Dạy con dùng tiền LÌ XÌ thế nào cho đúng? Câu trả lời không ngờ từ bà mẹ ở Hà Nội nhận cơn bão like từ các bậc phụ huynh
"Với mình lì xì là niềm vui của người lớn, của trẻ nhỏ. Muốn trẻ không làm sai thì cũng phải xem người lớn dạy con thế nào chứ việc được mừng bao nhiêu tiền không ảnh hưởng hay làm hư được con".
Năm nào Tết đến cũng có nhiều chia sẻ của nhiều phụ huynh, rằng thấy trẻ nhỏ ham đi chúc Tết để nhận tiền mừng tuổi, tỏ thái độ mất lịch sự khi nhận được lì xì ít. Phụ huynh lo lắng vì bọn trẻ nhận được tiền nhiều một cách dễ dàng, rồi lại lo lắng làm sao để bọn trẻ có thể tiêu tiền mừng tuổi một cách hợp lý, không phung phí.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên hiện đang công tác tại trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) - phụ huynh của một bé lớp 10, một bé lớp 7 đã có những chia sẻ hữu ích về câu chuyện Dạy con dùng tiền lì xì thế nào cho đúng.
Chị Liên chia sẻ, bản thân hồi nhỏ cũng từng nhận được tiền mừng tuổi. Hồi đó, bố mẹ chị cho phép con được cầm tiền mừng tuổi vì bố mẹ khá là thoáng tính, tiền lì xì là tiền của con chứ không phải là tiền của bố mẹ.
"Bố mẹ mình còn không bao giờ kiểm soát xem mình tiêu tiền mừng tuổi như thế nào vì nói thật, bố mẹ mình cũng không quan tâm đến giáo dục con cái lắm. Mỗi năm mình đều được 1-2 triệu tiền mừng tuổi (hồi nhỏ 1 chỉ vàng chỉ có 400k thôi, mình nhớ là thế, và mình nhớ số tiền mình có có thể cho mẹ mình vay đi chợ được 1 tháng liền đấy). Thế mà mình tiêu tiền có bao giờ phung phí đâu.
Ngày Tết, mình thích lắm, nhớ lại cảm giác lúc nào cũng chỉ mong đến Tết vì đó là lúc mà mình được cho nhiều tiền nhất, mình cũng còn chả biết tại sao người lớn lại cho trẻ con tiền, chỉ biết thấy có tiền là vui thôi. Mình tích cực đi với bố mẹ đến các gia đình, chào ngoan, chúc to để được mừng tuổi.
Mỗi lần được mừng nhiều là vui, và khi được mừng ít mình cũng buồn lắm, nhiều khi mặt xị ra không đỡ được ấy, nhưng rồi lại quên ngay và hùa vào đám trẻ con bằng tuổi nô đùa. Nếu các chú bác, ông bà mừng ít mà nhìn thấy mình viết thế này chắc cũng buồn lắm. Nhưng đó là cảm xúc trẻ con thôi mà, rồi nó cũng qua dần và mình cũng lớn dần. Mình giờ vẫn là người tốt, lương thiện chứ đâu có phải thành người không ra gì vì cảm xúc buồn khi được mừng tuổi ít đâu.
Tiền mừng tuổi và cách sử dụng tiền mừng tuổi không hẳn quá quan trọng, vì nó cũng chỉ là 1 dịp trong 1 năm, nếu quanh năm các mẹ đều dạy con về tiền, giá trị của lao động thì dịp lễ tết chính là cơ hội để các con học cách sử dụng đồng tiền được người khác cho như thế nào thôi", chị Liên chia sẻ.
Quy định rất rõ về việc sử dụng tiền mừng tuổi cho con
Với 2 con trai, chị Liên đều có quy định rất rõ về việc sử dụng tiền mừng tuổi, và vì 2 bé quá quen với việc dùng tiền và đều là những đứa trẻ quý trọng đồng tiền cho nên chị cũng không quá lo lắng.
Bà mẹ Hà Nội cho biết: "Nếu con mình dưới 6 tuổi, mặc nhiên tiền mừng tuổi mình thu tất, chúng nó cũng ko biết nhiều về giá trị của tiền. Nên dưới 6 tuổi, hết tết mình cho con đi mua 1 món đồ chơi là xong. Con cũng chả biết tiền mừng tuổi của mình được bao nhiêu vì có biết đếm đâu mà.
Con từ 7 tuổi trở lên, khi này con mình đã được dạy về tiền rồi, phải làm việc vất vả để có tiền, để dành quanh năm còn chưa mua được con robot mà mình muốn nên bọn nhỏ nhà mình khá là quý trọng đồng tiền, không bao giờ chi tiêu phung phí. Nhà mình, tiền các bé để chi tiêu cho bản thân và để tiết kiệm phục vụ cho việc học tập sau này".
Cụ thể chị Liên phân chia như sau:
6-8 tuổi: Để dành tiền để tự chi tiêu cho bản thân (dạy cách điều tiết chi tiêu), chi tiêu cho bản thân 100%.
