Đây không phải là chuyện đùa: Nữ công sở U30 vẫn được mẹ... đút cơm!
Câu chuyện được viết trên 1 nhân vật có thật. “Tình yêu thương” của 1 bà mẹ đã cho phép cô con gái U30 có quyền… không lớn, ngay cả khi cô ấy đã làm mẹ!
X, nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi, mẹ của 1 đứa nhóc 2 tuổi.
Ưu điểm: Dân công sở có chuyên môn đủ dùng/Làm vợ: thủy chung, không cãi chồng.
Nhược điểm: Không biết chăm con, không biết làm việc nhà/Mẹ vẫn đút cơm cho con gái ăn dù con đã làm mẹ…
Khi 1 đứa trẻ làm mẹ!
Đây không phải là chuyện đùa, X. dù đã lên chức mẹ, nhưng vẫn được mẹ của X. đút cơm cho ăn. Nhấn mạnh, không phải là đút cơm cho cháu của bà, mà chính là con gái của bà, khi X. hoàn toàn khỏe mạnh, đủ tay chân và đầu óc bình thường.
Chưa hết, bố đẻ X. sẽ giặt và phơi đồ giúp con gái.
1 bữa ăn của X sẽ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, đó là con số nhỏ nhất.
X. như 1 đứa trẻ dù đã ở tuổi U30.
20 tuổi, bố mẹ vẫn đưa X. đi ăn rong khắp xóm. Và cũng không quá ngạc nhiên 27 tuổi, đã thành mẹ trẻ con nhưng X. vẫn được mẹ lén lút lúc con rể vắng nhà mà đút cơm hoặc tắm cho.
Làm sao có cơ hội để vẫn là 1 đứa trẻ khi đã làm mẹ?
Tất cả là nhờ bố mẹ X. đã cho X. cơ hội “mãi mãi tuổi lên 3”. X. là sản phẩm của 1 đứa con nhiều công chạy chữa mới có, bố mẹ X. cưng cô hơn vàng. Gia đình X. cũng có điều kiện và tình yêu bố mẹ quá lớn (?) nên X. đã không phải làm bất cứ việc gì.
Vậy tại sao chồng X. có thể chấp nhận lấy “1 đứa trẻ”?
Vì bố mẹ X. quá yêu cô mà bao bọc đến mức chọn sẵn con rể, mời con rể về nhà ở cùng, tuyên bố hẳn hoi X. quen được sống như 1 đứa trẻ từ bé nên đừng bất ngờ và chấp nhận điều đó. Mọi chuyện “hậu quả của việc cưng chiều” bố mẹ X. sẽ lo, con rể chỉ cần chấp nhận là được, hãy sống cùng nhau và căn biệt thự này tất nhiên sẽ thuộc về vợ chồng X.
X. hiện tại đã làm được “việc lớn nhất đời” là sinh cháu cho ông bà, cho con bú khi cần. Nhưng tuyệt nhiên cô không chăm con, vì không làm được, cũng không ai mướn X. làm, mọi việc đã có bố mẹ và người giúp việc lo.
Dù đã làm mẹ, nhưng ông bà ngoại vẫn thương vẫn chiều X. như con nít. Khi thấy hàng xóm có cái nhìn ái ngại khi bà ngoại rong mẹ trẻ con đi ăn rong, bà cười bảo: “Nó quen thế từ bé rồi biết làm sao được. Chiều con 1 tí cũng chết ai”.
Chuyện không ngoa, U30 như X. giờ vẫn còn được mẹ tắm cho vào 1 số buổi trong tuần, được đút cơm khi có thể. Bố đẻ sẵn sàng bế con, giặt quần áo cho X.
Bữa trưa công sở của “nữ nhân viên lên 3” tên X.
Chuyện thật như bịa truyền thuyết về 1 đứa trẻ tên X. được kể như 1 giai thoại trong 1 công ty Y. mà ai cũng phải mắt tròn, mắt dẹt.
Mẹ X. là người nấu sẽ chuẩn bị sẵn bữa cơm cho X. mang đi làm. 12 giờ X. sẽ phải ăn cơm ngay cho kịp để chốt xong bữa trưa trước 14h chiều kẻo sếp mắng.
Muốn mục sở thị hãy đến xem vào giờ nghỉ trưa, X. bày 1 bàn tiệc cơ man nào là đồ ăn rồi bật youtube xem hoạt hình và từ từ làm động tác nhai nuốt rồi kết thúc vào 14h dù cho có xong bữa hay không.
Đôi lúc người ta thấy X. nghe điện thoại rồi chạy ra sảnh, mẹ X. mang đến cho cô hộp bắp rang bơ loại cô thích.
Dấu hỏi về tương lai của X. và X1
X. sống hiền hòa, không cãi chửi nhau với ai, nhưng mãi mãi là đứa trẻ lên 3 trong mắt bố mẹ.
X. không cần lớn vì đã có “người lớn” lo cho X.
Hỏi sau này lúc cha mẹ già yếu ai sẽ lo cho X. mẹ X. cười trừ: “Em nó non nớt, không biết làm gì thì cũng đành con dại cái mang. Cô cố được đến lúc nào thì cố. Sau này để lại cho em 1 khoản để thuê người giúp việc, phần còn lại em phải tự kiếm tiền lo cho bản thân mình thôi. Cô cũng không dám nghĩ quá nhiều về tương lai”.
Còn con X. thế hệ X1 thì sao? Người ta sẽ dễ hình dung câu chuyện X1 khác, chỉ là phiên bản hơi khác 1 chút vì X. không phải là mẹ X. để chăm lo cho X1 theo cái cách “mãi mãi tuổi lên 3” như thế.
Nghĩ cũng tội mà thôi cũng kệ.
Đâu phải ai cũng có thể sống 1 cuộc đời giống X. đâu!