sẽ chỉ gây ra áp lực vô tận.
Mỗi đứa trẻ đều có quy luật lớn lên của riêng mình. Thay vì sử dụng sự so sánh để khiến trẻ cảm thấy thấp kém, nhạy cảm và ganh đua, tốt hơn hết là bạn nên chấp nhận con người thật của con và để trẻ tỏa sáng trên sân khấu của chính mình.