9-13 tuổi: chi tiêu cho bản thân, người thân xung quanh, làm từ thiện 30%, còn lại 70% để dành tiền để mua một số thiết bị lớn phục vụ học tập (máy tính, giày, cặp…).
13-18 tuổi: 40% chi tiêu cho bản thân, người thân xung quanh, làm từ thiện, còn lại 60% để dành tiền đi học đại học (tiền học đại học chia 3, 1/3 bố mẹ cho, 1/3 tự kiếm, 1/3 cố gắng bằng học bổng).
Vì có mục tiêu rõ ràng nên tiền con luôn biết dùng để làm gì, số tiền được phép chi tiêu chị cũng dạy và giới hạn được mua cái gì và không được mua cái gì. Khi mua cái gì từ 200 ngàn đồng trở lên phải bàn với mẹ để xem có cần mua không. Các bạn ấy rất tuân thủ và sử dụng tiền khá khéo.
Ngày 23 tháng chạp hàng năm, sau khi cũng ông Công ông Táo, chị cũng kéo 2 con vào phòng và nói rõ mấy điều.
1. Năm nay mẹ cùng bàn xem các con xem các con được phép nhận tối đa bao nhiêu tiền. Giải trình cho mẹ định tiêu cái gì, có hợp lý không và phần còn lại thuộc về ai, nếu con cầm tiền thì có những quy tắc nào cần phải tuân thủ khi sử dụng tiền mừng tuổi.
Thường thì quá trình đàm phán này khá là gay go, con cảm thấy bất công sao mẹ mình lại thu tiền của mình, dùng mọi lý lẽ để biện giải để giữ lại tiền. Mẹ dùng mọi lý lẽ để lấy phần tiền nhưng thực chất là để con buộc phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng tiền mà mẹ muốn con phải tuân thủ.
Mỗi tuổi con mỗi lớn, số tiền phải trả cho con cũng lớn dần và con cũng chi tiêu hợp lý theo những gì đã được bàn với mẹ trước.
2. Mọi chi tiêu phát sinh không bàn trước phải xin mẹ mới được mua. Mình mà phát hiện ra chi tiêu vớ vẩn thì các bạn ấy thiệt, sẽ bị thu lại toàn bộ tiền nên các bạn ấy ko dại để mà chi tiêu lung tung để bị thu lại hết tiền.
Mọi chi tiêu đều phải ghi vào sổ thu chi của bản thân để biết mình thu được bao nhiêu tiền và chi tiền vào những việc gì, khi mẹ cần phải trình sổ cho mẹ xem quá trình chi tiêu của bản thân ra sao (tiền gì cũng thế chứ ko phải chỉ có tiền mừng tuổi).
3. Chị cũng dặn dò con:
- Khi nhận tiền mừng tuổi, con phải cầm bằng 2 tay, đồng thời chúc người lớn: Con chúc..cô/chú/bác/… sức khỏe, an khang thịnh vượng.
- Tiền mừng tuổi cầm xong không được phép mở ra xem, phải cầm cho vào túi và về nhà mới được mở.
- Không được phép vòi vĩnh, không xin tiền mừng tuổi, không được chê ít, không được có vẻ mặt thất vọng (làm khuôn mặt diễn tả cho con xem vẻ mặt thất vọng và buồn nó như thế nào)
Các việc mẹ đã dặn, nếu làm không tốt ngay lúc đó sẽ bị về nhà, và mẹ sẽ lại trao đổi lại hôm nay con sai việc gì, lần sau ko được tái phạm. Con nhà mình chỉ thường là vô ý phạm lỗi chứ không cố ý.
"Con cũng bị lỗi mấy lần như mở ngay phong bao ra xem, hoặc là cầm tiền bỏ đâu đó quên mất, hoặc là hỏi chú “chú ơi chú không mừng tuổi con à”, hoặc “chú ơi, chú cho con xin tiền mừng tuổi đi”, hoặc là cu em được mừng tuổi xong đi gọi ngay cu anh “anh ơi có chú đến mừng tuổi kìa”, cu em và cu anh chạy vào phòng khách chào khách, cu e nói với anh “chú đấy đấy”, thế là chú biết ý lấy lì xì ra mừng tuổi cu anh. Mình vừa ngại, lại vừa buồn cười. Đúng là con trẻ, ngây thơ và ngộ nghĩnh.
Lì xì là niềm vui, người lớn vui vì dùng tiền mua chút niềm vui cho con trẻ, con trẻ mừng vì tự dưng lại có tiền. Tết đến người người gặp mặt, vui vẻ, háo hức… Với mình lì xì là niềm vui của người lớn, của trẻ nhỏ, muốn trẻ không làm sai thì cũng phải xem người lớn dạy con thế nào chứ việc được mừng bao nhiêu tiền nó không ảnh hưởng hay làm hư được con", chị Liên nhận định.